Lâm Đồng cho phép lập quy hoạch dự án làng châu Âu 18.000 ha
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý về nguyên tắc để Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam, Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư ISRAEL tổ chức khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Châu u tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với giám đốc Sở Xây dựng, UBND huyện Di Linh, UBND huyện Lâm Hà và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất đảm bảo quy mô phù hợp và không trùng lấn với dự án đầu tư hoặc đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Trước đó, ngày 3/3/2022, Liên danh các nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chấp thuận giao Liên danh nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu tài trợ quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Châu u.
Cụ thể, dự án có quy mô diện tích dự kiến khoảng 18.000 ha, với địa điểm thực hiện tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà.
Thủ tướng phê duyệt siêu dự án gần 25.000 tỷ đồng tại Vân Đồn, Quảng Ninh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 208/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 24.883 tỷ đồng và được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Địa điểm thực hiện tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án có quy mô khách lưu trú khoảng 3.000 người/ngày và quy mô dân số là 9.800 người. Diện tích thuộc phạm vi dự án là 299,64 ha với diện tích đất liền là 279,54 ha, diện tích khu vực biển khoảng 20,1 ha. Cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm: biệt thự: 236 căn, nhà phố, liền kề: 257 căn, nhà ở chung cư cao tầng: 2.614 căn, nhà ở xã hội 606 căn.
Thời hạn hoạt động của dự án tối đa 70 năm. Tiến độ thực hiện là trong vòng 9 năm, tính từ quý 2/2022 đến hết quý 4/2030.
Tháng 11 khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 27.000 tỷ đồng
Ngày 15/3, tại Hậu Giang, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau cho TP Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được giao thực hiện dự án) cho biết, hiện nay các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư, trình Bộ GTVT phê duyệt trước ngày 31/5. Đồng thời tổ chức cắm cọc GPMB tại hiện trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đề nghị các địa phương đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công cuối tháng 11 và bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng còn lại trong quý II/2023.
Đến nay, công tác lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau đã hoàn thành tổng cộng 36,5 km. Trong đó Cần Thơ là 2,4 km tuyến nối, Hậu Giang 16,5 km, Bạc Liêu 6,3 km, Kiên Giang 5,3 km và Cà Mau 6 km.