Phải làm gì khi trái phiếu gặp rủi ro?

Lan Anh
“Nghẽn mạch trái phiếu”, “làn sóng rút tiền ở các quỹ trái phiếu”, mất thanh khoản là những tiêu đề được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây.

Thời gian qua, hàng loạt những sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý. Từ đó, một số nhà đầu tư bắt đầu lo lắng và mong muốn thu về khoản tiền đã bỏ vào trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy vậy, việc rút một phần vốn lớn và đột ngột khỏi thị trường trái phiếu sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Đồng thời nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ gây ra tâm lý e ngại, loại trừ trái phiếu ra khỏi danh mục đầu tư.

Theo VNDirect, ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4/2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, giảm 9,1% so với quý trước; tăng gần 88% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ước tính khoảng 142.200 tỷ đồng. Trong quý 4/2022, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,1% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu bất động sản riêng lẻ trong quý, tương đương 20.071 tỷ đồng, giảm 40,3% so với quý 3; tăng 65,2% so với cùng kỳ. 

"Làn sóng" mua lại trái phiếu trước hạn

Hiện tại trước áp lực tâm lý lo sợ của nhà đầu tư khi đang nắm giữ trái phiếu các doanh nghiệp tổ chức tín dụng, Nhà nước cũng đang đưa ra các giải pháp để tạo môi trường đầu tư trái phiếu ổn định và lành mạnh. Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn như An Gia, Đầu tư IDJ Việt Nam, Địa ốc Sacom và một số doanh nghiệp sản xuất khác đã có kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn.

mua-lai-trai-phieu-doanh-nghiep-1668674922.jpeg
Nhà đầu tư không nên nghe tin đồn thất thiệt và cần cẩn trọng để phân tích các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp.

Cụ thể, ngày 14/11, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) vừa công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn 300 tỷ đồng. Theo đó, lô trái phiếu được huy động vào cuối năm 2021, kỳ hạn 12 tháng đã được mua lại 240,5 tỷ đồng còn lại 59,5 tỷ đồng. Trước đó, ngày 1/11, An Gia cũng đã mua lại 456 tỷ đồng của lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm được phát hành vào 9/2021.

CTCP Địa Ốc Sacom dự kiến mua lại lô trái phiếu với tổng giá trị 237,5 tỷ đồng từ ngày 15/9. Đến nay, Địa ốc Sacom đã tích cực thực hiện 24 lần mua lại với tổng giá trị mua lại 124,3 tỷ đồng và giá trị trái phiếu còn lại 113,2 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ) cũng thực hiện 12 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị đạt 3.564 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt công ty đã có kết quả mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị lớn như Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng mua lại trái phiếu trước hạn hơn 80 tỷ đồng trong lô trái phiếu có giá trị phát hành 250 tỷ đồng với kỳ hạn 52 tháng, đáo hạn năm 2024.

Một số biện pháp xử lý 

Hiện nay, chính phủ đang chỉ đạo rà soát tháo gỡ vướng mắc và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ tài chính đang hành động khẩn trương để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư, phong tỏa tài khoản hàng trăm công ty để bảo vệ và thu hồi tiền trái phiếu cho nhà đầu tư. Đảm bảo trả nợ cho nhà đầu tư chính là một trong những phương án khẩn trương mà chính phủ đang triển khai để mang đến môi trường đầu tư lành mạnh.

Ngày 16/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường; đây cũng chính là các quy định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. 

Cụ thể, Nghị định 65/2022 đã bổ sung quy định về các trường hợp doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:

1. Theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành với người sở hữu.

2. Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi liên quan tới 3 trường hợp dưới đây:

- Doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được những người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.

- Doanh nghiệp vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.

- Các trường hợp vi phạm phương án phát hành trái phiếu khác quy định tại Điều 13 Nghị định này: Vi phạm về thông tin doanh nghiệp, điều kiện, điều khoản chào bán trái phiếu, các chỉ tiêu trái phiếu...

