Đón sóng đầu tư hạ tầng
Theo chuyên gia cho biết, khi xét các vùng tiệm cận Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh,... thì có thể thấy Hải Phòng là nơi duy nhất tại phía Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng bao gồm: đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không. Với lợi thế hạ tầng, thành phố hoa phượng đỏ cũng từng bước trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên hải Bắc bộ.
Không chỉ vậy, chủ trương đẩy mạnh logistics ví dụ như khai thác đường bay thẳng tới sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc); có nhiều hãng hàng không đang khai thác đường bay từ Hải Phòng đến 5 thành phố tại Nhật Bản (Osaka, Tokyo, Nagoya, Fukuoka, Sapporo),... cũng giúp TP. Hải Phòng trở thành “cầu nối" giao thương với các khu vực trong nước cũng như với các quốc gia khác trên thế giới.
Những năm gần đây, Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng khu đô thị, giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Đông Bắc bộ. Đến hết năm 2022, thành phố Hải Phòng đã có hơn 7.600km đường bộ, 145 cây cầu, nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng như hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh và hệ thống cầu nối Hải Phòng với các địa phương.
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công do TP. Hải Phòng quản lý là hơn 22.300 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, khoản vốn đầu tư công lớn nhất năm 2023, với 13.221 tỷ đồng, được phân bổ cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Hải Phòng sẽ dành 1.500 tỷ đồng chi cho tiền sử dụng đất; 3.111 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu và phân cấp cho các quận, huyện; 3.064 tỷ đồng cho xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; 10 tỷ đồng cho công tác quy hoạch; 55,2 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng...
Trong kế hoạch sử dụng vốn ngoài ngân sách năm 2023, TP. Hải Phòng sẽ tập trung triển khai một số dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi với nguồn vốn huy động hơn 2.400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 với tổng vốn 1.350 tỷ đồng...
Theo Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, trong 5 - 6 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông kết nối của Hải Phòng đã thay đổi hoàn toàn nhờ đầu tư tập trung, đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, hai bến đầu tiên của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Bạch Đằng,... cùng các tuyến đường và cầu kết nối với Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình được xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng.
Bên cạnh đó, TP. Hải Phòng có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải - Khu Kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước, diện tích 22.540ha cùng những cơ chế và chính sách ưu đãi vượt trội, trở thành điểm nhấn ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo Chương trình hành động 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới, tổng diện tích hơn 6.200ha để thu hút đầu tư.
Thành phố định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại DEEP C và Nam Cầu Kiền; sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp,... Cùng với đó, các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cũng được thúc đẩy tiến độ, các khu logistics và hậu cần dịch vụ sau cảng; các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần người lao động, tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
‘Rót' nghìn tỷ đầu tư hàng loạt khu đô thị
Bước sang năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hải Phòng vừa có thông báo mời thầu các nhà đầu tư thực hiện ba Khu đô thị mới. Trong đó, một dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 23.000 tỷ đồng.
Khu đô thị Dương Kinh - Kiến Thuỵ hơn 23.000 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hải Phòng vừa có thông báo số 19/TB-KHĐT mời thầu các nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến của dự án là hơn 23.218 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Dương Kinh - Kiến Thuỵ được quy hoạch trên khu đất rộng khoảng 240ha, được thực hiện trên khu đất 107ha thuộc phường Hoà Nghĩa (quận Dương Kinh) và 133ha thuộc các xã Đông Phương, Đại Đồng (huyện Kiến Thuỵ). Ranh giới khu đất thực hiện dự án: phía Bắc giáp Tỉnh lộ 363; phía Tây giáp tuyến đường vành đai 2 (theo quy hoạch chung thành phố); phía Đông giáp tuyến đường trục đô thị (theo quy hoạch chung thành phố); phía Nam giáp tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo quy hoạch, dự án sẽ sử dụng hơn 69,4ha để phát triển nhà ở. Cụ thể, diện tích đất 55,4ha sử dụng để phát triển nhà ở thương mại và 13,9ha dùng để phát triển nhà ở xã hội là các khối nhà cao 10 tầng. Sau khi hoàn thành xây dựng, khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy sẽ có quy mô dân số khoảng 48.000 người.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được UBND TP.Hải Phòng giao đất, cho thuê đất. Thời hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 19/3/2023.
