Bất động sản “lạ đời” thời Covid-19

Phạm Ánh Thúy
Đại dịch Covid-19 đã khiến cư dân toàn thế giới phải nhìn lại về khái niệm tổ ấm và thay đổi những tiêu chí trong việc lựa chọn nơi an cư.

Dịch bệnh đã và đang gây ra những xáo trộn, tác động mạnh mẽ đến thói quen, hành vi của người dân. Không gian sống bó hẹp, hạn chế tiếp xúc và chú trọng đến sức khỏe, tiện ích và trải nghiệm. Cùng với những biến động thị trường, người mua bất động sản đang có những tiêu chí khác đi dành cho ngôi nhà của mình.

Trở về thời kỳ "tam đại đồng đường"

Tam - tứ đại đồng đường là một khái niệm cũ, dùng để chỉ những gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà. Từng là mô hình gia đình phổ biến ở các nước phương Đông, tam đại đồng đường đã dần nhường chỗ cho những gia đình hạt nhận, tức chỉ có cha mẹ và con cái.

Ít ai nghĩ rằng, mô hình này lại trở thành xu hướng nổi bật hậu đại dịch tại các nước phương Tây, thậm chí là Mỹ - quốc gia vốn đề cao tự do cá nhân. Câu chuyện của gia đình nhà Crafts dưới đây có thể xem là một ví dụ điển hình.

Trước dịch, Trevor Crafts cùng vợ và con gái 5 tuổi đang sống tại California. Ba mẹ anh ở Texas trong khi mẹ vợ sinh sống tại Neveda. Sau nhiều tháng cách ly ít có cơ hội gặp nhau và những khó khăn trong việc chăm con, họ đi đến quyết định bán 3 ngôi nhà đang sở hữu để mua một ngôi nhà chung.

"Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời mà tôi không muốn bỏ lở", mẹ anh - bà Edward Crafts - một ca sĩ opera đã nghỉ hưu chia sẻ trên The New York Times.

tam-dai-dong-duong-1630228543.jpg
Đại gia đình nhà Crafts bên ngôi nhà mới. Ảnh: The New York Times

Một cuộc khảo sát tại Mỹ được thực hiện vào giữa năm 2020 - thời điểm Covid-19 bùng phát và chưa có vaccine - cho thấy, 15% người mua bất động sản có ý định chuyển đến sống cùng con cái, bố mẹ hoặc ông bà. Người Mỹ muốn gần người thân hơn vì lo sợ dịch bệnh sẽ đe dọa sức khỏe của người già. Trẻ em cũng cần ông bà hỗ trợ chăm sóc khi phải nghỉ học hoặc học online do dịch bệnh. Mặt khác, khi phải làm việc tại nhà, người ta không còn phải bắt buộc lựa chọn những căn hộ gần công ty, trung tâm thành phố hay nơi có vị trí giao thông thuận lợi.

Bên cạnh mục đích để các thành viên gần gũi chăm sóc nhau, xu hướng tam đại đồng đường còn là một cách để có đủ ngân sách lựa chọn những bất động sản cao cấp, có không gian hơn. Khi 3 thế hệ cũng đóng góp, người mua bất động sản có thể sở hữu ngân sách gấp 3 lần một gia đình thông thường.

Bán đi và thuê lại chính căn nhà của mình

Mua và trả tiền mua bất động sản theo tiến độ dự án bằng cách thế chấp ngân hàng vốn là cánh cửa rộng hơn để ngưòi mua chạm tới mong muốn sở hữu căn nhà cho chính mình. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã lấy đi việc làm, thu nhập và cả khả năng chi trả các khoản tiền trả nợ nhà định kỳ của người mua. Thực tế, có những người đã tính đến phương án bán đi căn hộ mình đang hoặc chuẩn bị sở hữu.

Tại Mỹ, một thống kê gần đây công bố có khoảng 2,2 triệu người đang lâm vào tình trạng trên. Những công ty bất động sản đã nhìn ra cơ hội đầu tư và thị trường hình thành nên một dịch vụ mới, gọi là sale-leaseback. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đứng ra mua lại những căn hộ đang trong giai đoạn trả góp, từ những chủ hộ cần bán. Sau đó, công ty thu mua sẽ cho chính các chủ cũ thuê lại. Điểm đặc biệt của loại hình này, là người bán bất động sản có cơ hội chuộc về ngôi nhà của mình sau khoảng một năm với giá thỏa thuận.

thue-va-cho-thue-can-ho-1626846542.jpg

Khi bán và cho thuê lại bất động sản trên Easyknock, người bán có thể nhận được số tiền tương đương 75% giá trị căn nhà chỉ trong vài tuần sau giao dịch. Một năm sau đó, họ có thể trả tiền để mua lại ngôi nhà hoặc bán đứt tài sản và nhận thêm 25% còn lại.

