Điểm tin bất động sản 27/4: Khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau 13 năm

Hoàng Vy
Khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau 13 năm, Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13 hơn 1.400 tỷ đồng,...là các tin tức đáng chú ý sáng 27/4.

Khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau 13 năm

trung-luong-my-thuan-1651025067.jpeg

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2019, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, hoạt động từ hôm nay. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, rộng 16 m, gồm 4 làn xe. Hiện cao tốc chưa có làn khẩn cấp, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn gồm hai làn dừng khẩn cấp hai bên.

Các hạng mục nền đường tuyến chính, tuyến nối hoàn thành; hơn 50 cầu trên tuyến chính, tuyến nhánh, nút giao thông và cầu vượt đã xong; điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh (ITS) được lắp. Hai trạm thu phí chính cùng 3 trạm phụ xong một số hạng mục, dự kiến thu phí trong quý II, song mức phí chưa được công bố.

Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13 hơn 1.400 tỷ đồng

Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống kết nối tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với TP HCM. Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) dài 12,7 km, sẽ mở rộng thêm hai làn xe rộng từ 12 đến 18m, nâng tổng số làn xe lên 8 làn, bề mặt đường rộng từ 39,5 đến 40,5m. Giai đoạn I của dự án đoạn từ Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố dài 4,9 km; giai đoạn II từ cầu Ông Bố đến nút giao thông Hữu Nghị dài 2,9 km; giai đoạn III từ nút giao thông Tự Do (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) dài 4,9 km.

Trên tuyến còn xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa với quy mô dài 880 m, rộng 17 m; cầu vượt qua nút giao thông Hòa Lân dài 646 m, rộng 17 m. Xây dựng mở rộng cầu Tân Phú thêm một đơn nguyên hướng từ TP HCM đi TP Thủ Dầu Một, nâng tổng chiều rộng cầu lên 40,5 m, tổng kinh phí xây dựng khoảng 1.400 tỷ đồng.

Hơn 200ha rừng bị phá, Lâm Đồng thu hồi hàng trăm dự án

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn từ năm 2018 đến quý I/2022.

Từ năm 2018 đến hết quý 1/2022, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21ha, 12.240,5m3 lâm sản bị thiệt hại do nạn phá rừng, 147 vụ phá rừng. Cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 1.410 vụ, tổng diện tích 431,8ha lấn chiếm đất lâm nghiệp,

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích 52.722ha. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án với 30.469ha. Trong đó, có 172 dự án bị thu hồi toàn bộ (26.226ha) và 36 dự án bị thu hồi một phần (4.242ha) do chủ đầu tư vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp. Có 260 doanh nghiệp phải thuê rừng; 49 doanh nghiệp được giao đất và rừng, tự bỏ vốn trồng rừng, diện tích đất thuê không có rừng.

Nguồn: VnExpress, Tienphong, Vietnambiz