'Sàn giao dịch nhỏ là nhóm yếu thế nhất trong đại dịch'

Bảo An
Ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT BHS Group đã chia sẻ quan điểm của mình về bối cảnh khó khăn mà các sàn môi giới bất động sản tại Việt Nam đang gặp phải.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Thọ Tuyển ví von thị trường như một cái cây và cho rằng nếu nền kinh tế là gốc rễ, các chủ đầu tư là cây, các nhà cung cấp, các đơn vị thi công gọi là cành, vậy thì các đơn vị bán hàng chính là những chiếc lá. Trong một cái cây, bộ phận mỏng manh, héo hon dễ dàng nhất chính là lá. Tuy nhiên bộ phận lá này lại là bộ phận đứng ra để quang hợp chất dinh dưỡng, nuôi thân, gốc và rễ, để cây phát triển bền vững. Thị trường bất động sản gặp cực kỳ nhiều khó khăn. Covid-19 chính là cơn bão thì các bộ phận nào trong cái cây bị ảnh hưởng thì đó chính là hệ thống lá, những người làm nhiệm vụ kinh doanh.

nguyen-tho-tuyen1-1625742058-1629457207.jpg
Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT BHS Group

Đánh giá tình hình chung mà các sàn giao dịch bất động sản đang gặp phải, Lãnh đạo BHS Group có năm nguyên nhân khiến các sàn môi giới gặp khó khăn chồng chất:

Thứ nhất, việc gặp gỡ khách hàng hiện tại là bất khả thi.

Thứ hai, việc tiếp cận khách hang qua hình thức online cũng gặp rất nhiều hạn chế. Cũng dễ hiểu bởi bất động sản là tài sản giá trị lớn. Người ta không thể quyết định mua nó như một mớ rau, một chai nước. Chưa kể bất động sản thì không hề có một công cụ, một công nghệ nào giúp chúng ta “ship” một mảnh đất, một ngôi nhà hoặc căn chung cư đến khách hàng để họ lựa chọn. Có thể nhiều bạn môi giới có nhiều khách hàng quan tâm nhưng khả năng giao dịch rất khó.

Vì hai nguyên nhân trên, thanh khoản của thị trường đã gặp ảnh hưởng. Cung thì ít, cầu thì không ai quan tâm. Việc đưa ra quyết định của khách hàng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thứ ba, tinh thần làm việc của môi giới rất khó để duy trì năng lượng trong thời gian lâu dài. Các cụ hay nói buông cần lâu quá mà cá không cắn thì người câu sẽ rơi vào hai trạng thái: chán nản và không có cái thì đói. Nếu chuyện này kéo dài mãi, thì người ta sẽ buông cần, không đi câu nữa. Tức là các môi giới sẽ chuyển công ty hoặc bỏ nghề.

Thứ tư, dòng tiền của tất cả các công ty phân phối bất động sản đều đứt gãy. Các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn khi không thể hỗ trợ các đơn vị phân phối. Doanh thu các sàn sau khi xuất hóa đơn thì về rất chậm, thậm chí công nợ. Khi công nợ về chậm thì doanh thu không có. Đặc biệt vấn đề về chi phí, tuy không lên công ty nhưng họ vẫn phải trả tiền chi phí thuê mặt bằng, tiền công nhân viên, lãi ngân hàng, thuế… Nhiều doanh nghiệp thì công nợ, VAT đã xác lập mà tiền thì chưa về.

Thứ năm, các sàn vẫn phải tiếp tục nộp hàng loạt loại thuế trong khi nguồn thu không có.

Có thể nói do năm lý do trên mà tình hình của các sàn giao dịch toàn quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, trong tình hình chung đó, lãnh đạo BHS Group vẫn cho rằng vẫn có thể chia thành hai nhóm, với lối ứng phó khác nhau.

- Nhóm đầu tiên chỉ khoảng chưa đến 20% số sàn giao dịch bất động sản là có tích luỹ, có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng, có nhân sự ổn định, chuyên nghiệp. Họ ít khó khăn hơn. Trong thời gian này, họ tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn sau đó như: chuẩn bị sản phẩm (đã, hoặc chuẩn bị ký hợp đồng); tuyển dụng, đào tạo nhân viên; đẩy mạnh thu hồi công nợ; đẩy mạnh phát triển công nghệ…

- Còn các sàn có quy mô nhỏ (chiếm 80%) bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất khi dịch bệnh diễn ra. Do không có tích luỹ, họ rất khó duy trì hoạt động. Tâm lý từ lãnh đạo đến nhân viên đều hoang mang, dao động, không biết nên tiến hay lui... Cộng với những lý do riêng thì họ đang lâm vào tình trạng như những chiếc lá trên thân cây bị tổn thương, có lá héo nhanh, có lá thì héo chậm.

Vậy thời điểm nào là được cứu sống? Ông Nguyễn Thọ Tuyển cho rằng là sẽ có. Muốn có một thị trường tốt thì phải có vaccine. Bởi vậy, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về cơ chế chính sách như: giãn, hoãn, giảm tiền thuế… nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là cần thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng. 

Nhưng lúc đó cuộc chơi sẽ rất khác. Sẽ có những sàn có khả năng vượt khó sẽ lớn mạnh hơn, lớn nhanh gấp 2, gấp 3. Nhưng cũng sẽ có sàn với chiến lược không rõ ràng sẽ phải nhường sân lại.