Được đánh giá là “phao cứu sinh" cho các nhà phát triển bất động sản “khát” vốn. Thời gian gần đây, hoạt động M&A bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm với lợi thế đang nghiêng về bên mua. 

ma-1-1698807488.png

Khối ngoại, khối nội liên tục thực hiện mua bán sáp nhập trong thời gian gần đây.

Khối ngoại, khối nội liên tục "chốt đơn"

Mới đây, Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn đã công bố hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Xuất nhập khẩu Đức Nhi để trở thành chủ sở hữu khu đất có tổng diện tích khoảng 7.700 m2 ở vị trí mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM).

Hay Công ty CP Địa ốc First Real cũng đã hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Bạch Đằng Complex) với giá trị giao dịch 200 tỷ đồng, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của Bạch Đằng Complex với tỷ lệ sở hữu 22%.

Trước đó, Gamuda Land cũng đã mua lại dự án từ CTCP Địa ốc Tâm Lực tại TP. Thủ Đức; Saigonres Group tiếp quản dự án của Công ty TNHH Đức Nhi tại quận Tân Phú; Địa ốc First Real công bố trở thành cổ đông lớn của CTCP Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng… Hay Tập đoàn Kim Oanh và Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) cũng đã có thêm bản ký kết hợp tác chiến lược.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư bên ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 - 50 triệu USD.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Dat Xanh Services các thương vụ M&A gần đây đến từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Dự báo, trong tương lai, thị trường M&A sẽ bắt đầu phục hồi khi lạm phát và lãi suất được điều chỉnh giảm hợp lý hơn, bên cạnh các yếu tố như tình hình chính trị, pháp lý được củng cố.

Nhóm nghiên cứu của Dat Xanh Service cho biết, nhìn chung thị trường M&A tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong trung và dài hạn khi nền kinh tế vẫn cho thấy tiềm năng phát triển lớn, đây là giai đoạn hợp lý để các nhà đầu tư săn được các thương vụ với giá tốt và điều khoản thuận lợi hơn.

Xu hướng hợp tác đầu tư được đẩy mạnh

Trong báo cáo mới đây, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và tư vấn của FiinGroup cho biết, thị trường M&A trong thời gian vừa qua đã có sự thay đổi. Trong năm 2022, phần lớn thương vụ đến từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, nhưng sang năm 2023, do khó khăn của các doanh nghiệp nội, nên doanh nghiệp nước ngoài vươn lên trong hoạt động M&A, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn.

ma-2-1698807612.jpeg

M&A bất động sản dự báo tăng nhiệt vào 2024.

Bên cạnh đó, họ xác định, đây là thời điểm khó khăn, nhưng lại là cơ hội cho việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, số lượng giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong 6 tháng vừa qua. Trong đó, hai lĩnh vực hút giao dịch M&A lớn nhất tại Việt Nam là bất động sản và ngân hàng.

Theo ông Đồng, vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường bất động sản đang làm dấy lên lo ngại về việc dự án của doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm với giá rẻ. Song, thực tế cho thấy, thời “cá lớn nuốt cá bé” đã qua và dòng tiền hiện đang có xu hướng hợp tác đầu tư, hơn là “mua đứt bán đoạn”.

Nhìn nhận về xu hướng chi phối M&A bất động sản trong thời gian tới, bà Đào Thiên Hương - Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, EY-Parthenon Tư vấn Chiến lược, CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho biết, bất động sản khu công nghiệp và bất động sản hạ tầng logistics sẽ thuận lợi hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi do tác động của các yếu tố tích cực.

Đơn vị này cũng dự báo giao dịch M&A bất động sản khu công nghiệp sẽ sôi động hơn, dự kiến từ 2024 sau quá trình thương lượng kéo dài. Địa bàn M&A bất động sản khu công nghiệp tập trung tại các khu vực tiềm năng dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn FDI ví dụ như Bắc Giang, Bắc Ninh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bình Dương, Long An... Cùng với đó, sẽ có thêm các doanh nghiệp tư nhân Việt có tiềm lực tài chính tốt mở rộng sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

DIỆU HOA