Chiều ngày 8/4, Sở Nội vụ thành phố Huế cho biết, phương án sắp xếp hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, kế hoạch tổng thể đã được phác thảo với nhiều phương án sáp nhập cụ thể.

Hiện tại, sau khi Huế được nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương này có tổng cộng 133 xã, phường và thị trấn, thuộc 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận.
Theo đề xuất sơ bộ, việc sáp nhập sẽ gồm: 2 trường hợp gộp 4 đơn vị hành chính (ĐVHC), 7 trường hợp gộp 3 ĐVHC, 44 trường hợp gộp 2 ĐVHC, và giữ nguyên 12 ĐVHC cấp xã, phường.
Một trong những đề xuất gây chú ý là việc hợp nhất 4 phường nằm trong khu vực Thành nội (Kinh thành Huế), gồm: Thuận Lộc, Thuận Hòa, Tây Lộc và Đông Ba, thành một phường mới. Tên gọi được đề xuất cho phường này là Phú Xuân, với trụ sở chính quyền dự kiến đặt tại phường Tây Lộc, còn cơ quan Đảng và đoàn thể đặt tại Đông Ba. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên lấy tên Thành Nội, một cách gọi truyền thống gắn liền với khu vực này.
Một trường hợp khác là sáp nhập 4 đơn vị thuộc huyện Nam Đông gồm các xã Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Lộ và thị trấn Khe Tre thành một xã mới, dự kiến giữ tên gọi là Khe Tre, với trụ sở chính tại thị trấn hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều phương án sáp nhập 2–3 ĐVHC khác cũng được đánh giá là hợp lý, trong khi một số địa phương như các phường Long Hồ, Dương Nỗ, Thuận An, Thủy Xuân, Thủy Bằng, Thủy Phương, Thủy Châu hay các xã Lộc Điền, Lăng Cô… dự kiến sẽ được giữ nguyên.
Tuy nhiên, vấn đề đặt tên cho các đơn vị mới sau khi sáp nhập vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc đảm bảo yếu tố lịch sử, văn hóa và bản sắc địa phương.
Đây mới chỉ là bước đầu trong quá trình hoàn thiện đề án. Trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, cộng đồng, giới chuyên gia và trí thức để hoàn thiện phương án, đảm bảo sự đồng thuận xã hội trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.