Bất động sản chiếm gần phân nửa vốn FDI cấp mới tại TP.HCM

Phạm Ánh Thúy
Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, có đến 47% vốn FDI cấp mới tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đổ vào lĩnh vực bất động sản, tương đương với 126 triệu USD từ 9 dự án.

Theo báo cáo "Tình hình kinh tế, xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021" của Cục Thống kê TP.HCM, từ ngày 1/1 - 20/6/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố là 1,43 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 262 dự án được cấp phép đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 264,4 triệu USD. Đáng chú ý, đến 47% số vốn này đổ vào lĩnh vực bất động sản, tương đương với 126 triệu USD từ 9 dự án. Các vị trí tiếp theo thuộc về thương nghiệp với vốn đăng ký cấp mới đạt 51,1 triệu USD, chiếm 19,3% và vận tải kho bãi đạt 52,2 triệu USD, chiếm 19,7%.

Nếu tính tổng vốn gồm vốn cấp phép mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần, hoạt động kinh doanh bất động sản nằm trong top 4 ngành nghề có số lượng vốn cao nhất với 339 triệu USD, chiếm 23,8%, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến và trên các hoạt đông chuyên môn, khoa học công nghệ và thương nghiệp.

Dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều nhóm ngành sản xuất, nhưng số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đăng ký thành lập mới vẫn tăng tại TP.HCM. Theo số lượng doanh nghiệp cấp phép hoạt động kinh doanh bất động sản từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 6/2021 là 1.193 đơn vị, tăng 17,8%. Nhưng tổng số vốn đăng ký là 67.116 tỷ đồng, giảm 15,9%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đóng góp 27.231 tỷ đồng, tương đương 4% tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (RGDP). 

toan-canh-tphcm-phia-dong-1625068625.jpg
Một góc thị trường TP.HCM

Tính chung cả nước, trong 6 tháng đầu năm nay có 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3%. Như vậy, bình quân một doanh nghiệp thành lập mới vào 6 tháng đầu năm nay có vốn đăng ký khoảng 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp những tác động tiêu cực của Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, 2.095,1 nghìn tỷ đồng vốn mới đã rót vào nền kinh tế Việt.

Bên cạnh những doanh nghiệp mới, thị trường chứng kiến 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng Cục Thống kê cũng ghi nhận trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể là 70,2 nghìn doanh nghiệp tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ, 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và có 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.

Chiêu An