Hộ chiếu vaccine: Cánh cửa thoát hiểm cho bất động sản nghỉ dưỡng?

Phạm Ánh Thúy
Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 dồn các doanh nghiệp du lịch vào ngõ cụt, mọi hy vọng đang đổ về chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine tới đây.

Những ngày đầu tháng 7, ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Aza Travel như ngồi trên đống lửa khi liên tiếp nhận tin xấu từ các đối tác. Từ lo ngại tình hình kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng một chút giai đoạn đầu hè, ông đã đối diện với thực tế không có doanh thu cả dịp hè cao điểm và đến giờ là nỗi lo mất trắng tiền vốn đã bỏ ra. Hàng tỷ đồng đặt cọc cho các hãng hàng không, resort, du thuyền để chuẩn bị "hàng" cho mùa du lịch cao điểm chưa biết bao giờ mới thu hồi được.

Khủng hoảng chưa từng có

Mới đây, ông lại nhận được tin resort năm sao ở Hội An - đối tác chiến lược của công ty ông - đang bị ngân hàng siết nợ và có nguy cơ phá sản. Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, ông đã trả cho cho rersort này gần nửa tỷ đồng để giữ chỗ cho kế hoạch bán tour cao điểm hè năm nay. Nhưng giờ, nhân viên resort mà công ty thường xuyên liên lạc đã bị cho nghỉ việc trong khi không thể liên lạc với giám đốc. Thêm một khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng.

“Trước mắt tôi là một bức tranh thật ảm đạm. Đã giữa hè 2021, nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, nhà xe, hàng không, điểm du lịch tại Việt Nam vẫn phải ngủ đông cùng những cơn ác mộng”, ông Đạt tâm sự.

Trước đó, những tín hiệu tích cực từ sau Tết Nguyên đán đã củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp trong ngành rằng, họ đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm sau một năm chìm trong khủng hoảng Covid-19. Toàn bộ các công ty đều hồ hởi, chuẩn bị đón một mùa hè “hoành tráng”.

Các nhà hàng, khách sạn và khu du lịch - nghỉ dưỡng đồng loạt gọi nhân viên quay lại, tân trang phòng ốc chuẩn bị đón khách. Các công ty lữ hành đua nhau “xuống tiền” đặt chỗ giữ phòng để bán tour. Hãng hàng không cũng tung ra loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách.

Tuy nhiên, những ca nhiễm trong cộng đồng phát hiện vào cuối tháng 4 đã dập tắt mọi hy vọng. Điều còn lại cho các doanh nghiệp chỉ là những cuộc gọi báo huỷ tour, huỷ phòng; những chi phí trả lương cho nhân viên, trả tiền thuê văn phòng hàng tháng và nhiều loại phí khác. Ngành du lịch một lần nữa rơi vào cơn khủng hoảng, không hẹn ngày mở cửa trở lại.

gian-cach-copy-1627061835.jpg
Những khách sạn Đà Nẵng với cửa đóng then cài hồi tháng 6/2021.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ còn chưa đến 4% so với cùng kỳ năm trước - vốn đã rất thấp. Còn theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Savills cho biết, công suất cho thuê khách sạn chỉ đạt 25% tại Hà Nội và 18% tại TP.HCM. Đa phần các khách sạn còn hoạt động là do lượng khách ở dài hạn hoặc đăng ký làm điểm cách ly tập trung có thu phí.

"Khách sạn và các lĩnh vực du lịch giải trí đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, với việc các thành phố đóng cửa và những lo ngại về sức khỏe đã hạn chế số lượng du khách", một báo cáo từ JLL nhận định.

Hy vọng đổ dồn vào hộ chiếu vaccine

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam được đặt vào lộ trình tiêm vaccine đang triển khai trên cả nước cũng như kế hoạch thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine du lịch ở Phú Quốc.