Khu đô thị mới Hoàng Xã hơn 3.400 tỷ
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng có thông báo về việc kêu gọi đầu tư khu đô thị mới Hoàng Xá thuộc thị trấn An Lão, huyện An Lão với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ. Dự án có diện tích thực hiện dự kiến khoảng 34,86ha với quy mô dân số 4.424 người. Về các công trình xây dựng, dự án dự kiến xây dựng 900 căn nhà liền kề, cao từ 3 - 5 tầng, diện tích từ 80 - 120m2 và 62 căn biệt thự, cao 3 tầng, diện tích từ 180 - 250m2.
Bên cạnh đó, dự án sử dụng 800m2 diện đất để xây dựng nhà văn hóa; 5.510m2 làm bãi đỗ xe; 11.082m2 để xây trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, cao 17 tầng (2 tầng hầm và 15 tầng nổi). Ngoài ra, dự án sẽ dành quỹ đất khoảng 2,6ha để phát triển nhà ở xã hội, phần đất này nhà đầu tư bàn giao lại cho địa phương sau khi đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày chủ đầu tư được bàn giao đất. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa vào hoạt động dự án trong vòng 60 tháng kể từ khi hợp đồng dự án có hiệu lực. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 25/3.
Khu đô thị Đồng Hoà hơn 1.100 tỷ đồng
Dự án khu đô thị mới phường Đồng Hoà có diện tích hơn 8,2 ha. Sau khi hoàn thiện, khu đô thị dự kiến thu hút được 4.100 cư dân về sinh sống. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 1.177 tỷ đồng, gồm 1.103 tỷ đồng thực hiện dự án và 74 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch dự kiến có khoảng 6.587m2 diện tích đất được sử dụng để xây dựng công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và nhà ở bao gồm 550 căn chung cư, cao tối đa 20 tầng; gần 1,5ha dùng để xây dựng 172 căn nhà ở liền kề cao tối đa 4 tầng (xây dựng phần thô và hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài). Bên cạnh đó, dự án còn bao gồm xây dựng các hạng mục hạ tầng, cảng quang và tiện ích khác.
Ngoài ra, dự án còn dành khu đất rộng 5.882m2 để phát triển nhà ở xã hội, 500m2 làm trạm y tế và 4.941m2 xây dựng trường liên cấp. Ba hạng mục này sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao lại cho địa phương để thực hiện đầu tư theo quy định.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày chủ đầu tư được UBND TP Hải Phòng giao đất, cho thuê đất. Tiến độ triển khai xây dựng các hạng mục và đưa vào khai thác dự án là trong vòng 39 tháng kể từ khi lựa chọn được nhà đầu tư. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến ngày 25/3.
Thỏi nam châm hút ‘ông lớn'
Trong năm 2022, tổng thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt gần 3,2 tỷ USD, đứng thứ 4 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,5 tỷ USD với 48 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn. Thu hút dự án đầu tư 100% vốn trong nước (DDI) đạt trên 16.000 tỷ đồng với 8 dự án cấp mới, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp có 458 dự án FDI với số vốn trên 23 tỷ USD; 202 dự án DDI với tổng số vốn trên 294.721 tỷ đồng (tương đương 12,8 tỷ USD).
Hiện nay, Hải Phòng được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho những dòng vốn chất lượng và giá trị cao đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong số 839 dự án đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 23,984 tỷ USD, có 173 dự án đến từ Hàn Quốc, với vốn đăng ký 9,65 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng số dự án. Các dự án FDI Nhật Bản vào Hải Phòng phải kể đến 2 dự án lớn nhất của Bridgestone và Nipro Pharma Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều thương hiệu khác như Zeon, Nishina, Fuji Xerox…
Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone,... sau khi đầu tư tại Hải Phòng đã thu hút thêm các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng để hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn. Đơn cử, như tổ hợp sản xuất của LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, các tổ hợp sản xuất tại USI và Pegatron tại Khu công nghiệp DEEP C I và II, đã trở thành các dự án “lõi” để thu hút các dự án hỗ trợ khác, tạo thành chuỗi cung ứng, hình thành cụm liên kết ngành quy mô lớn trong sản xuất,...
Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng, ông Keisuke Koshijima, Giám đốc đại diện kiêm Phó chủ tịch điều hành của Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) cho biết, Hải Phòng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách toàn diện, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu, với sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện và kết nối trực tiếp với Hà Nội thông qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời thu hút nhiều nhà sản xuất quy mô lớn, trong đó bao gồm LG và Pegatron.