Bán đi và thuê lại chính căn hộ của mình có thể là giải pháp tình thế để kéo dài thời gian, trông chờ tình hình dịch bệnh ổn thỏa hơn, cơ hội việc làm, nguồn thu nhập mới. Nó thắp hy vọng cho người đang chạm đến mong muốn sở hữu căn nhà của riêng mình. Nhưng với những biến thể ngày càng nguy hiểm và khó lường của SAR-COV-2, đe dọa đến cả thành quả chống dịch tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao, thì người sở hữu căn hộ e ngại, dịch vụ chỉ là một cách để níu giữ căn nhà tạm thời.

Thành phố một phút

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều nơi phải đóng cửa, phong tỏa và lượng ôtô chạy trên đường phố giảm mạnh đã tạo ra những không gian trống giúp nhen nhóm ý tưởng "thành phố một phút" tại Thụy Điển. Ý tưởng này được phát triển từ "thành phố 15 phút" của Paris và một số quốc gia châu Á khác, dùng để chỉ khu vực đô thị mà cư dân có thể tiếp cận mọi thứ dịch vụ cần thiết cơ bản trong 15 phút đi bộ hoặc xe đạp.

"Thành phố một phút" có thể coi là thành quả của sáng kiến "street moves" do Trung tâm Kiến trúc và Thiết kế Quốc gia Thụy Điển phát triển. Theo đó, cư dân có thể di chuyển không quá một phút để tiếp cận nhiều tiện ích ngoài trời. Cụ thể, người dân có thể thay chỗ đậu xe trước nhà bằng một thiết kế gỗ bao gồm các mô-đun đặt phía trên để tạo thành một khu vườn, phòng tập thể dục ngoài trời, chỗ đậu xe máy điện và sạc điện cho ôtô. Thiết kế còn có một ghế dài và một bộ bàn ghế nhỏ, biến đường phố thành nơi tụ họp cho gia đình hoặc giữa những người hàng xóm.

"Trong 60 năm qua, chúng tôi đã quy hoạch các thành phố của mình xung quanh ôtô. Bây giờ đã đến lúc bắt đầu thiết kế đường phố cho những việc khác, chẳng hạn như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cây xanh và các địa điểm tụ họp trong thành phố", Daniel Byström - Giám đốc dự án Street Moves tại ArkDes Think Tank cho biết.

du-an-thanh-pho-mot-phut-1630228543.jpg
Sử dụng vật liệu gỗ, street moves được thiết kế để dễ dàng di chuyển và đa công năng. Nguồn: Bloomberg

Ý tưởng "thành phố một phút" đã được thực hiện từ tháng 9/2020 và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Bất chấp những tranh cãi về việc lấy đi chỗ đậu xe trong một thành phố đông đúc, ý tưởng đã được mở rộng sang các thành phố Gothenburg, Umeå, Helsingborg và Västervik của Thụy Điển. Bằng cách gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho người dân xung quanh ngôi nhà của mình, dự án cũng được kỳ vọng sẽ được nhân rộng tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Nơi ở, văn phòng… là một

Từ khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 toàn thành phố, công ty của chị Lê Minh đã cho toàn bộ nhân viên làm việc từ xa. Cũng giống như nhiều người khác, chị bắt đầu thiết kế một góc làm việc yêu thích ngay trong không gian tổ ấm của mình - nơi vốn dành cho việc nghỉ ngơi và thư giãn cùng gia đình.

“Ở nhà, vừa làm việc, vừa chăm bọn nhỏ, vừa nấu nướng. Ban đầu thấy không quen lắm nhưng giờ cũng bình thường, tôi còn có cảm giác mình chủ động hơn”, chị Minh chia sẻ.

lam-viec-tai-nha-1630228543.jpg
Khác với góc làm việc ở công ty, chị Minh bố trí góc làm việc tại gia thư thái, thoải mái hơn với cây xanh, nước ép tự làm hàng ngày.

Bên cạnh những người cố gắng dành riêng một không gian trong nhà để bố trí góc làm việc, JLL ghi nhận, ngày càng có nhiều người tìm kiếm một ngôi nhà tích hợp cả chức năng cư trú và làm việc. Đây cũng là lí do thị trường chứng kiến sự lên ngôi của các căn hộ thiết kế soho, viết tắt của "small office - home office", nghĩa là những văn phòng nhỏ, văn phòng tại nhà.