Trên thế giới, các quốc gia như Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine từ đầu tháng 6/2021, sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và được quản lý qua ứng dụng điện thoại, để xác định thời gian du khách thực hiện tiêm ngừa. Nó cũng được chấp nhận ở một số quốc gia nằm ngoài khối EU như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Tại Đông Nam Á, từ hôm 1/7 vừa qua, chính phủ Thái Lan đã chính thức triển khai chương trình thí điểm mang tên “Hộp cát Phuket” (Phuket Sandbox). Theo đó, những du khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính không quá 72 giờ trước khi khởi hành sẽ được bay thẳng đến Phuket. Trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine cũng được phép đến Phuket, nếu đi cùng bố mẹ đã tiêm vaccine.

Thay vì nhốt mình trong 4 bức tường khách sạn trong vòng 14 ngày, họ có thể thoải mái đi lại ở Phuket, tắm biển hay thưởng thức các dịch vụ du lịch tại đây. Sau 14 ngày và có 3 lần xét nghiệm âm tính tại đây, du khách được phép di chuyển đến nhiều nơi khác trong nội địa Thái Lan. Tham vọng của cường quốc du lịch Đông Nam Á này là mở cửa đất nước trở lại vào tháng 10 tới.

Theo Đại sứ quán Thái Lan, hiện Thái Lan đang mở cửa cho công dân từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) tham gia chương trình Phuket Sandbox. Du khách phải đảm bảo nhiều điều kiện nghiêm ngặt như:

- Đã tiêm phòng đầy đủ vaccine trước đó ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng kể từ ngày khởi hành;

- Kiểm tra RT-PCR trước khi đến và trong thời gian ở Phuket với chi phí tự trả, khoảng 300 USD;

- Phải cài ứng dụng cảnh báo ThailandPlus trên điện thoại di động;

- Chỉ được lưu trú tại những khách sạn được công nhận;

- Phải mua khoản bảo hiểm Covid-19 trị giá ít nhất 100.000 USD.

Trước khi mở cửa, khoảng 70% trong số 450.000 cư dân trên đảo Phuket đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Riêng những người thường xuyên tiếp xúc với du khách, bao gồm nhân viên các nhà hàng, khách sạn và những nơi khác được tiêm phòng đầy đủ.

Theo The Bangkok Post, tính đến ngày 21/7, chương trình Phuket sandbox đã ghi nhận 9.358 du khách nước ngoài; lượng đặt chỗ từ tháng 7 đến tháng 9 khoảng 244.000 đêm phòng với doanh thu ước tính là 534 triệu baht (khoảng 373 tỷ đồng).

sanbox-phuket-1627062308.jpg
Khách du lịch từ Frankfurt đến sân bay quốc tế Phuket hôm 3/7. Nguồn: The Bangkok Post

Mô hình Phuket sanbox đã nhen nhóm một tia hy vọng cho những doanh nghiệp du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng trong nước. Họ kỳ vọng, Việt Nam sẽ có cách làm tương tự để đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành du lịch Việt Nam hoặc ít nhất là tạo ra nguồn thu nào đó cho các doanh nghiệp trong ngành, hơn là phải khoanh tay chờ đợi.

Phần nào nguyện vọng của các doanh nghiệp đã được đáp lại. Hôm 11/6, Bộ Chính trị đã yêu cầu nghiên cứu cho thí điểm hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất cho Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 10/2021, với khoảng từ 25 - 40 chuyến bay/tháng.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã kiến nghị được thí điểm đón khách du lịch Nga theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Theo đó, du khách sẽ đến huyện đảo này qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm và hạn chế di chuyển. Nếu thành công, sẽ mở rộng đón khách du lịch từ các nước khác. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, tỉnh đang tiến hành tiêm vaccine cho 127.607 người dân trên đảo, trong đó có khoảng 60.000 người là cán bộ, nhân viên, người lao động… làm việc trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí…

“Không kỳ vọng đón được nhiều du khách và cũng không cần quá ồ ạt, nhưng chúng ta cứ thí điểm để tìm ra quy trình sao cho vừa chặt chẽ an toàn, vừa đảm bảo kinh tế mà vẫn tạo thuận lợi cho du khách. Việc thí điểm hộ chiếu vaccine cũng giúp truyền thông đến bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa đón khách và chúng ta cũng có những hòn đảo đẹp không thua kém gì Phuket”, ông Đạt chia sẻ.

