Điểm tin bất động sản 21/3: Khởi công VSIP III 1.000 ha; Khởi công Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch

Bảo An
Khởi công VSIP III 1.000 ha; Khởi công Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch.... là các tin tức bất động sản đáng chú ý sáng 21/3.

Khởi công KCN VSIP III - Bình Dương quy mô 1.000 ha

Sáng 19/3, VSIP Group tổ chức lễ khởi công Khu công nghiệp (KCN) VSIP III tại thị xã Tân Uyên. Đây là dự án thứ ba mang của VSIP tại Bình Dương và là dự án thứ 11 của liên doanh tại Việt Nam.

KCN VSIP III có diện tích 1.000 ha và tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án rộng 100 ha.

vsip-iii-binh-duong-1663063520.jpg

Tính đến nay đã có 31 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP III - Bình Dương, tương đương với 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.

Từ KCN VSIP đầu tiên tại TP Thuận An, tổng quỹ đất của VSIP đến nay đã tăng lên gần 10.000 ha, trải dài từ Bình Dương đến các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị và phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.

Sắp khởi công dự án đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch

Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, hiện cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM. Đoạn đường có tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.329 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Về công tác giải phóng mặt bằng , Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, có sự thay đổi về phần kinh phí giải phóng mặt bằng. Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa phận qua TP.HCM tăng từ 149 tỷ lên hơn 1.599 tỷ đồng; qua địa phận tỉnh Đồng Nai tăng từ 475 tỷ lên 651 tỷ đồng.

Vân Đồn cho phép tách thửa đất trở lại

Cổng thông tin điện tử huyện Vân Đồn cho biết, kể từ 17/3, Trung tâm hành chính công của huyện được UBND huyện giao tiếp nhận các hồ sơ đăng ký thủ tục này trên địa bàn.

Theo đó, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa với đất ở nông thôn, đô thị phải đảm bảo điều kiện thửa đất sau khi tách ra thuộc các khu vực theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt là đất ở hiện trạng. Các thửa đất cũng cần đảm bảo đủ điều kiện theo quy định về đất đai, xây dựng và các chỉ đạo có liên quan của UBND tỉnh Quảng Ninh.

van-don-quang-ninh-cho-phep-tach-thua-1663063520.jpg

Trung tâm cũng tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa đất thuộc nhóm đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản trong cùng thửa đất có nhà ở.

FLC đề xuất đầu tư 2 dự án hơn 1.360 ha ở Củ Chi

Tại buổi báo cáo kế hoạch đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi ngày 18/3, Lãnh đạo CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã báo cáo chi tiết về đề xuất nghiên cứu đầu tư hai dự án gồm: Dự án Công viên Sài Gòn Safari (hơn 456 ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910 ha).

Dự án Công viên Sài Gòn Safari tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc khu vực Tây Bắc của TP HCM, cách trung tâm khoảng 40 km. Từ đây có thể kết nối dễ dàng với các tuyến đường quan trọng như TL7, TL15, đường Nguyễn Thị Rành, An Nhơn Tây, Phú Thuận, Đỗ Đăng Tuyển.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án gồm 5 phân khu: Khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.

Bên cạnh đó, nhiều hạng mục tiện ích cao cấp lần đầu xuất hiện tại Củ Chi sẽ được quy hoạch như: Công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, vườn thú mở, khu Safari, công viên nước, khu trò chơi mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao,... phục vụ nhu cầu đa dạng từ vui chơi giải trí đến nghỉ dưỡng sinh thái.