Nhạy cảm với thông tin quy hoạch là một trong những nét đặc trưng của thị trường Việt Nam. Đặc biệt mỗi khi có thông tin về công trình cơ sở hạ tầng sắp được triển khai, giá nhà đất tại khu vực đấy ngay lập tức tăng một cách chóng mặt.
Theo nhiều chuyên gia về đô thị đánh giá “cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy”. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường được xem là bước đệm tạo động lực thúc đẩy các tiện ích khác phát triển làm thay đổi diện mạo của khu vực. Đồng thời thu hút thêm nguồn vốn đầu tư dự án từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sức bật cho thị trường bất động sản địa phương.
Những cây cầu trọng điểm bắc qua sông Hồng, Hà Nội
Thông tin từ quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên. Việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng sẽ tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4. Bên cạnh đó còn đóng vai trò trọng yếu trong việc phát triển đô thị phía Đông Bắc Hà Nội.
Trước thông tin quy hoạch này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản chia sẻ, trước năm 2010, không có nhà đầu tư nào quan tâm đến khu Đông Hà Nội. Sau này, nhờ hệ thống cầu vượt sông “đi trước”, mở đường cho hàng loạt dự án đại đô thị có mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Gia Lâm, Đông Anh. Giai đoạn 2010 – 2011, các nhà đầu tư đón sóng hạ tầng khiến giá đất ở một số xã như Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng đến 80% chỉ trong thời gian ngắn.
Trước đó cũng Hà Nội cũng đã xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân.
Cầu Long Biên (1898 – 1902)
Nổi tiếng nhất trong số các cây cầu ở Hà Nội là cầu “chứng nhân lịch sử” Long Biên với tuổi đời đã hơn trăm năm. Cầu do Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1902, với chiều dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn gồm 19 nhịp dầm thép do nhà thầu Daydé & Pillé thi công. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó. Kể từ ngày cầu Long Biên được đưa vào hoạt động, bến phà đường sông của Hà Nội đã bị xoá bỏ, nhu cầu đi lại, thông thương của người dân thủ đô không còn gặp khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng trong mùa mưa lũ.
Cầu Chương Dương (1985 – 1986)
Cầu Chương Dương xây dựng từ 1983, bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên với trung tâm thủ đô để giảm tải áp lực giao thông trên cầu Long Biên. Cầu nhanh chóng được hoàn thành trong vòng 2 năm xây dựng. Đến năm 2019, do lưu lượng giao thông lớn gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức nghiêm trọng, cầu được lắp thêm các tấm chống ồn với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.
Cầu Thăng Long (1974 – 1985)
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng qua Hà Nội được xây dựng từ năm 1974. Cầu có nhịp chính vượt sông dài 1.680m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Cầu gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới, và cầu đường ô tô nằm ở tầng trên. Năm 2020, cầu được triển khai đại trùng tu với tổng kinh phí lên đến 269,3 tỷ đồng.
Cầu Nhật Tân (2009 – 2015)
Cầu Nhật Tân được ghi danh là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời đây cũng là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội. Cầu Nhật Tân là một trong những công trình trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỉ đồng. Tổng chiều dài của cầu là 9,17 km trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Nếu đường trên cầu thông thoáng đi chỉ mất 10 – 15 phút là sang bên bờ bên kia.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (2005 – 2010)
Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng từ năm 2005 đến năm 2010 với tổng kinh phí gần 3.600 tỷ đồng, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19m, đã được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn hai là 38m, trở thành cầu rộng nhất Việt Nam, cầu Vĩnh Tuy hoạt động góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3 km, giảm tải cho cầu Chương Dương và cầu Long Biên.
Tháng 01/2021 dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chính thức khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 2.538 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Đây là cây cầu song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 về phía hạ lưu.
Cầu Thanh Trì (2002 – 2007)
Cầu Thanh Trì thông xe năm 2007, với tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng. Phần cầu chính dài 3.084m, rộng 33,1m chia làm 6 làn xe chạy, trong đó 4 làn cao tốc cho phép chạy 80 km/h. Cầu bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (huyệnThanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (huyện Gia Lâm). Đây là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới.
Những cây cầu vượt sông tạo biểu tượng cho TPHCM
Cầu Ông Lớn (2001 - 2004)
Cầu Ông Lớn nằm trên đại lộ quan trọng Nguyễn Văn Linh đi qua quận 7, bắc qua rạch Ông Lớn, thuộc địa phận TPHCM. Được thiết kế vào năm 2001 đến năm 2004 thì được đưa vào sử dụng. Đây là kết cấu cầu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, khoác màu áo đỏ đặc trưng góp phần làm đa dạng hóa kiến trúc công trình cầu đường.