Nhưng cũng không ít băn khoăn

Dù nhiều nước trên thế giới đã triển khai, nhưng đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp hộ chiếu vaccine để thúc đẩy giao thương quốc tế. Theo tổ chức này, vẫn còn quá nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc tiêm phòng và đặc biệt, nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế. Đó là chưa nói đến việc các nước triển khai chương trình phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về kiểm soát như hộ chiếu vaccine giả, việc đi lại của du khách và tầm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Mới đây, Văn phòng Y tế Công cộng Phuket đã phải truy tìm một nữ du khách vi phạm chương trình Phuket sandbox. Người này đã trốn khỏi hòn đảo khi mới trải qua 9 ngày cách ly, để tới Bankok và Chon Buri. Thông qua các đợt test bắt buộc trong thời gian ở Phuket, chính quyền địa phương cũng ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 là khách quốc tế tham gia chương trình Phuket sandbox. Điều này buộc các nhà chức trách tại đây phải tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát như thắt chặt các ngõ ra vào; đóng cửa các quán rượu, quán bar, cửa hàng karaoke và các địa điểm giải trí tương tự khác; cấm hoàn toàn tiệc tùng, uống rượu trên bãi biển, trong công viên và không gian công cộng…

resort-da-nang-1627062481.jpg
Triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc vào tiến trình tiêm vaccine troong nước và thí điểm hộ chiếu vaccine.

Bên cạnh vấn đề an toàn, vẫn còn nhiều hoài nghi về việc du khách có hào hứng quay lại. Trong khi bỏ số tiền nhiều hơn nhưng du khách phải chấp nhận rất nhiều ràng buộc như cài ứng dụng theo dõi, xét nghiệm nhiều lần và mua một khoản bảo hiểm không nhỏ. Ngoài ra, không ít người quan ngại liệu có nhiều doanh nghiệp du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng thật sự hưởng ứng chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine. Khi trước đó, họ đã hồ hởi chuẩn bị đón khách vào đợt cao điểm hè và phải chịu tổn thất không nhỏ.

Chia sẻ vấn đề này với Toancanhbatdongsan.com.vn, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, bên cạnh nhóm khách du lịch thuần túy, hộ chiếu vaccine kỳ vọng sẽ đón được 2 luồng khách chính là những người nước ngoài đến Việt Nam công tác và những người Việt hồi hương. Rất nhiều người thuộc 2 nhóm khách này đang nóng lòng quay lại Việt Nam, trong bối cảnh các chuyến bay hạn chế. Thay vì bị “giam lỏng” 21 ngày trong căn phòng khách sạn - nơi được tận dụng làm điểm cách ly có thu phí hiện nay, họ có thể thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ của mình với cát trắng, biển xanh và những dịch vụ sang trọng tại các khu nghỉ dưỡng nếu có hộ chiếu vaccine.

“Chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa đảm bảo kinh tế - xã hội, trong khi du lịch bây giờ gần như thoi thóp hết rồi. Quan điểm quá thận trọng có thể khiến du lịch Việt Nam tụt hậu thậm chí ‘chết’ luôn”, ông Đạt nói.

Cũng theo ông, chúng ta không nên khuyến khích quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình thí điểm hộ chiếu vaccine. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng còn chưa đạt miễn dịch cộng đồng, việc thí điểm chỉ nên áp dụng với những doanh nghiệp lớn, kể cả là bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không hay đơn vị lữ hành tham gia vào. Bởi chỉ những đơn vị lớn mới đủ năng lực tổ chức đón khách chuyên nghiệp, an toàn và đủ tài chính để xử lý khi có khủng hoảng.

Trong lúc chuẩn bị phương án đón khách ngoại, ông đề xuất Việt Nam thử nghiệm hộ chiếu vaccine trong nội địa. Một chương trình kích cầu du lịch nội địa, miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly cho người đã tiêm vaccine từ các vùng "an toàn" còn giúp hạn chế việc các tỉnh, thành tự phát ngăn sông cấm chợ lẫn nhau, giúp kích thích kinh tế. Thử nghiệm hộ chiếu vaccine nội địa cũng dễ thực hiện và điều chỉnh hơn nhiều, trước khi Việt Nam chính thức đón khách Tây.