Giao dịch đất nền phía Nam rục rịch tăng

Minh Triết
Giao dịch phân khúc đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận có dấu hiệu tăng, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.

Phân khúc đất nền dự án tại TP HCM và vùng phụ cận trong tháng 10 ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, nguồn cung mới đạt 203 nền và lượng tiêu thụ mới đạt 29 nền trong, lần lượt tăng gấp 3,8 và 4,8 lần so với tháng trước. Tuy nhiên, mức nền của tháng trước khá thấp.

dn-1699571808.jpg
Giao dịch đất nền phía Nam rục rịch tăng

Theo thống kê của DKRA, toàn bộ nguồn cung đất nền mới tập trung tại Đồng Nai. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến rộng so với lần mở bán trước đó, phần lớn lượng giao dịch tập trung ở nhóm sản phẩm có mức giá trung bình khoảng 11,2 triệu đồng/m2. Các chính sách chiết khấu, cam kết lợi nhuận, cam kết mua lại,… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Thị trường thứ cấp tiếp tục ghi nhận mức giảm trung bình 3 - 5% so với tháng trước, mức giảm tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có giá trị cao, nhóm dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý,… Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình.

Dự kiến, nguồn cung và lượng tiêu thụ trong những tháng cuối năm duy trì xu hướng đi ngang và tập trung chủ yếu ở thị trường vùng phụ cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh...

Về phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong tháng 10 đạt 960 căn, tăng 56% so với tháng trước, nhưng ghi nhận sụt giảm 67% so với cùng kỳ. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng B chiếm 55% nguồn cung và 72% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường, các dự án tập trung tại khu vực TP Dĩ An và TP Thủ Dầu Một thuộc Bình Dương. Lượng tiêu thụ đạt 549 căn, tương ứng gần 43% tổng nguồn cung toàn thị trường.

Riêng tại TP HCM, nguồn cung mới chủ yếu thuộc phân khúc căn hộ cao cấp tại khu Đông, thị trường không ghi nhận nguồn cung căn hộ bình dân mở bán trong tháng.

DKRA cho biết các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán,… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Mặt bằng giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường mặc dù có cải thiện so với tháng trước tuy nhiên vẫn ở mức thấp và khó có đột biến trong ngắn hạn.

Trong tháng 10, nguồn cung mới của phân khúc nhà phố/biệt thự tại khu vực phía Nam ghi nhận 48 căn, tăng 26% so với tháng trước, nhưng giảm tới 81% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ trong tháng đạt 10 căn, tăng so với tháng trước.

Theo đó, thị trường Đồng Nai chiếm khoảng 62% tỷ trọng nguồn cung và 100% lượng tiêu thụ mới trong tháng. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 3 - 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm giá trung bình 4%- 8% so với tháng trước, mức giảm tập trung ở nhóm dự án chưa hoàn thiện hạ tầng - pháp lý và nhóm khách hàng sử dụng vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình.

Theo ghi nhận từ Tổ công tác Nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) trên cả nước, các dự án mới mở bán mới đều được quan tâm, ghi nhận lượng đặt chỗ ấn tượng với các chính sách bán hàng hấp dẫn.

Thị trường thứ cấp cũng ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực với nhiều hơn các phân khúc, khu vực có dấu hiệu “vượt đáy".

Nếu như, thời gian trước, giao dịch thứ cấp chỉ xuất hiện chủ yếu ở phân khúc đất nền, nhà trong dân tầm giá dưới 3 tỷ đồng thì gần đây, trước những thông tin tích cực hơn từ thị trường, lực cầu được cải thiện với nhiều lựa chọn khi nguồn cung đa dạng hơn được bổ sung từ các sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư, từ tài sản đảm bảo là bất động sản do ngân hàng phát mãi...

Lãi suất được điều chỉnh giảm rõ rệt tiệm cận về mức đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi trong dân, dù chưa nhiều, đã bắt đầu rục rịch quay trở lại đầu tư. Các sản phẩm nhà phố, biệt thự cao cấp trên 5 tỷ đồng, có mức giá đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay đã được nhà đầu tư chấp nhận xuống tiền, bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Ngoạ Sơn