Điểm tin bất động sản 3/3: Hơn 19.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 3

Lan Anh
Hơn 19.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 3, TP HCM nêu thời hạn gỡ vướng 4 dự án bất động sản,... là những tin tức đáng chú ý sáng ngày 3/3.

Hơn 19.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 3

Tổng hợp dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, còn 208,6 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023. Trong 2 tháng kể từ đầu năm đến nay, có gần 19 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu đã đáo hạn hoặc được mua lại trước hạn.

trai-phieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-1677809561.jpg
Áp lực trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn

Nếu không có hoạt động mua lại trước hạn nào đáng kể thì trong 10 tháng còn lại của năm, áp lực đáo hạn dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt trên 33,2 nghìn tỷ đồng, áp lực lớn tiếp theo dành cho tháng 12 với 28,3 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 3, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 19,2 nghìn tỷ đồng.

trai-phieu-doanh-nghiep-dao-han-1677809561.jpg
Trong đó, Masan, Novaland, CII hay Trung Nam là những nhóm có giá trị đáo hạn lớn trong tháng 3.

Trong đó, Masan, Novaland, CII hay Trung Nam là những nhóm có giá trị đáo hạn lớn trong tháng.

Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ Masan Group, trong năm 2023 sẽ có 14.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả.

Novaland Group (NVL), theo kế hoạch, sẽ đáo hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 2.057 tỷ đồng. Bám ngay sát là CII – chỉ một lô có giá trị 2.000 tỷ.

Nhóm Trung Nam bao gồm CTCP Trung Nam, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam sẽ đáo hạn tổng cộng 1.300 tỷ.

Sắp có đợt giảm lãi suất huy động

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ ngày 6/3/2023. 

lai-suat-ngan-hang-1677809650.jpeg

Trong đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, BIDV, Agribank và Viettinbank giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng đơn vị tính từ ngày 27/02/2023 với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023) với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

TP HCM nêu thời hạn gỡ vướng 4 dự án bất động sản

4 trong số 7 dự án tắc pháp lý điển hình, được thành phố chỉ định phải có đề xuất hướng xử lý trong tháng 3.

Trước hết là khu trung tâm thương mạicăn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 do Công ty Gotec làm chủ đầu tư. Khu đất đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được chấp thuận đầu tư dự án và điều chỉnh chấp thuận đầu tư vào tháng 12/2021. Dự án cũng được cấp giấy phép xây dựng tháng 5/2021 và đã khởi công xây dựng xong 2 tầng hầm, đang xây dựng các tầng tiếp theo.

Từ tháng 6/2022 đến nay, Gotec đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại, nhưng đều bị Sở Xây dựng thành phố từ chối. Lý do là rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất.

Để dự án trên sớm được tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các thủ tục liên quan theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp thu góp ý của các đơn vị dự họp, báo cáo đề xuất UBND thành phố để xin ý kiến Ban Cán sự Đảng nhằm xem xét, quyết định, trước ngày 10/3.

go-vuong-phap-ly-du-an-bat-dong-san-1677809759.jpeg
4 trong số 7 dự án tắc pháp lý điển hình, được thành phố chỉ định phải có đề xuất hướng xử lý trong tháng 3. 

Với dự án chung cư Cửu Long, số 1 đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, (tên thương mại De La Sol do CapitaLand làm chủ đầu tư), ông Cường giao Sở Tài chính, Chi cục Tài chính Doanh nghiệp rà soát, báo kết quả trước ngày 5/3. Sở Xây dựng căn cứ ý kiến của Sở Tài chính, Chi cục Tài chính Doanh nghiệp để giải quyết, trong trường hợp gặp khó khăn, trình UBND TP xem xét. Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả cho ủy ban trước ngày 10/3.

Về dự án Khu nhà ở Thiên Lý, tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, do Công ty An Thiên Lý làm chủ đầu tư, gặp vướng về thủ tục điều chỉnh chấp thuận đầu tư tại dự án đã được Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Thành phố thống nhất chủ trương xử lý, có quá trình họp nhiều lần để xem xét và đã giải quyết cho một số dự án có vướng mắc tương tự.

Ông Cường cũng giao Sở Xây dựng chủ động trao đổi, làm việc với Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) để có sự đồng thuận, tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư An Thiên Lý hoàn thành các thủ tục dự án, sớm triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại. Kết quả báo cáo cho UBND TP HCM trước ngày 10/3.

Riêng đối với vướng mắc của dự án chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 (tên thương mại Grand Manhattan do Novaland phát triển) được xét cùng nhóm với các dự án đầu tư xây dựng lại chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp có pháp lý tương tự trên địa bàn.

Ông Cường chỉ định Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận 1 và các đơn vị liên quan để xử lý. Do tính chất pháp lý phức tạp, dự án này phải kết hợp rà soát thêm các văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng hướng dẫn thành phố thực hiện các nội dung vướng mắc có liên quan.

Sở Xây dựng tổng hợp ý kiến, xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thống nhất phương án xử lý đối với dự án thuộc nhóm này, chuẩn bị nội dung họp chuyên đề, trình ủy ban trước ngày 15/3.

Mai Ân