Nửa cuối tháng 3, hàng chục doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán từ 100.000 đồng một tấn, có đơn vị tăng đến 150.000 đồng. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 có đến 13 doanh nghiệp thông báo tăng giá sản phẩm. Mức tăng phổ biến là 100.000 đồng một tấn.
So với đợt tăng giá đồng loạt cuối tháng 10 - đầu tháng 11 năm ngoái, các doanh nghiệp đã nới rộng biên độ tăng. Đợt trước, giá bán xi măng tăng chủ yếu khoảng 80.000-90.000 đồng, mức cao nhất chỉ 100.000 đồng một tấn. Một khảo sát trên trang tin của Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ ra, hơn một nửa người tham gia cho rằng giá xi măng bình quân năm nay sẽ tăng trên 20%.
Song song với xi măng, thép cũng khởi động đà tăng giá lên tiếp. Mỗi tấn thép hôm 15/3 tăng thêm 600.000 đồng so với cách đây một tuần, đưa giá thép xây dựng trong nước vượt 19 triệu đồng một tấn. Đây là lần tăng giá thứ hai trong một tuần giữa tháng 3, với mức tăng thêm phổ biến 1,2-1,4 triệu đồng mỗi tấn.
Thép và xi măng là hai vật liệu chiếm tỷ trọng lớn để cấu thành nên giá xây dựng công trình. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình tăng 1%.
Giá vật liệu xây dựng tăng không chỉ khiến các nhà thầu hay chủ đầu tư căng não, khách hàng có thể cũng là đối tượng phải gánh chịu. Thực tế trên thị trường, giá thành xây dựng tăng khiến nhiều chủ đầu tư bắt buộc phải tăng giá bán bất động sản khi chi phí vật liệu xây dựng chiếm 60-70% giá trị dự toán xây dựng công trình.
Báo cáo gần đây của DRKA Việt Nam chỉ rõ, mặt bằng giá bán sơ cấp của căn hộ tại thị trường TP HCM đã được nâng lên ở hầu hết các dự án. Trong hai tháng đầu năm, cá biệt một số dự án có mức tăng lên đến 5-8% so với giai đoạn mở bán trước đó hồi năm 2020-2021.
Ông Nguyễn Tấn Vinh - Tổng giám đốc Đất Xanh Premium cho rằng, khi quỹ đất khan hiếm cùng với giá vật liệu ngày càng tăng cao, những dự án chất lượng không còn xuất hiện nhiều trên thị trường. Ông dự báo trong thời gian ngắn sắp tới, dù có tiền người dân cũng không dễ mua được một không gian sống rộng rãi và nhiều giá trị. Tuy vậy, ông cũng nói thêm, tăng giá không phải là lựa chọn duy nhất của các chủ đầu tư. “Thị trường vẫn ghi nhận một số dự án giữ nguyên mức giá sơ cấp hoặc tăng với biên độ không cao. Đây thường là dự án của các chủ đầu tư có năng lực tài chính và cân đối giá vốn tốt”, ông nhận định.
Theo ông, các chủ đầu tư này có dòng tiền ổn định nên tác động của lạm phát không ảnh hưởng quá nhiều đến mức phải để người mua “phụ” gánh. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên cũng có năng lực quản trị và uy tín tốt trên thị trường nên đàm phán và thu xếp được nguồn vật liệu giá ổn định.
Quỹ đất cũng quyết định tới việc chủ đầu tư có tăng giá bán bất động sản. Nếu một doanh nghiệp có quỹ đất hạn hẹp, họ gần như vào “đường cùng” và bắt buộc phải chọn tăng giá trước áp lực lạm phát. Ngược lại, các chủ đầu tư có quỹ đất dồi dào, doanh nghiệp hoàn toàn còn nhiều dư địa để tìm kiếm lợi nhuận ở nhiều kênh khác nhau.
Tại thị trường phía Đông, một dự án nhà phố trên đường Nguyễn Duy Trinh vừa mở bán đợt cuối với giá bán sơ cấp khoảng 6,4 tỷ đồng cho căn một triệt 3 lầu, diện tích đất 75m2. Mức giá này chỉ tăng 1,5% so với lúc trước. Hàng trăm căn hộ thuộc một dự án ở quận 12 đang được mở bán với giá từ 46-57 triệu một m2. Mức này gần như giữ nguyên so với năm ngoái.