Các tỉnh cạnh tranh, 'săn đón' FDI

Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế lớn với cảng nước sâu Cái Mép, năng lực tiếp nhận 1,8 triệu TEU mỗi năm (thuộc nhóm 20 cảng nước sâu lớn nhất thế giới), cùng với giá thuê trung bình của bất động sản công nghiệp 90 – 100 USD/m2/kỳ hạn thuê, thấp hơn mức giá thuê tại Bình Dương hay Đồng Nai. Ngoài ra, khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành được hoàn thiện trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thêm phí cạnh tranh về logistic rất đáng kể, theo nhận định của Collier.

cang-cai-mep-thi-vai-ba-ria-vung-tau-1642997524.png
Cảng nước sâu Cái Mép có năng lực tiếp nhận 1,8 triệu TEU mỗi năm

Còn tại Bình Dương, ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh này cho biết, tỉnh đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập Khu công nghiệp khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III và Khu công nghiệp Cây Trường sẽ cung cấp thêm 1.700ha đất, các khu công nghiệp khác cũng đang trình hồ sơ mở rộng diện tích. Mục tiêu của năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100-150ha; thu hút 1,2-1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; thu hút từ 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước…

Tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp để làm trụ đỡ cho kinh tế. Đến tháng 01/2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được hơn 2.000 dự án, trong đó, 1.380 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 27,6 tỷ USD và 624 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư gần 68.400 tỷ đồng. Hiện gần 1.800 dự án đã đi vào hoạt động, doanh thu mỗi năm 25 tỷ USD (xuất khẩu chiếm 60%).

Tỉnh Long An được dự báo sẽ đón nhận nhiều hơn nữa vốn FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích gần 3.800ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,6%, hiện còn 306ha đất sạch chưa cho thuê. Có 07 khu công nghiệp khác đang xây dựng, với diện tích 290ha. Long An phấn đấu trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Bắc Ninh, đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 1.716 dự án (trong nước 541 dự án, FDI là 1.175 dự án), với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt trên 22,1 tỷ USD. Riêng trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp đạt 1,245 triệu tỷ đồng, xuất khẩu đạt 38 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút, phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có theo chiều sâu...

Tại Vĩnh Phúc đã thu hút được 1,1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD. Để cạnh tranh, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, như: Áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm với các công ty sản xuất phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.... giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2-4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4-9 năm tiếp theo…

Hiện tại, hầu hết các dự án khu công nghiệp của Việt Nam đều đã được lấp đầy hoặc có diện tích cho thuê hạn chế. theo Cushman & Wakefield cho biết, với những ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, chi phí lao động cạnh tranh, môi trường chính trị ổn định, triển vọng kinh tế tích cực và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, Việt Nam được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

TP.HCM chuẩn bị hơn 300ha đất để hình thành KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ tại hội thảo quốc tế về “Kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” tại TP.HCM, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như: ban hành danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố và các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này phát triển (về mặt bằng, vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu),... để trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ phát triển.

thu-hut-fdi-1642997321.jpg
TP.HCM đang chuẩn bị để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ

Đặc biệt, thông qua các chương trình kích cầu đầu tư, TP.HCM đã huy động được các nguồn lực xã hội (vốn, nhân lực, đất đai, kỹ thuật, công nghệ) cho đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“TP.HCM đã chuẩn bị hơn 300ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả các doanh nghiệp công nghệ cao, làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xứng tầm với vai trò trung tâm kinh tế của thành phố”, ông Hoan nói.

4.900 tỷ vốn đầu tư công trung hạn vào hạ tầng giao thông, tạo lực đẩy cho Phú Yên

Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ cân đối khoảng 4.905 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn để hoàn thành 3 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong đó bao gồm Quốc lộ 25, các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Vinh - Nha Trang và cải tạo cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Thống Nhất.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải khởi công mới 03 dự án qua địa bàn tỉnh gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông các đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong với tổng mức đầu tư hơn 22.899 tỷ đồng và cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Vinh - Nha Trang.