Trong bài phỏng vấn mới đây, ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc Marketing – Trải nghiệm khách hàng của FPT Retail đã chia sẻ về cách doanh nghiệp tối giản chi phí mặt bằng trong giai đoạn dịch bệnh 2021. Hiện công ty có 700 FPT Shop và 400 cửa hàng dược phẩm Long Châu trên toàn quốc. Trong giai đoạn căng thẳng nhất, doanh nghiệp phải đóng cửa hơn 50% số cửa hàng.
“Nghe đóng thì rất đơn giản, nhưng tiền mặt bằng thì mình vẫn phải trả và công ăn việc làm của hơn 8.000 nhân viên trên toàn quốc thì phải làm sao?! Đấy là một bài toán trông đơn giản, nhưng để giải quyết hết sức phức tạp”, ông Bảo chia sẻ.
Theo chia sẻ của vị này, làm thế nào – khi khủng hoảng xảy ra, phải tiết giảm càng nhiều chi phí càng tốt. Đó là tinh thần chung. Nhưng nó phải dựa trên sự hợp tình – hợp lý, cả doanh nghiệp – chủ nhà phải đồng thuận với nhau.
“Đối với bất kỳ chuỗi bán lẻ nào, nếu chi phí cao hơn doanh thu ở 1 điểm, thì phải cân nhắc đóng cửa hàng đó và chuyển sang địa điểm khác. May mắn là trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua – ngay cả trong đỉnh dịch, FPT Retail chưa từng phải đóng cửa bất cứ mặt bằng nào vì lý do chủ nhà. Lúc đó, chúng tôi có khoảng hơn 600 – còn bây giờ 700 rồi, không có mặt bằng nào phải rơi vào hoàn cảnh như thế”, ông Bảo cho biết.
Khi FPT Retail đóng cửa không kinh doanh mặt bằng nào thì chủ nhà đều biết hết. Chứ không thể nói dối kiểu ‘có thành không’: "Bọn em đóng cửa mặt bằng này rồi, anh/chị giúp bọn em đi". FPT Retail thường tìm cách trao đổi – thương lượng – tìm giải pháp hỗ trợ từ phía chủ nhà, trên tinh thần thông cảm lẫn nhau.
FPT Retail xác định: chủ nhà là một stakeholder quan trọng cho bất kỳ một mô hình kinh doanh nào – đặc biệt là trong mảng bán lẻ. Do đó doanh nghiệp thỏa thuận và tìm sự thông cảm. Rất nhiều chủ nhà đồng ý giảm giá – tất nhiên mức giảm khác nhau, có người giảm ít và có người giảm nhiều. Trước tấm lòng của chủ nhà, doanh nghiệp rất mừng vì họ đã chia sẻ khó khăn với mình, để cả hai cùng tiếp tục đi đường dài với nhau.
Chia sẻ về mức giảm giá trung bình, ông Bảo cho biết đây là con số vô chừng. Vì mức giảm là tùy vào mặt bằng và chủ nhà. Ví dụ như: có điểm doanh nghiệp vẫn mở cửa bình thường và số vẫn tăng, nếu xét riêng điểm đấy thì vẫn kinh doanh được; nhưng nếu xét toàn quốc thì công ty vẫn giảm doanh thu và chịu nhiều thiệt hại; FPT Retail vẫn xin nhờ chủ nhà hỗ trợ. Tất nhiên, những chỗ kinh doanh được, chủ nhà giảm ít hơn, còn những chỗ không kinh doanh được, chủ nhà giảm rất là nhiều.
Thậm chí, có chủ nhà có tháng không lấy tiền, bởi anh chị rất thấu hiểu sự khó khăn. Thành ra, chuyện giảm giá mặt bằng của các chủ nhà bên FPT Retail không có công thức chung. Do đó không có yêu cầu các Giám đốc vùng phải đi nói chuyện với các chủ nhà cùng 1 công thức chung, vì mỗi một chủ nhà – mỗi một mặt bằng có đặc điểm khác nhau.
“Ví dụ chủ nhà mua mặt tiền đấy và phải vay tiền ngân hàng, nếu mình đề nghị người ta giảm nhiều quá thì họ sẽ không có tiền trả lãi ngân hàng. Tôi cũng đang là người đi cho thuê nhà nên rất hiểu về câu chuyện này. Tôi cũng giảm cho người thuê trong đại dịch, nhưng căn này tôi giảm khác căn kia giảm khác”, Giám đốc Marketing – Trải nghiệm khách hàng của FPT Retail nói.
Tất nhiên, ông Bảo cho rằng chủ nhà phải nói chuyện - tìm hiểu để biết tình hình thực sự của các khách thuê là như thế nào. Ví dụ: khách thuê là người nước ngoài sang đây để kinh doanh, thì phải xét xem vì Covid-19 họ còn kinh doanh được không, nếu được thì ổn tới mức độ nào… Khi thấy họ khó khăn thật, chủ nhà nên giảm nhiều cho họ. Tương tự căn khác, nếu thấy ông kia vẫn còn ‘ăn nên làm ra’ quá, thì có thể giảm nhưng chỉ giảm ít.