Cầu Phú Mỹ (2005 - 2009)
Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng lớn nhất TP HCM bắc qua sông Sài Gòn nối TP Thủ Đức và quận 7 (thuộc đường vành đai 2), tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng, dài hơn 2.000 m, được xem là biểu tượng của thành phố. Cầu được khánh thành vào tháng 9/2009, thuộc tuyến đường vành đai 2 nối quận 7 với quận 2, kết nối quận 9, Thủ Đức tạo thành một vành đai vòng tròn đầu tiên của thành phố. Cầu cũng giúp việc lưu thông từ phía Đông thành phố, các tỉnh phía Bắc đi các tỉnh miền Tây thông qua các đường vành đai ngắn hơn.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, cây cầu Phú Mỹ đã mở ra cơ hội mới cho vùng đất phía Đông khi giá trị bất động sản tăng gấp vài chục lần so với trước. Hiện nay, phía quận 2 có 90% diện tích đất được phủ kín các dự án khu dân cư, cao ốc... Đồng thời, công trình này cũng là “điểm tựa” đầu tiên để tạo sức bật, thu hút đầu tư biến quận 9 thành khu đô thị hiện đại thu hút hàng ngàn người dân đổ về sinh sống.
Cầu Nguyễn Văn Cừ (2005 – 2009)
Cầu Nguyễn Văn Cừ nối quận 1, 5 với quận 4, 8 có tổng kinh phí xây dựng 535 tỷ đồng được khánh thành từ tháng 4/2009. Sau khi được khánh thành sẽ góp phần làm giảm ùn tắc cho điểm đen giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ và khu vực trung tâm TP.HCM. Khi việc di chuyển thuận lợi nhờ đầu tư giao thông kết nối, các dự án bất động sản tại các quận 1, 4, 5, 8 từ đó cũng được hưởng lợi, mức giá trên thị trường cũng được điều chỉnh theo xu hướng tăng.
Cầu Thủ Thiêm 1 (2005 - 2010)
Cầu Thủ Thiêm 1 (nối Bình Thạnh và Thủ Thiêm), tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng hoàn thành năm 2010. Với chiều dài lên đến 1.250m, cầu được thiết kế gồm 5 nhịp và rộng 21m (6 làn xe) với tổng mức đầu tư là 1.099,6 tỷ đồng. Đầu phía Thủ Thiêm quận 2 dài 160m.
Sau khi hoàn tất xây dựng, một loạt các dự án bất động sản cũng được hưởng lợi trực tiếp từ cầu Thủ Thiêm 1 như City Garden, Vinhomes Golden River, Sunwah Pearl, The Manor,…
Cầu Sài Gòn 2 (2012 – 2013)
Cầu Sài Gòn 2 nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức (quận 2 cũ) hoàn thành cuối năm 2013, được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, dài gần 1 km gồm 30 nhịp. Công trình được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Dự án có tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng. Việc đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn thời điểm đó ngoài giảm tải cho cầu Sài Gòn cũ còn đảm bảo tính đồng bộ về quy mô với tuyến Xa lộ Hà Nội được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau hơn 1 năm xây dựng, Cầu Sài Gòn 2 đóng vai trò là một trong những công trình tiêu biểu góp phần thúc đẩy địa ốc khu Đông TPHCM tăng trưởng ổn định trên thị trường trong nhiều năm qua.
Cầu thủ thiêm 2 (khởi công 2015)
Theo quy hoạch phát triển giao thông của TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 2 kết nối trung tâm thành phố hiện hữu với Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2 có 6 làn xe, mặt cầu chính rộng 27,8m tổng chiều dài 1.465m. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông nhiều tuyến đường huyết mạch phía quận 1 là Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Thánh Tôn…
Không chỉ có ý nghĩa về giao thông, cầu Thủ Thiêm 2 cũng góp phần mở tiềm năng cho giá trị bất động sản ở khu đô thị Thủ Thiêm. Hiện nay, ngay dưới chân cầu phía Thủ Thiêm đã có hàng loạt dự án bất động sản hạng sang được đầu tư xây dựng. Hiện tại dự án đang bước vào những giai đoạn thi công cuối cùng, dự kiến sẽ hoạt động vào quý 2/2022