Cụ thể, TP.HCM hiện có tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 5.000 ha, với một số dự án lớn như: KCN Tân Phú Trung (Củ Chi) 543 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65%; KCN Hiệp Phước 2 (Nhà Bè) gần 600 ha, lấp đầy 35%; và Khu công nghệ cao giai đoạn 1 (TP. Thủ Đức) 326 ha đã đạt 100% lấp đầy. Ngoài ra, TP.HCM đang mời gọi đầu tư vào KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (393 ha), KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và II (289 ha).

khu-cong-nghiep-1745143079.jpg
 

Tại Hà Nội, quý đầu năm nay, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho một loạt KCN mới, gồm: KCN Bắc Thường Tín (137 ha), KCN Phụng Hiệp (gần 175 ha) và KCN sạch Sóc Sơn (324 ha). Hiện Hà Nội có 9 KCN và 1 khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.000 ha.

Đà Nẵng sở hữu 6 KCN, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin, tổng diện tích hơn 2.500 ha. Ngày 18/2, thành phố đã khởi động dự án KCN Hòa Ninh (hơn 400 ha), bổ sung đáng kể nguồn cung công nghiệp cho khu vực miền Trung.

Cả 3 thành phố hiện chưa có thêm KCN mới nào chính thức vận hành trong quý 1/2025. Avison Young dự báo, trong tương lai, TP.HCM sẽ bổ sung thêm 1.759 ha đất công nghiệp (chủ yếu tại huyện Bình Chánh); Hà Nội có thêm 4.714 ha và Đà Nẵng khoảng 939 ha, tập trung tại huyện Hòa Vang.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 14 dự án KCN mới trên toàn quốc, trải dài tại Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng diện tích hơn 4.000 ha và tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng hiện lần lượt đạt 93%, 90% và 79%. Giá thuê đất trung bình cũng có sự chênh lệch đáng kể: TP.HCM khoảng 243 USD/m2/kỳ hạn, Hà Nội 223 USD/m2/kỳ hạn, và Đà Nẵng 98 USD/m2/kỳ hạn.

Trong quý đầu năm, ba thành phố đã thu hút 12 dự án mới, bao gồm 10 dự án trong nước và 2 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Nổi bật trong số đó là dự án nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên, khởi công từ đầu tháng 1. Tại Hà Nội, Tập đoàn Inventec đã đầu tư xây dựng nhà máy Hanssip, đóng góp vào sự phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ. Đà Nẵng cũng đang khai thác lợi thế về vị trí và hạ tầng để thu hút các ngành công nghiệp chuyên sâu, công nghệ cao.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 30% KCN đạt chứng chỉ xanh (LEED), mở ra cơ hội phát triển cho các dự án ứng dụng vật liệu tái chế, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn.

khu-cong-nghiep-1-1745143079.jpg
 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm sáng mới trên bản đồ trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á. Gần đây, Saigon Asset Management (SAM) đã công bố kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng trung tâm dữ liệu công suất 150MW tại Bình Dương.

Avison Young đánh giá, ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu ngày càng lớn từ các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hạ tầng điện, mạng lưới kết nối và chính sách ưu đãi dành riêng cho lĩnh vực này.