Theo số liệu từ VSA, trong 5 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ, đạt gần 11,96 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại gần 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với 5 tháng năm 2020.
Riêng tháng 5, sản xuất thép đạt gần 2,92 triệu tấn, tăng trên 3,5% so với tháng 4 và 40% so với 4 tháng đầu năm 2020. Sức tiêu thụ của các doanh nghiệp thép cũng tăng 18% so với tháng 4 và tăng trên 2 lần so với cùng kỳ 2020.
Số liệu cũng cho thấy, giá thép tăng liên tục 4 tháng đầu năm. Đến tháng 5, giá thép có đợt giảm nhưng vẫn chưa có chiều hướng tăng giảm giá rõ rệt. Điều này cho thấy cần phải có những biện pháp điều chỉnh, bình ổn giá thép.
Hiện năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp trong nước tăng nhiều so với trước, nhất là mặt hàng thép xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng để tránh thêm tình trạng giá thép tăng đột biến, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất thép nên tăng tối đa công suất, tổ chức lại hệ thống phân phối, ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước để ổn định nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu và giảm chi phí sản xuất... để bảo đảm giá bán hợp lý, bình ổn giá trên thị trường. Ngoài ra, giá thép cũng cần được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép; cũng như duy trì biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam...
Từ cuối năm 2020, giá thép tăng cao bất thường và kéo dài sang những tháng đầu năm 2021, tăng 40-50% so với cùng kỳ 2020, buộc Chính phủ phải yêu cầu có biện pháp chặn đà tăng mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất khác trong nước và các chỉ số vĩ mô.
Theo Bộ Công thương, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó, thời gian vận chuyển nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường trong nước cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hiện Bộ Công thương cùng một số bộ, ngành đã lập đoàn làm việc với doanh nghiệp thép có thị phần lớn trên thị trường để nắm bắt thông tin tình hình sản xuất, cung cầu nguyên liệu đầu vào, sản phẩm thành phẩm... Kết quả làm việc dự kiến có sau một tháng và giải pháp toàn diện cho thị trường này sẽ được Bộ Công thương báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.