Bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn

Minh Triết
Dù có vai trò quan trọng và liên quan trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế tuy nhiên ngành bất động sản hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tại “Diễn đàn thị trường bất động sản 2024 - Vượt qua thách thức” do Hội Môi giới bất động sản (VARS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định ngành địa ốc vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

111-1701131946.jpg

Dù ngành bất động sản là lĩnh vực có vai trò quan trọng và liên quan trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế. Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của thế giới. Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển, một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Thanh khoản giảm mạnh, thiếu nguồn cung đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.

Doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.

Một trong những biểu hiện khó khăn nổi cộm của thị trường là việc mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm. Phân khúc cao cấp thì dư thừa quá nhiều, trong khi nhà ở phục vụ cho người thu nhập thấp thì lại thiếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Chính phủ rất quan tâm, thông qua cả một chính sách là Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" nhưng vẫn còn gặp nhiều rào cản trong quá trình thực thi.

Từ năm 2021 đến nay, thị trường ghi nhận 470 dự án bao gồm cả dự án đã khởi công lẫn dự án đang triển khai thủ tục chấp thuận đầu tư, tương đương khoảng 402.000 căn hộ. Trong đó có 70 dự án với 36.000 đã hoàn thành; 127 dự án với 125.000 căn hộ đã khởi công; 298 dự án đang chấp thuận chủ trương đầu tư với 250.000 căn. Đối chiếu với mục tiêu đề án đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025 cần phải rất quyết tâm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực thi đề án chưa được như kỳ vọng. Điển hình như những vấn đề liên quan đến quỹ đất; ưu đãi cho chủ đầu tư; lựa chọn chủ đầu tư; đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách…

Trong bối cảnh đó, nhiều các chính sách liên quan mật thiết đến thị trường như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua. Hiện Chính phủ cũng đang trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Với những luật này, Hải kỳ vọng khi có hiệu lực sẽ thực sự là bước thay đổi lớn, tác động mạnh, giúp gia tăng nguồn cung và điều tiết giá nhà đất phù hợp với túi tiền người dân hơn.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã gấp rút rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Cơ quan đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.

Mạc Ngôn