Hình thức căn hộ này đã phổ biến ở hầu hết mọi thành phố lớn trên khắp thế giới. Căn hộ soho có trần nhà cao tương tự như căn hộ kiểu gác xép. Thiết kế và bài trí nội thất theo chiều dọc căn hộ và chú trọng tạo không gian thoải mái cho bàn làm việc.

Xu hướng nhà ở và văn phòng gộp một được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, khi không ít tập đoàn lớn trên thế giới có chủ trương tiếp tục triển khai làm việc tại nhà lâu dài cho nhiều nhóm nhân viên không cần sự tương tác nhiều tại văn phòng. Bên cạnh đó, nhu cầu còn đến từ nhóm công ty khởi nghiệp và số lượng các freelance, người làm việc tự do về IT, thiết kế, phim ảnh, dịch thuật đang tăng lên. 

Bỏ phố về quê

Tốt nghiệp cử nhân báo chí và có nhiều năm làm báo tại một tòa soạn lớn ở TP.HCM, Khương Quỳnh đã quyết định dứt bỏ tất cả chạy lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để được tận hưởng cuộc sống quê "khỏe và vui". Không có nhiều tiền tiết kiệm, cô phải cân đo đong đếm từng chút một, cái gì làm được đều tự làm để xây dựng nên homestay Windy Garden với những căn nhà gỗ bên bờ suối.

Cô tự trồng rau, thả cá, bắt cua, gom củi nấu bếp... để tiết giảm tối đa chi phí. Những ngày homestay không có khách, cô xin làm thêm ở Trung tâm tiếng Anh, rồi nhận viết content, viết truyện kiếm nhuận bút và bán cả rau quả trồng được, đồ thủ công, trái cây sấy... Thậm chí làm bánh cho vui mà có người hỏi mua, cô cũng bán, miễn sao có tiền. Những việc này với nhiều người là vất vả, tự "hành xác", nhưng với cô là cách tận hưởng cuộc sống.

"Em rất thích cuộc sống ở quê và chưa bao giờ hối hận về quyết định rời Sài Gòn. Vì là một người thích cuộc sống bình dị nên em không có nhu cầu gì cao sang, thích quay về tự nhiên. Sống ở quê, em lắng nghe chính mình nhiều hơn và nhận ra sống càng tối giản thì đầu óc càng nhẹ nhàng", cô gái 9x tâm sự.

homestay-windy-garden-1630228543.jpg
Bỏ phố về quê mở homestay đang là trào lưu trong giới trẻ.

Phong trào "bỏ phố về quê" thật ra đã nhen nhóm từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, khi ngày càng nhiều người cảm thấy mệt mỏi giữa dòng quay gấp gáp của cuộc sống đô thị hoặc khó chịu mỗi lần vật lộn với khói bụi, kẹt xe. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ cùng giá nhà liên tục leo thang khiến người trẻ ngày càng chới với trong giấc mơ an cư tại các thành phố lớn. Lúc này, bức tranh về một miền quê yên bình: Nơi ta có thể khoan khoái hít thở trong bầu không khí trong lành, thưởng thức những thực phẩm sạch do chính tay mình nuôi trồng; Nơi con trẻ có thể thoải mái đùa giỡn dưới làn nước mưa, hay rượt đuổi nhau trên sân vườn bỗng có sức hút kỳ lạ.

Khi đại dịch xảy ra, người ta buộc phải ở nhà, rời xa những náo nhiệt và tiện nghi mà thành phố mang đến và bị "giam lỏng" trong 4 bức tường, ước muốn về quê lại càng cháy bỏng. Qua mỗi làn sóng Covid, lại có thêm nhiều gia đình về quê tránh dịch cũng như những người rời bỏ hẵn thành thị. Chỉ cần gõ từ khóa "bỏ phố về quê" trên Facebook, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng loạt goup như Bỏ phố về quê, Bỏ phố về rừng, Làng bỏ phố về quê... với vài nghìn thậm chí vài trăm nghìn thành viên tham gia. Trong khi cư dân thành phố liên tục kêu ca về những bất tiện khi phải ở nhà, về việc khó mua được thực phẩm, trên các group này, các thành viên đều đặn chia sẻ hình ảnh những vườn rau, ao cá, bửa cơm quê ấm cúng...

Thanh Tâm