Làn sóng rao bán khách sạn

Sau hơn một năm chống chịu trước “cơn lốc" Covid-19, các khách sạn - resort tại Đà Nẵng bắt đầu nhen nhóm dấu hiệu “hồi sinh” để đón khách du lịch quay trở lại dịp lễ 30/4 - 1/5. Nhiều khách sạn đóng cửa thời gian dài đã gọi nhân viên quay lại, trang hoàng phòng ốc chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm nhất trong năm.

Thời điểm đó, nhiều khách sạn ven biển đã được đặt trước 75% số phòng. Riêng các khách sạn 5 sao như Naman Retreat, Hyatt Regency và Furama Resort… thông báo kín phòng cho ngày 30/4. Sở Du lịch TP. Đà Nẵng ước tính, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại địa phương có thể đạt 130.000 lượt trong dịp này.

Tuy nhiên, ca dương tính tái xuất hiện trong cộng đồng ngày 27/4 đã đánh tan mọi dự tính. Khách liên tục gọi huỷ tour trả phòng, không chỉ với những phòng đã đặt cho dịp lễ 30/4 - 1/5, mà các phòng trong tháng 5, tháng 6 cũng bị huỷ. Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách tham qua, du lịch thực tế tại thành phố trong dịp lễ vừa qua chỉ đạt 74.600 lượt, giảm hơn 42% so với ước tính. Sau đó, chính quyền thành phố lần lượt thông báo dừng các hoạt động lễ hội, các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí rồi đến cả vận tải công cộng... Các cơ sở lưu trú Đà Nẵng lần nữa rơi vào trạng thái “cửa đóng, then cài”.

khach-san-da-nang-1622765311.jpg
Khung cảnh vắng vẻ trên đường Phạm Văn Đồng - cung đường tập trung nhiều khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng. 

Ghi nhận thực tế tại Đà Nẵng những ngày này, hơn 90% khách sạn, resort đã đóng cửa. Một số ít trở thành điểm cách ly hoặc chỉ mở cửa đón khách quen, khách trong thành phố. Thống kê của Sở Du lịch cho thấy, hiện Đà Nẵng còn khoảng 2.600 khách du lịch, bao gồm cả khách lưu trú dài hạn tại các căn hộ và khách lưu trú ngắn hạn (khách đi công tác).

Đáng chú ý, sau thời gian dài vắng khách, nhiều khách sạn đã không cầm cự nỗi, phải rao bán hoặc chuyển đổi thành dạng căn hộ cho thuê dài hạn. Dọc khu phố An Thượng - khu phố Tây đông đúc bậc nhất của thành phố đáng sống, nhiều khách sạn 3 - 4 sao treo biển rao bán hoặc cho thuê nguyên căn. Ngay cả các khách sạn 4 - 5 sao trên đường Võ Nguyên Giáp cũng đìu hiu, vắng vẻ.

Chủ một khách sạn 3 sao trên phố An Thượng cho biết, hè là mùa du lịch cao điểm tại Đà Nẵng. Thời điểm này những năm trước, khu vực này đón rất đông du khách từ phía Bắc và cả khách Nga, Trung Quốc. Nhưng với tình hình hiện tại, các chủ khách sạn đều chọn phương án đóng cửa để tiết kiệm chi phí nhân công, chi phí vận hành... Bản thân ông cũng bắt đầu phải bán bớt tài sản trong nhà, cố duy trì khách sạn chờ qua dịch.

“Nếu tình hình này kéo dài đến hết năm nay, tôi cũng phải tính đến phương án bán khách sạn”, ông ngậm ngùi.

bien-da-nang-1622765543.jpg
Bãi biển Đà Nẵng giăng dây, ngăn khách tắm.

Trong một trao đổi với báo chí trước dịp 30/4, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng từng dự báo, du lịch thành phố sẽ thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 700 - 800 triệu USD do ảnh hưởng của Covid-19. Con số này dựa trên ước tính số khách quốc tế sụt giảm cùng mức chi tiêu tại điểm đến cho tới hết tháng 5 năm nay. Rõ ràng, mức thiệt hại thực tế sẽ còn phải cộng thêm những tác động từ đợt dịch thứ 4 này!

Trong một báo cáo gần đây, Savills cho biết, công suất thị trường khách sạn tại Đà Nẵng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, chỉ đạt 44%. Giá cho thuê phòng trung bình cũng giảm 50% theo năm.

Tuy nhiên, đơn vị này tin tưởng vào khả năng hồi phục của thị trường Đà Nẵng sau dịch. Trong dài hạn, thị trường sẽ có những hoạt động tích cực hơn nữa khi gần đây Chính phủ đã thông qua “Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

“Đà Nẵng cũng sở hữu những lợi thế như vị trí thuận lợi di chuyển, cơ sở hạ tầng phát triển và các kế hoạch phát triển và mở rộng đường xá và sân bay”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ.

