'Ông lớn' Evergrande là ai?
Chủ tịch Hui ka Yan thành lập Evergrande (trước đây gọi là Hengda Group) vào năm 1996 tại phía Nam thành phố Quảng Châu. Trong 2 thập kỷ vừa qua, Evergrande đã tăng tốc và trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc. Doanh thu năm ngoái của công ty được ghi nhận ở mức 110 tỷ USD. Cơ cấu cổ đông cho tới 30/6/2021 vẫn do Chủ tịch Hui chi phối, nắm 70% cổ phần.
Theo thông tin trên website của công ty, Evergrande Real Estate sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố. Vào cuối tháng 6, công ty đã cam kết sẽ xây dựng khoảng 1,4 triệu bất động sản riêng lẻ. Không chỉ phát triển ở lĩnh vực bất động sản, Evergrande còn mở rộng các khoản đầu tư vào xe điện (Evergrande New Energy Auto), đơn vị sản xuất truyền thông và internet (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), câu lạc bộ bóng đá (Guangzhou FC), nước khoáng và công ty thực phẩm (Evergrande Spring). Tính đến nay Evergrande đã phát triển với hơn 2000 công ty con trong và ngoài nước.
Thế giới lo sợ về sự sụp đổ của Evergrande
Từng là chủ đầu tư lớn nhất của Trung Quốc nhưng đến thời điểm hiện tại Evergrande đang oằn mình dưới gánh nặng nợ hơn 300 tỷ đô la.
Bên cạnh đó tập đoàn còn phải đối diện với những người mua nhà đang vô cùng tức giận vì phải chờ đợi tới 1,6 triệu căn hộ chưa có dấu hiệu hoàn thành. Các nhà cung cấp xi măng, sơn và cốt thép cần được thanh toán hơn 100 tỷ USD. Kể cả người lao động cũng đang lo sợ rằng các khoản tiền công không được chủ đầu tư hoàn trả.
Tuy nhiên mối đe dọa hiện nay không chỉ dành riêng cho Evergrande. Cả thế giới đều e ngại rằng những rắc rối của Evergrande có thể khiến cho thị trường bất động sản dân cư và thương mại rộng lớn (chiếm một phần ba nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) của Trung Quốc bị sụp đổ.
Sự khủng hoảng đã gây ra một phản ứng chuỗi toàn cầu vào đầu tuần này. Thị trường chứng khoán Trung Quốc “đỏ rực” khi cổ phiếu của các đơn vị xây dựng nhà và các công ty đa quốc gia liên tục giảm. Cổ phiếu Evergrande giảm tới gần 15% trong phiên hôm qua, kéo dài đà giảm giá tới 80% của cổ phiếu này kể từ đầu năm. Nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande đều giảm bắt nguồn từ một dự báo từ S&P Global Ratings: “Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ buộc phải can thiệp nếu có sự lây lan sâu rộng, liên lụy đến nhiều chủ đầu tư lớn khác và gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế". Vào thứ năm sắp tới, tập đoàn Evergrande có khoản thanh toán khoản lãi suất 83,5 triệu USD và có vẻ như doanh nghiệp không còn khả năng chi trả. Nếu thật vậy, điều này sẽ tiếp tục gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường.
Sự sụp đổ của công ty có quy mô lớn như Evergrande có thể tạo hiệu ứng lan tỏa ở Trung Quốc và khiến các nhà đầu tư sợ hãi vì đã đặt cược tất cả vào sự phát triển của "ông lớn" bất động sản.
Xuất hiện 'vết nứt' của thị trường BĐS Trung Quốc
“Nếu cứ tiếp tục rơi vào trong vòng xoáy mà không có bất kỳ sự can thiệp nào, có thể chúng ta sẽ thấy được rất nhiều chủ đầu tư BĐS gặp rắc rối lớn”, ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại đại học Bắc Kinh cho biết.
Trải qua nhiều thập kỷ, thị trường bất động sản Trung Quốc dường như không có giới hạn. Các chủ đầu tư như Evergrande cứ liên tục xây các thành phố mới, tạo công ăn việc làm, "vẽ" ra các dự án để các tầng lớp trung lưu đổ toàn bộ tiền tiết kiệm vào và làm giàu cho chính quyền địa phương. Và thực tế, những chủ đầu tư này đã giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Trước những lo ngại về giá bất động sản đã tăng quá cao, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để mọi thứ phát triển chậm lại thông qua các chính sách tài chính. Cũng vì vậy mà những vấn đề của Evergrande dần xuất hiện, bắt nguồn từ việc hạn chế doanh số bán hàng.
Evergrande cũng đã cảnh báo rằng họ đang chịu áp lực rất lớn và đã thuê các chuyên gia tái cấu trúc công ty để giúp định hướng phát triển tương lai. Tính đến nay, công ty có gần 800 dự án phát triển vẫn đang được tiến hành trên hơn 200 thành phố, tuy đã cố gắng thanh toán hết cho một số nhà cung cấp ở các tòa nhà chưa hoàn thành, song vẫn chưa thể tất toán cho các đơn vị thầu xây dựng.
Trong khi đó các nhà nghiên cứu thị trường từng cho rằng Trung Quốc đang bước vào dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng. Các cơ quan xếp hạng, ngân hàng và nhà đầu tư đều đã tính đến khả năng vỡ nợ của Evergrande. Nhiều người dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ không can thiệp cho đến khi các chủ đầu tư bất động sản khác bắt đầu mất kiểm soát và điều này sẽ gây ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
Một số chuyên gia nhận định khả năng vỡ nợ của “ông lớn” Evergrande bộc lộ rõ sự mong manh “dễ vỡ” của thị trường nhà ở Trung quốc. Nếu chính quyền càng chậm giải cứu Evergrande, các chủ đầu tư khác càng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn. Cũng giống như Evergrande, các chủ đầu tư phát triển bất động sản khác của Trung Quốc sở hữu đống nợ khổng lồ và đang bị các nhà quản lý buộc phải trả hết theo các quy tắc "ba lằn ranh đỏ" nhằm hạn chế sự tiếp xúc của hệ thống ngân hàng đối với tài sản.
Nhìn rộng hơn, thị trường bất động sản cũng bắt đầu tăng trưởng chậm lại và các hoạt động trong ngành điển hình như bán dự án hình thành trong tương lai đã giúp tăng doanh số và tạo cơ hội cho các chủ đầu tư tiếp tục tồn tại. Ngoài ra, cơ quan quản lý ở ít nhất hai tỉnh đã công bố những quy định mới để ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, bao gồm sự chậm trễ tiến độ bàn giao dự án, quảng cáo gây hiểu lầm hoặc thực hành vi đầu cơ thao túng giá.