Ngoài ra, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bộ tài chính cũng đã đưa ra một số khuyến nghị cho các chủ thể tham gia thị trường, gồm:

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp phát hành, với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

Thứ hai, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ như các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, để đảm bảo các nghĩa vụ ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Thứ ba, đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành".

Phương án xử lý nợ xấu trái phiếu

Việc xử lý trái phiếu hay các khoản nợ xấu được phân thành 2 nhóm chính là nhóm các tổ chức tín dụng và nhóm thứ hai là khối các doanh nghiệp.

Đối với nhóm tổ chức tín dụng 

VAMC (công ty TNHH 1 thành viên chuyên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt) xử lý sẽ đứng ra xử lý thông qua hình thức phổ biến là phát hành trái phiếu đặc biệt với lãi suất bằng 0.

VAMC sẽ thông qua các sàn trung gian để bán các tài sản đảm bảo của nợ xấu hoặc phân thành các nhóm tài sản, rao bán nhằm thu hồi vốn nhanh nhất. Đối với các tổ chức tín dụng, sau khi bán lại nợ xấu cho VAMC, các tổ chức tín dụng tiến hành trích lập dự phòng cho các khoản trái phiếu đặc biệt 20%/năm.

Thay vì phải trích lập 100% trong 1 năm sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh thu lợi nhuận, khả năng cho vay, tỷ lệ an toàn vốn,… Sau thời gian quy định, thường từ 5 đến 10 năm, nếu không xử lý  được, VAMC sẽ trả lại cho tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lúc này đây thì tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu này và đảm bảo hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng.

Về bản chất, bán nợ cho VAMC là hình thức để giảm nợ tạo thanh khoản và làm sạch báo cáo tài chính. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng tiến hành tái cơ cấu theo đề án của ngân hàng nhà nước.

Đối với nhóm doanh nghiệp

DATC (công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam) sẽ là đơn vị xử lý. Nguyên tắc chung một giống như VAMC, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động bình thường, tái cấu trúc, tạo dòng tiền sau đó phải tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động tái đầu tư, tái tạo doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, DATC đóng vai trò là cầu nối trung gian để tìm nhà đầu tư và bán lại các món nợ hoặc nhóm nợ.

Về bản chất, trái phiếu vẫn là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng. Không có nền kinh tế nào phát triển mà không cần kênh dẫn vốn từ trái phiếu, cổ phiếu. Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng về trái phiếu cũng như những vấn đề đang diễn ra đối với thị trường trái phiếu hiện nay và nắm rõ các quy định về cách xử lý để lựa chọn phương án đầu tư hiệu quả và hạn chế rủi ro.

Trái chủ sẽ ra sao khi doanh nghiệp phá sản?

Theo định nghĩa thì trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.

doanh-nghiep-buoc-phai-mua-lai-trai-phieu-1668674926.jpeg

Như vậy, theo thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

"Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Như vậy, khi công ty phát hành trái phiếu phá sản thì người mua trái phiếu sẽ được thanh toán theo thứ tự được quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014.

Thứ tự ưu tiên thanh toán lần lượt từ trên xuống dưới như sau:

1. Chi phí phá sản;

2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Cần lưu ý, doanh nghiệp phá sản phải thực hiện nghĩa vụ cho khoản 1, 2, 3 và các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì mới thực hiện trả nợ cho người mua trái phiếu.

Trong trường hợp nếu xét thấy giá trị tài sản không đủ để thanh toán cho các đối tượng trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên sẽ được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Một số lưu ý cho nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu

Trái phiếu không khó để đầu tư, nhưng muốn khai thác tối đa hiệu quả từ nó không phải là ngày một ngày hai. Do vậy các nhà nhà đầu tư cần phải nghiên cứu kỹ doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phân tích thị trường, tìm ra loại trái phiếu phù hợp với từng thời kỳ và khẩu vị đầu tư. 

Thêm vào đó, nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời lợi nhuận cao thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư trái phiếu với các tổ chức theo hình thức đầu tư khác không rõ ràng. Bởi các hình thức này hết sức rủi ro, nó có thể dẫn đến việc nhà đầu tư không những mất tiền mà còn không được pháp luật bảo hộ.

Phương Thuý