Điểm tin bất động sản 3/1: Khởi động dự án giảm ùn tắc giao thông TPHCM

Lan Anh
5 dự án được khởi động giảm ùn tắc cửa ngõ TP HCM, Đà Nẵng chi 100.000 tỷ đồng đầu tư nhà ở thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc ngày càng tăng cao,... là những tin tức đáng chú ý sáng ngày 3/1.

Khởi động 5 dự án giảm ùn tắc cửa ngõ TP HCM

1. Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Với tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng, ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là công trình lớn nhất, do Tổng công ty hàng không (ACV) làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai sau hai năm Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế công suất 20 triệu lượt khách mỗi năm. Cùng với nhà ga T1 và T2 hiện hữu, ga T3 khi hoàn thành nâng tổng công suất khai thác ở sân bay lên 50 triệu khách, giảm tình trạng ách tắc, quá tải nhiều năm.

phoi-canh-ga-3-san-bay-tan-son-nhat-min-1672714493.jpeg
Dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế công suất 20 triệu lượt khách mỗi năm

2. Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà

Để kết nối đồng bộ với ga T3, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, dài 4 km, ở quận Tân Bình cũng được TP HCM khởi công cuối năm 2022 với kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình nằm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, điểm đầu tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh.

Tuyến có đường chính rộng 25-48 m, 6 làn xe, vận tốc 50 km/h, cùng hai đường nhánh quy mô 3-4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe, ở trước ga T3 của sân bay. Ngoài ra, dự án làm hai hầm chui ở các nút giao, mỗi hầm cho 2 làn xe.

Theo kế hoạch, dự án này hoàn thành tháng 9/2024, ngoài kết nối trực tiếp ga T3 còn tạo trục đường mới tiếp cận sân bay, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn cũng như giảm ùn tắc giao thông cho khu vực, vốn đã quá tải nhiều năm.

3. Dự án cải tạo đường Cộng Hòa

Cũng tại Tân Sơn Nhất, dự án cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long, dài 134m, mở rộng 14-19m phía bên phải tuyến cũng mới được TP HCM triển khai những tháng cuối năm 2022, để đồng bộ hạ tầng cho khu vực sân bay. Dự án này có tổng vốn đầu tư 142 tỷ đồng.

4. Dự án mở rộng quốc lộ 50

Tại cửa ngõ phía Nam, dự án mở rộng quốc lộ 50 được khởi động cuối năm 2022 với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Công trình dài gần 7km, mở rộng lên 34m cho 6 làn xe. Trong đó, hơn 4 km sẽ đường mới song hành quốc lộ 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu. Trên tuyến, hai cầu Bà Lớn và Ông Thìn cũng được xây dựng đồng bộ. TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành dự án cuối năm 2024.

huong-tuyen-du-an-mo-rong-quoc-lo-50-1672714772.jpg
Hướng tuyến dự án mở rộng quốc lộ 50. Nguồn: VnExpress

5. Dự án nút giao An Phú

Phía Đông TP HCM, dự án nút giao An Phú được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Công trình có 3 tầng gồm: hầm chui hai chiều nối tuyến cao tốc qua đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Mặt đất xây đảo, tiểu đảo; trên cao làm hai cầu vượt. Nút giao dự kiến hoàn thành năm 2025, góp phần giảm ùn tắc cho khu vực và đồng bộ với công trình mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Đà Nẵng chi gần 100.000 tỷ đồng đầu tư 75 dự án nhà ở thương mại

Trong giai đoạn 2021-2025, TP. Đà Nẵng sẽ phát triển 75 dự án trên diện tích đất 2.553 ha, với tổng vốn đầu tư là 99.850 tỷ đồng. UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành công văn về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND thành phố thống nhất kế hoạch phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 với 75 dự án trên diện tích đất 2.553 ha gồm: 67.035 căn nhà ở, diện tích sàn nhà ở hơn 8,26 triệu m2. Tổng vốn đầu tư các dự án nói trên là 99.850 tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều dự án có quy mô lớn như: Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò (quận Ngũ Hành Sơn) với 4.632 căn hộ chung cư, 1.135 căn nhà biệt thự hoặc liền kề, tổng số vốn đầu tư 8.364 tỷ đồng; khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với 10.427 căn hộ chung cư, 762 căn biệt thự hoặc nhà liền kề, vốn đầu tư 8.409 tỷ đồng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc ngày càng tăng cao

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục trên thực tế đạt tổng cộng 999,98 tỷ nhân dân tệ (khoảng 143,6 tỷ USD) trong năm 2020 và tăng vọt lên 1.150 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.

Trong thời gian từ tháng 1-11/2022, dòng vốn FDI đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước đó lên gần 1.160 tỷ nhân dân tệ, cho thấy Trung Quốc sẽ đảm bảo dòng vốn FDI cao kỷ lục trong một năm nữa.

trung-quoc-mo-cua-1672714652.jpeg
Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư toàn cầu

Theo các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư toàn cầu trong 3 năm qua khi Luật Đầu tư nước ngoài mang tính bước ngoặt mang đến sự đảm bảo mạnh mẽ cho việc mở cửa.

Ngày 1/1/2020, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã thực thi luật quan trọng, bao gồm một bộ luật tiêu chuẩn pháp lý cơ bản và toàn diện dành cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích của họ. Luật có hiệu lực được 3 năm và sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc có thể được thấy rõ qua dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo: VnExpress, Vietnamnet, CafeF

Ngọc Minh