Nhà phố mặt tiền trung tâm: Giảm giá phân nửa vẫn vắng khách thuê

Phạm Ánh Thúy
Quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP.HCM thêm 14 ngày trong tuần qua của UBND thành phố một lần nữa tăng thêm áp lực giảm giá lên các chủ nhà mặt phố cho thuê.

Dịch bệnh Covid-19 đã giáng những "đòn" mạnh lên tình hình kinh tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nhà phố cho thuê. Và quyết định có thêm 14 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố vào ngày 14/6/2021 vừa qua của UBND TP.HCM đã kéo dài thêm chuỗi ảm đạm của thị trường, đẩy mức giá cho thuê bán lẻ tại TP.HCM tiếp tục giảm sâu. Theo Savills, mặt bằng giá thuê nhà phố mặt tiền tại khu vực trung tâm thành phố đang giảm phổ biến ở mức 20% - 40%.

Ghi nhận thực tế tại khu vực quận 1 với những tuyến đường sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi, giá cho thuê giảm khoảng 20% - 30% so với trước đây. Đây cũng là mức giảm ghi nhận tại khu vực quận 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận.

Chị Phương, chủ mặt bằng cho thuê trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 cho biết đã giảm giá cho thuê xuống 20% và có thể thương lượng thêm nếu khách thuê trong thời gian dài hạn 5 năm. Còn tại tuyến đường Võ Văn Tần, ngoài mức giảm 20%, một số chủ cho thuê còn đồng ý trợ giá 3 tháng đầu đến 50%.

Những vị trí khác trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, chủ nhà phố mặt tiền cam kết giữ nguyên giá trong thời gian cho thuê hoặc hỗ trợ giảm giá khoảng 20% trong các tháng đầu. Một số mặt tiền cho thuê tại quận 10 cũng ưu đãi gần 20% trong các năm đầu và lấy đúng giá trong năm cuối cùng, cho chu kỳ thuê 3 - 5 năm.

Giá giảm sâu, nhưng người thuê vẫn chưa mặn mà. Tỷ lệ lấp đầy của các nhà phố cho thuê tại TP.HCM ngày càng thấp. Dọc các trục đường chính của thành phố nhiều mặt bằng vẫn bỏ trống. Không ít mặt bằng chưa từng mở cửa trong gần 3 tháng. Do có nhiều lựa chọn hơn với mức giá “ưu đãi dịch”, người thuê có xu hướng lựa chọn những căn nhà phố góc trên các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, đẩy tỷ lệ cho thuê các loại căn này tốt hơn các dạng mặt bằng khác.

ban-le-dong-cua-huynh-thuc-khang-tuan-nhu-1623897711.jpg
Loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1.

Bên cạnh xu hướng nhóm doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn phải cắt giảm chi phí mặt bằng, thị trường chứng kiến làn sóng chuyển đổi kênh phân phối, tập trung phát triển thương mại điện tử. Điều này cũng góp phần làm giảm nhu cầu thuê bất động sản bán lẻ. Chủ nhà lo lắng khi nguồn cung sẵn có ngày càng cao hơn so với nhu cầu.

Các chủ cửa hàng từ chỗ "một mình một giá và một tiến độ thanh toán" đã phải "xuống nước" để có khách thuê. Họ chấp nhận không tăng giá thuê trong suốt thời gian thuê, tức là áp dụng mức giá thương thảo ở thời điểm hiện tại cho 3 - 5 năm tới của hợp đồng thuê, thay vì tăng 10% vì trượt giá như trước đây. Thời gian thanh toán cũng linh hoạt hơn, chứ không yêu cầu thanh toán lên đến 6 tháng/lần hoặc một năm/lần.

“Thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng”, bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận xét.

Cũng theo đại diện Savills, không phải tất cả doanh nghiệp đều thu hẹp mặt bằng vì dịch bệnh Covid-19, các ngành hàng như y tế, ngân hàng và các chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong mùa dịch và có xu hướng mở rộng chuỗi. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lựa chọn và chiếm lĩnh các mặt bằng đẹp với mức giá giảm và nhiều ưu đãi đi kèm.

sieu-thi-circle-k-1623842619.jpg
Cửa  hàng tiện lợi là nhóm ngành đang duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong mùa dịch.

Ngược lại, nhóm ngành dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thời trang đang gặp khó khăn và đã phải tính đến thu hẹp diện tích hoặc giảm số lượng cửa hàng nếu kinh doanh theo chuỗi/hệ thống. Để tồn tại và “sống” được, các ngành hàng chịu ảnh hưởng đã chuyển dần sang hình thức kinh doanh trực tuyến, giao hàng tận nơi, gia nhập các sàn thương mại điện tử, giảm nhân sự… Hình thức kinh doanh này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, “chống chịu” dịch bệnh nên ngày càng được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Thống kê với ngành hàng ăn uống, kênh trực tuyến đang chiếm 20% - 16% tổng doanh thu của các cửa hàng.

Dù hiện tại ảm đạm nhưng trong dài hạn, thị trường nhà phố cho thuê được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại. Các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm thành phố cho kế hoạch mở rộng, thâm nhập thị trường Việt Nam. Ngoài ra, lộ trình tiêm vaccine Covid-19 cũng là yếu tố quyết định để thị trường cho thuê nói chung và cho thuê nhà phố nói riêng sớm trở lại bình thường.

Chiêu An