Không được du lịch nước ngoài, người Việt lại chi bạo cho hàng xa xỉ trong nước

Phạm Ánh Thúy
Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của các cửa hàng bán lẻ trong nước, các thương hiệu xa xỉ quốc tế có xu hướng mở rộng cửa hàng vật lý để đáp ứng nhu cầu mua hàng hiệu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Savills, thị trường bán lẻ xa xỉ không những không chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, một số doanh nghiệp còn có xu hướng mở rộng các cửa hàng vật lý. Lượng khách hàng tới cửa hàng khả quan. Dịch bệnh đã bắt buộc khách hàng tập trung mua sắm các cửa hàng trong nước thay vì ở nước ngoài như trước đây.

“Khách hàng trong ngành xa xỉ có quá trình quyết định mua sắm khác biệt, coi trọng tương tác trực tiếp giữa khách hàng và thương hiệu. Họ muốn đến cửa hàng, trao đổi cùng nhân viên tại đó và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm cũng như những dịch vụ mà thương hiệu cung cấp”, đại diện Savills cho biết.

Đổi lại, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tương xứng với hình ảnh cao cấp, các thương hiệu thường lựa chọn mở cửa hàng/chuỗi cửa hàng ở vị trí đắc địa, ngay tại trung tâm các đô thị lớn. So với những quốc gia châu Á khác như Singapore, Hồng Kông hoặc Tokyo, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tương đối thấp.

Ngoài ra, thu nhập bình quân của Việt Nam những năm vừa qua đã tăng rõ rệt. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt đã mở rộng thêm thị trường mục tiêu của các hãng. Bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt nhất khu vực.

cua-hang-quan-ao-envato-1624030013.jpg
Bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất khu vực.

Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính vào năm 2030, tầng lớp trung lưu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng thêm 1,5 tỷ người, chiếm 66% số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2030. Diễn đàn này đánh giá các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines và Việt Nam sẽ sở hữu hàng triệu công dân có khả năng tài chính và nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ. Ngoài ra, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng cho thấy sự phục hồi tích cực sau Covid-19, thúc đẩy sự mở rộng và đầu tư nhiều hơn.

Trước đó, hãng nghiên cứu thị trường Statista dự báo doanh thu của thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam dự kiến đạt 1,14 tỷ USD trong năm nay, bất chấp đại dịch. Tính chung giai đoạn 2021 - 2025, thị trường hàng xa xỉ Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 7,2%.

cua-hang-my-pham-envato-1624030019.jpg
Người Việt chi tiền cho các thương hiệu xa xỉ quốc tế tại Việt Nam, trong bối cảnh du lịch quốc tế bị hạn chế.

Nhận xét về những khác biệt khiến ngành bán lẻ cao cấp “ngược dòng” với những ngành bán lẻ khác trước bối cảnh hiện nay. Savills cho rằng, đặc thù của ngành hàng xa xỉ là sự nhạy cảm về giá của người mua là khá thấp. Khách hàng nhóm này sẵn sàng và luôn có khả năng mua dù tương hiệu có thể tăng giá 10% - 20%.

Ngoài ra, thương mại điện tử, các giải pháp công nghệ đang là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp cận, giao dịch với khách hàng. Nhưng công nghệ chỉ đóng vai trò trong quá trình sản xuất, phân phối và truyền thông tiếp thị. Tại các cửa hàng vật lý, giải pháp công nghệ được sử dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm, hỗ trợ khách hàng đưa ra các quyết định mua hàng

Để phát triển dài lâu, ngành hàng xa xỉ cần liên tục xem xét cách tiếp cận các thị trường mục tiêu, hướng tới những đối tượng khách hàng trẻ hơn, đa hạng hóa phân khúc sản phẩm và xây dựng mối quan hệ lâu dài với những khách hàng đó. Việc trở nên quá truyền thống hoặc quá giống một sản phẩm thế hệ cũ có thể xảy ra và gây bất lợi cho ngành hàng này.

Ngoài ra, bán lẻ Việt Nam cũng đang đón nhận bùng nổ của các loại hình giải trí, F&B và e-Sport tại các trung tâm thương mại. Đây là mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới và sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các trung tâm thương mại.

Chiêu An