Tương lai đầy triển vọng

Khảo sát các nhà đầu tư ngoại đang có mặt tại Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư vẫn giữ cái nhìn lạc quan với triển vọng của thị trường du lịch trọng điểm miền Trung này trong dài hạn.

Thừa nhận rằng hoạt động kinh doanh chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng ông Ramon Imper, Tổng quản lý của TIA Wellness Resort cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại và thay đổi cho một tương lai mới. Bản thân đơn vị cũng đã có sự thay đổi lớn để thích nghi với tình hình mới. Theo đó, TIA Wellness Resort là thương hiệu mới, được nâng cấp từ Fusion Maia Đà Nẵng, thể hiện định hướng theo đuổi mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe.

Đơn vị đã tiến hành cải tạo hạ tầng cũng như hệ thống quản lý để tạo ra môi trường nghỉ dưỡng thích hợp với “thế giới sau Covid”. Resort áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như khử trùng và niêm phong biệt thự trước khi khách đến, thay đổi thực đơn và định hướng du khách ăn uống lành mạnh, đồng thời loại bỏ những thành phần được cho là không tốt cho sức khỏe ra khỏi bửa ăn… Khu nghỉ dưỡng cũng khuyến khích khách hàng vận động hàng ngày để tăng cường sức khỏe.

 “Tôi nghĩ rằng ngành khách sạn và các nhà phát triển bất động sản phải học hỏi từ đại dịch này để thay đổi cho một tương lai mới. Suy nghĩ bền vững hơn và linh hoạt hơn là điều vô cùng quan trọng”, ông Imper nhấn mạnh.

Hay với IFF Holdings - một đơn vị phát triển bất động sản hàng hiệu tại thị trường Đà Nẵng cho biết dự án đang trong quá trình phát triển và đơn vị đã chủ động có phương án để đảm bảo tiến độ xây dựng cũng như liên tục theo dõi, cập nhật thị trường trong quá trình phát triển sản phẩm. Từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp cho từng giai đoạn để thích ứng với những biến động thị trường do dịch.

“Đà Nẵng đã có một định hướng dài hạn và lộ trình phát triển thành thành phố đặc biệt, một điểm đến của phong cách sống toàn cầu. Những tác động hiện tại chỉ mang tính nhất thời và là cơ hội cho các đơn vị bất động sản có những bước chuẩn bị tốt hơn đón đầu sự hồi phục và kỳ vọng tăng trưởng tích cực của thị trường”, đại diện IFF Holdings chia sẻ.

khach-san-da-nang-1622765840.jpg
Các nhà đầu tư ngoại vẫn giữ cái nhìn lạc quan về triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng. Ảnh: TIA Wellness Resort

Trong báo cáo “Triển vọng đầu tư khách sạn toàn cầu năm 2021” mới đây, JLL cho biết thị trường khách sạn toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, khi liên tục chứng kiến hàng loạt vụ mua bán  - sáp nhập (M&A) từ các quỹ đầu tư quy mô lớn. Đầu tiên là việc Tập đoàn Blackstone và Tập đoàn Starwood mua lại nhà điều hành khách sạn Extended Stay America với giá 6 tỷ USD - thương vụ lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ khi Covid-19 bùng nổ. Thứ hai là vụ Tập đoàn Commerz Real của Đức thâu tóm một tòa nhà văn phòng với mục tiêu chuyển đổi thành khách sạn 280 phòng mang thương hiệu Zleep Hotels.

Tập đoàn đầu tư Pro-investment, có trụ sở tại Úc, gần đây đã tung ra quỹ 500 triệu AUD (tương đương 388 triệu USD) nhắm mục tiêu vào các khách sạn cao cấp, khách sạn cổ điển cùng với các văn phòng ở châu Á đang có nhu cầu tìm vốn. Dreamscape Cos, tập đoàn có trụ sở tại thành phố New York cũng đã rót một tỷ USD và tham gia vào nhóm người mua, nhắm mục tiêu thâu tóm các khách sạn dành cho khách doanh nhân, nơi dự báo sẽ phục hồi chậm nhưng giá bán sẽ hấp dẫn hơn.

Đơn vị này dự báo, thị trường khách sạn sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 và khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có đến 70% các nhà đầu tư sẽ nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương.

“Những thông tin tích cực về việc triển khai vaccine và dấu hiệu phục hồi ngành du lịch đã khiến các nhà đầu tư phải tính toán từ bây giờ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chu kỳ mới đã được thiết lập lại và chúng ta đang bước vào giai đoạn phục hồi”, ông Nihat Ercan, Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư của JLL châu Á - Thái Bình Dương nhận định.