Thành phố hiện có 14 khu công nghiệp đang hoạt động. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển và mở rộng thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.148ha. Cuối năm 2022, UBND Tp.Hải Phòng và CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng cùng nhau ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 trên địa bàn huyện An Lão, TP.Hải Phòng. Trong đó, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng được biết là công ty con của ‘ông lớn' Kinh Bắc.
Dự án có mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng với quy mô 687ha. Theo chủ đầu tư, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ thu hút các dự án trong lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, đặc biệt là các dự án lớn như LG và vệ tinh của LG.
Cùng thời điểm, UBND TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án mới với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại tổng kho 3 Lạc Viên, 142 Lê Lai do CTCP Thaiholdings làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội để bán và cho thuê (bán tối đa 80%, cho thuê tối thiểu 20%).
Thứ hai là dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1 do CTCP Giải pháp Năng lượng VinES làm chủ đầu tư, với vốn đầu tư gần 3,300 tỷ đồng. Dự án sản xuất pin và ắc quy tại nhà xưởng thuê trong tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Nhà xưởng diện tích khoảng 27,000 m3; sản phẩm, dịch vụ cung cấp là Cell pin và các linh phụ kiện đi kèm với công suất thiết kế 2.2 GWh/năm.
Thứ ba là dự án khai thác tàu container do Zim Integrated shipping services Ltd., (Isarel) và CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư 1,383 tỷ đồng. Dự án đặt mục tiêu cung cấp các loại hình dịch vụ vận tải biển, dự kiến vận hành, khai thác từ quý 4/2023.
Địa ốc Hải Phòng nhiều triển vọng
Nhờ phát huy vị thế cửa ngõ giao thương, bất động sản tại Hải Phòng cũng vì vậy mà trở nên hấp dẫn ở nhiều phân khúc.
Đơn cử như quận Lê Chân nằm ở phía Nam TP. Hải Phòng, được biết đến là một trong những khu vực có mức tăng trưởng cao nhất Thành phố. Nếu so sánh tại thời điểm 2018-2019 với hiện tại, mặt bằng giá bất động sản đã tăng gấp đôi tại các khu tái định cư hay các vị trí mặt đường, hẻm mà ô tô có thể vào được, dao động từ 35-300 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Trong đó, khu vực mặt đường thuộc trục đường Hồ Sen mới được mở rộng, nâng cấp đang là khu vực có giá trị giao dịch cao nhất.
Mặt bằng giá nhà đất khu vực này tăng mạnh sau khi dự án Đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con, được triển khai từ tháng 5/2018 và hoàn thiện trong năm 2021. Đơn cử như dự án Vinhomes Marina Cầu Rào 2, giá chào bán khoảng 6 tỷ đồng đối với căn hộ bàn giao thô diện tích 70m2. Đến đầu năm 2022, giá căn hộ có thời điểm tăng lên khoảng 11 tỷ đồng trong các giao dịch thứ cấp, trước khi giảm nhẹ về quanh mốc 10,5 tỷ đồng như hiện tại.
Cùng với đó, những công trình dịch vụ tiện ích đi kèm như Trung tâm thương mại Aeon, Bệnh viện quốc tế Vinmec… cũng góp phần làm tăng thêm giá trị cho bất động sản nơi đây.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, Hải Phòng được coi là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư vì có tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao, nhất là khi xu hướng đầu tư ra vùng ven ngày càng rõ nét do quỹ đất tại các khu vực trung tâm ngày một hạn hẹp, không gian đô thị trở nên quá chật chội. Chưa kể, Hải Phòng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đầy đủ, hoàn thiện, kinh tế còn nhiều dư địa tăng trưởng…, nên phù hợp cho các chiến lược đầu tư dài hạn.
“Riêng với lĩnh vực bất động sản, nhìn vào một thành phố lớn mà chưa có nhiều tòa nhà cao tầng thì cũng đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển các dự án trung tâm thương mại, nhà ở là rất lớn”, ông Văn nhận định.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hải Phòng cũng nhìn nhận, về lâu dài, thị trường bất động sản sẽ được thanh lọc, hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ được vận hành một cách chuyên nghiệp, minh bạch và thị trường địa ốc Hải Phòng được dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới.