Hiểu đúng về smart city

Lan Anh
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã khiến những nhà cầm quyền đối mặt với những vấn đề xã hội lớn như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tài nguyên khan hiếm,... Chính vì thế Smart City đã trở thành giải pháp chiến lược để giải quyết các tình trạng trên.

Smart City là gì?

Khi nhắc về Smart City, Bà Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện đô thị Thông minh và Quản lý (ISCM) chia sẻ “Thành phố thông minh là nơi ứng dụng các công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả dựa trên các nguồn lực mà chúng ta đang có. Mục tiêu cuối cùng của Smart City vẫn là chất lượng cuộc sống của con người, phải đặt con người là nhân tố trung tâm”.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về đô thị thông minh (Smart City). Dựa vào nguồn lực và văn hóa bản địa mà mỗi quốc gia, thành phố lại ứng dụng các loại công nghệ khác nhau và phát triển một định nghĩa riêng để xây dựng đô thị thông minh. 

Về cơ bản có thể hiểu Smart City là mô hình tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo và Internet tốc độ cao được phủ sóng ở khắp mọi nơi. Mục tiêu của các thành phố này là sử dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sống của người dân tại đô thị, cải thiện lưu lượng giao thông và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó Smart City còn giúp các cấp chính quyền dễ dàng tương tác trực tiếp với cộng đồng, kiểm soát cơ sở hạ tầng thành phố, quản lý dữ liệu quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Các yếu tố cần thiết để xây dựng Smart City

So với ngày xưa, một thành phố có Internet tốc độ cao đã đủ trở thành Smart City. Nhưng ở thời nay, khi Internet xuất hiện ở khắp mọi nơi và trở nên phổ biến, tiêu chuẩn để xây dựng một đô thị thông minh cũng ngày càng được nâng tầm. Các dịch vụ và hệ thống ứng dụng công nghệ  trong thành phố thông minh phải được phát triển đa dạng hóa hơn để mang lại lợi ích cho cộng đồng

Để đảm bảo quyền lợi cho cư dân đô thị, các chuyên gia cho rằng có 5 yếu tố để góp phần triển khai thành phố thông minh.

Thứ nhất là, thành phố cần ứng dụng nhiều loại công nghệ điện tử và kỹ thuật số nhằm phục vụ cho cộng đồng. Công nghệ được vận dụng linh hoạt, tùy thuộc vào nguồn lực và đặc điểm của vùng

Thứ hai là, cộng đồng dân cư là chủ thể chính của Smart City. Các đô thị thông minh cần sử dụng Công nghệ thông tin và truyền thông để giúp người dân dễ dàng thích nghi với cuộc sống tại khu vực đô thị.

Thứ ba là, cư dân hiện đại, văn minh cùng tham gia giám sát, phối hợp hỗ trợ quản lý thành phố.

Thứ tư là, ứng dụng công nghệ điện toán thông minh vào việc quản lý các dịch vụ và cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Thứ năm là, đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào hệ thống quản lý – tổ chức của chính phủ.

Top 5 các thành phố thông minh trên thế giới năm 2021

Đô thị thông minh Singapore 

Singapore được ghi nhận là thành phố có mật độ dân số cao thứ hai thế giới, khoảng 8.000 người/km2. Bất chấp tình trạng dân số già, theo chỉ số đánh giá từ Viện phát triển Quản lý quốc tế (IMD), Singapore vẫn giữ vững ngôi vị 3 năm liên tiếp là đô thị thông minh nhất thế giới.

singapore-smart-city-min-1636678445.jpg

Bắt đầu ý tưởng thành phố thông minh từ năm 2014, đến nay Singapore đã và đang triển khai thành công hệ thống giao thông One Monitoring – cổng thông tin toàn diện. Trong đó cho phép người dân truy cập thông tin giao thông bằng GPS, các dữ liệu được thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi. Ngoài ra, Singapore có một hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe. Đặc biệt, mức phí cũng thay đổi linh hoạt tùy theo tình trạng tắc nghẽn giao thông của khu vực. 

Bên cạnh đó để tối ưu hóa lưu thông khu vực, Singapore cũng phát triển một hệ thống xe tự động để giúp người già và người khuyết tật di chuyển trong thành phố. Công nghệ thanh toán “không chạm” cũng được ứng dụng để thuận tiện hơn trong việc di chuyển và thanh toán của 7,5 triệu người dân đang sử dụng phương tiện giao thông công cộng mỗi ngày.

Sắp tới, quỹ nghiên cứu quốc gia ở Singapore sẽ cho ra mắt mô hình thành phố 3D "Virtual Singapore". với các tuyến giao thông được quy hoạch tối ưu. Từ những dữ liệu thu thập được về hầm, cầu vượt, độ dốc và chướng ngại vật trên đường, … người tham gia giao thông có thể chủ động điều hướng một cách thông minh trong quá trình di chuyển. 

Đô thị thông minh Zurich (Thụy Sĩ)

Thành phố Zurich là trung tâm kinh tế và văn học chính của Thụy Sĩ. Nhờ hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, thành phố Zurich được xem là một trong những đô thị có chất lượng không khí sạch nhất thế giới. Tại đây, chính quyền đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đẳng cấp để khuyến khích người dân thành phố sử dụng xe đạp hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, tàu điện ngầm hoặc xe lửa.

zurich-thuy-si-smart-city-min-1636678444.jpg

Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh, các chế tài về việc xử lý rác thải nghiêm ngặt cùng với hơn 300 điểm thu gom đã giúp người dân nâng cao ý thức trong việc tái chế rác thải. Hơn nữa, chính quyền cũng cho triển khai dự án “xã hội 2.000 watt”, tạo ra hệ thống quản lý tòa nhà thông minh với hệ thống sưởi, điện và điều hòa được kết nối với nhau nhằm tiết kiệm năng lượng sử dụng.

Đô thị thông minh Oslo (Na Uy)

Ô tô điện chính là phương tiện “vua” tại thủ đô Na Uy, dự kiến trong năm 2050 đây sẽ là phương tiện di chuyển chính tại thành phố này. Bên cạnh đó, chính quyền thủ đô cũng ban hành thêm các biện pháp giao thông thông minh theo phương pháp dò biển số xe để tính toán chính xác tình trạng tắc nghẽn giao thông.

oslo-na-uy-smart-city-min-1636678445.jpg

Oslo đặt mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050. Để làm được điều đó, các nhà chính quyền cũng đang triển khai hệ thống giao thông công cộng, gồm các tuyến xe buýt và xe taxi điện nhằm hạn chế chất thải ra môi trường.

Ngoài ra, tương tự như các đô thị thông minh khác, Oslo cũng được lắp đặt các cảm biến để theo dõi chỗ đậu xe, chăm sóc bệnh nhân cao tuổi, bệnh tật và mạng lưới chiếu sáng đường thông minh. Nhờ vậy đã giúp thành phố giảm gần 2/3 năng lượng tiêu thụ.

Đô thị thông minh Đài Bắc (Đài Loan)

Từ năm 2018, Cục phát triển Công nghiệp Đài Loan (IDB) đã triển khai dự án “Thành phố thông minh Đài Loan” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo điều kiện kinh doanh và thúc đẩy đổi mới cho quốc gia.

dai-bac-dai-loan-smart-city-min-1636678445.jpg

Giao thông vận tải thông minh là trọng tâm chính mà chính phủ Đài Loan quan tâm. Trong quá trình xây dựng, chính phủ đã đầu tư 200 triệu USD để tạo ra công nghệ giao thông thông minh như phân tích dữ liệu giao thông thông minh, hệ thống bãi đậu xe thông minh, và hệ thống bán vé thông minh bằng cách sử dụng app. Mô hình Smart City tại Đài Bắc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật để phát hiện ra những con đường tắc nghẽn và đèn giao thông được thay đổi linh hoạt hướng. Từ đó giảm thời gian chờ và giúp hệ thống giao thông được thông suốt nhanh chóng. 

Dựa trên báo cáo gần nhất cho thấy 40% năng lượng tiêu thụ tại Đài Loan được sử dụng cho đèn đường. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, chính quyền đã phát triển đèn đường chạy bằng AI để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Theo đó, đèn đường sẽ được lắp một chiếc camera cảm biến phương tiện. Nếu không có dấu hiệu di chuyển khoảng 10 phút, đèn sẽ tự động giảm 50% độ sáng để tiết kiệm điện.

Cũng trong năm 2018, Đài Loan được xếp vào danh sách xã hội siêu già với 20% dân số là những người từ 65 tuổi trở lên. Khoảng 4,3% dân số già của đất nước bị giảm trí nhớ do bệnh Alzheimer và để ngăn người già bị lạc hoặc mất tích, một thẻ cảm biến thông minh định vụ sử dụng công nghệ IoT và Bluetooth được ra đời. Sau khi người dùng đeo thẻ và rời khỏi khu vực được chỉ định, người chăm sóc sẽ nhận được thông báo cảnh báo họ di chuyển đến đâu.

Đô thị thông minh Copenhagen (Đan Mạch)

Đan Mạch được xem là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong việc thực hiện và phát triển thành phố thông minh. Đặc biệt, thành phố Copenhagen được đặt mục tiêu giảm tối đa lượng khí thải CO2 và trở thành nơi trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025.
Để thực hiện được mục tiêu này, chính quyền Copenhagen cho rằng thành phố cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, bao gồm năng lượng, xây dựng và giao thông thuận tiện. Trong đó, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích dùng xe điện, tăng làn đường và tập trung đưa xe đạp trở thành loại phương tiện phổ biến.

copenhagen-smart-city-min-1636678444.jpg

Song song đó, những nỗ lực nhằm ứng phó biến đổi khí hậu còn tập trung trong việc nâng cấp các tòa nhà sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư nghiên cứu công nghệ sạch. Các hệ thống sưởi ấm đô thị cũng được xây dựng để trực tiếp cung cấp khí sưởi cho từng gia đình, thay vì sử dụng khi đốt truyền thống hoặc dầu tại từng hộ dân. Các chuyên gia cho biết, giải pháp này đã làm giảm một nửa lượng khí thải CO2 trong thành phố. Gần đây, Smart City Copenhagen cũng vận hành một hệ thống làm mát mới, sử dụng nước biển để hoạt động. Hệ thống này giúp giảm 80% năng lượng tiêu thụ so với phương pháp điều hòa truyền thống.

Thế Nghị