Mặc dù Tết Nguyên đán đang sát cận kề, nhưng tại nhiều điểm công chứng công lẫn các văn phòng công chứng tư đều đang trong tình trạng “kẹt lịch” do nhu cầu tăng cao bất ngờ.
Theo ghi nhận của Toàn Cảnh Bất Động Sản, sáng 27/1 (tức 25 Tết Âm lịch) thì phía trước các văn phòng công chứng ở khu vực quận 1, TP HCM vẫn ken đặc các hàng xe hai bánh, bốn bánh. Phía bên trong các phòng công chứng, người dân lẫn các công chứng viên vẫn đang miệt mài để xử lý các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ.
Là một trong những người ngồi đợi ở phía ngoài một văn phòng công chứng trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, chị Minh Anh (42 tuổi, TP HCM) cho biết đã chờ đợi hơn 1 tiếng hơn nhưng vẫn chưa đế lượt. Chị đang có nhu cầu sang tên căn hộ tại quận 4 TP HCM cho người thân. Do biết thủ tục đăng bộ cũng mất nhiều ngày đến cả tuần nên chị tranh thủ trước Tết.
“Mình đã ghé đến từ hôm 23 Tết Âm lịch nhưng được nhân viên văn phòng công chứng hẹn lại vào hôm nay. Cứ tưởng đến đúng ngày hẹn thì thủ tục sẽ nhanh gọn, không ngờ những ngày sát Tết mà nhu cầu công chứng đất đai, nhà cửa vẫn còn cao như vậy”, chị Minh Anh cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hà (32 tuổi, quận 7) đang thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một mảnh đất tại huyện Nhà Bè cũng “ngán ngẫm” cảnh ngồi chờ ở phòng công chứng. Anh cho biết đã đến phòng công chứng của quận nhưng gần như giao dịch quá đông, nên đành phải chuyển sang văn phòng công chứng tư nhân dù biết mức phí phải trả cao hơn nhiều.
“Gần Tết trăm công nghìn việc, mình chỉ muốn hoàn tất các thủ tục nhanh gọn để còn lo chuyện khác”, anh Hà nói.
Tình hình lượng người có nhu cầu công chứng, giao dịch bất động sản tăng cao cũng diễn ra tại các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, và đặc biệt là các khu vực đang "sốt đất".
“Những ngày bình thường thì mọi nhân viên đều làm việc 8 tiếng như nhau. Nhưng suốt một tuần qua do lượng hồ sơ quá đông, mình và các anh chị em phải chia ca ra làm việc, có khoảng nghỉ vừa đủ để đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo, tránh nhầm lẫn gây ra phiền hà cho người dân vào dịp gần Tết”, nhân viên một văn phòng công chứng tại Long Thành, Đồng Nai cho biết.
Anh Hoàng Nhật, một môi giới lâu năm tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết mấy ngày gần đây anh liên tục “ăn ngủ” trong các văn phòng môi giới, thay vì bán hàng tại các dự án như trước. Lý giải cho sự gia tăng về giao dịch bất động sản vùng ven những ngày sát Tết, anh Nhật cho rằng, một nhóm các nhà đầu tư sinh sống ở TP HCM suốt năm nay chưa được về quê, nên đợt này họ kết hợp về quê ăn Tết cùng với việc khảo sát, mua đất. Tâm lý chung của nhiều người là muốn làm hồ sơ công chứng trước Tết, để qua Tết vài ngày là các thủ tục đã hoàn tất, họ sẵn sàng trở lại với công việc chính vào đầu năm. Do đó việc các văn phòng công chứng đông đúc theo anh Nhật cũng là dễ hiểu.
“Chưa kể, nhiều người cũng muốn giao dịch nhanh chóng, sớm sở hữu bất động sản cũng đồng nghĩa với việc sẽ đón được các cơn sóng trong giai đoạn năm mới”, anh Nhật nói.
Theo dự báo của hầu hết các chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn sẽ là "vùng trũng" hút dòng tiền trong năm 2022. Trong năm tới, thị trường bất động sản sẽ nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng.
Cụ thể, một số dòng vốn lớn được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản gồm vốn vay ngân hàng, vốn doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tự thân của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công cũng được cho sẽ tạo xung lực tích cực trực tiếp và gián tiếp làm tăng quy mô và định hướng dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục. Việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng được đánh giá là có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản, sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản trong các năm tới.