Đăk Nông – vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo
Đăk Nông có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, văn hóa cộng đồng 40 dân tộc đặc biệt phong phú. Do địa hình thung lũng, cao nguyên rải rác có rừng nguyên sinh nên tỉnh được sinh ra với nhiều cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ. Đặc biệt hệ thống hang động núi lửa Krông Nô ở đây là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, với tổng chiều dài hơn 25 km. Ngoài ra, tỉnh còn bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Bên cạnh các thắng cảnh đặc trưng của khu vực miền núi trung du, Đăk Nông còn sở hữu một trong những điểm đến nổi danh quốc tế - khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là một trong những hệ sinh thái phong phú nhất Tây Nguyên với nhiều rừng, hồ, suối, động thực vật. Núi Tà Đùng được xem là dãy núi cao nhất Đăk Nông với độ cao 1982m so với mực nước biển. Ngoài ra, hang động Chư Bluk cũng là điểm gây chú ý khi đến Hồ Tà Đùng. Bởi đây là hang động rất đặc biệt, nó đã được công nhận là hang động núi lửa dài nhất của Đông Nam Á.
Điểm nhấn của Vườn Quốc gia Tà Đùng còn có hồ Tà Đùng, được ví như “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên” với diện tích gần 5.000 ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, nhất là giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ.
Chính vì vẻ đẹp hiếm có và độc nhất do thiên nhiên ban tặng, Tà Đùng đang được rất nhiều nhà đầu tư săn đón với những ý tưởng về các dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Hạ tầng tạo động lực phát triển
Tuy sở hữu tiềm năng phát triển vượt bậc, nhưng trước đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch của Đắk Nông, nhất là đầu tư vào khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do ngân sách địa phương còn hạn hẹp và chưa có đủ nhà đầu tư mạnh vào khu du lịch này.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Đăk Nông đã tập trung nhiều hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch để thu hút các ông lớn đầu tư vào các khu du lịch.
Vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh tới việc ưu tiên phát triển các dự án kết nối hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, lan tỏa.
Trong đó, trọng tâm là kết nối với các khu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch trọng điểm của tỉnh. Tỉnh huy động tối đa nguồn lực, ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức PPP để kết nối hạ tầng giao thông. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 140km. Tỉnh cũng có chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước) nối với tuyến đường sắt xuyên Á xuống cảng Thị Vải (tuyến Đăk Nông - Chơn Thành - Dĩ An - Lộc Ninh đến cảng Thị Vải) phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, nhất là bô xít và các sản phẩm từ ngành công nghiệp alumin, nhôm…
Đơn cử mới đây, tỉnh còn đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp tỉnh lộ 3. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch, kết nối huyện Đắk Mil với huyện Krông Nô, đi qua địa bàn các xã Đắk Sắk, Đức Minh, Long Sơn (Đắk Mil) và Nam Xuân, Đắk Sôr (Krông Nô). Khi hoàn thiện, tuyến đường giao thông trọng điểm sẽ gia tăng tính kết nối giữa Đăk Nông với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực phát triển cho ngành nông nghiệp, thương mại, du lịch lẫn bất động sản tại địa phương.
Du lịch tạo sức bật cho bất động sản
Về kết nối du lịch, tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP. HCM, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để tăng cường mối quan hệ hợp tác, quảng bá xúc tiến du lịch, thúc đẩy du lịch các địa phương cùng phát triển.
Song hành công tác phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, gia tăng mạng lưới du khách, ba năm gần đây, Đắk Nông chú trọng đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư phát triển Tà Đùng. Tuy nhiên, thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, hiện nay, tỉnh đang chú trọng kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên vào hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng.
Cũng nhờ sự chuyển hướng này, hai “ông lớn” Novaland, Sun Group và FLC cũng đã chính thức đặt bước chân đầu tiên vào mảnh đất đại ngàn. Cả hai nhà đầu tư này đã hoàn thiện phần khảo sát và phác thảo quy hoạch.
Trong đó, hồi tháng 4, Liên danh CTCP Đầu tư Đất Tâm và CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông xin chấp thuận chủ trương khảo sát và lập dự án đầu tư Khu phức hợp – Nghỉ dưỡng – Sân Golf Tà Đùng tại khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong và một phần Vườn Quốc gia Tà Đùng với quy mô 3.000 - 6.000 ha. Ngoài ra, Sun Group lần đầu tiên chạm ngõ Tây Nguyên ngay tại vùng đất Tà Đùng có thể coi là tin tích cực nhất của năm 2021 cho tỉnh Đăk Nông.
“Với địa thế của Tà Đùng và định hướng phát triển du lịch bền vững để bảo tồn thiên nhiên của chính quyền địa phương, nơi đây thu hút các ông lớn như Novaland, Sun Group lẫn các nhà đầu tư cá nhân cũng là điều dễ hiểu”, ông Phan Đinh Phúc – chuyên gia bất động sản có bề dày kinh nghiệm nhiều năm tại địa phương nói.
Theo chuyên gia này, đặc trưng của Tà Đùng là quỹ đất có quy hoạch chỉn chu từ địa phương, định hướng phát triển rõ nét và yếu tố pháp lý minh bạch. Do đó, hiện tại các sản phẩm hiện giao dịch tại Tà Đùng đều có diện tích lớn từ vài nghìn m2 cho đến vài hecta, đi cùng tầm nhìn đắt giá nên phù hợp đầu tư khai thác các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.
“Đây là dòng sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư có tài chính khá, từ 4-10 tỷ đồng, kinh nghiệm dày dặn. Các chủ sở hữu đều có nhu cầu phát triển, xây dựng mục đích khai thác du lịch, không có hiện tượng mua đi bán lại hay gằm hàng kiếm lời, tạo giá trị ảo”, ông Phúc đánh giá.