Trungnam Group hé lộ kế hoạch đầu tư tháp đôi cao nhất Việt Nam

Sáng 7/2, tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Trungnam Group đã tổ chức xuất xưởng lô hàng máy tính bảng đầu năm 2022.

Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group Nguyễn Ngọc Thảo cho biết, năm 2022, tập đoàn sẽ đầu tư vào Đà Nẵng hơn 5.000 tỷ đồng. Ông Thảo đề nghị thành phố phê duyệt thiết kế tổng mặt bằng Khu đô thị Golden Hill và vệt 50m để tập đoàn có cơ sở triển khai các công trình trên đất, điển hình là tòa tháp đôi 101 tầng, cao nhất Việt Nam.

2-1644376315.jpg

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố trong thời gian sớm nhất sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai giai đoạn 2 của Khu CNTT tập trung - đây là chủ trương lớn được thành phố đặc biệt quan tâm.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, năm 2022, TP Đà Nẵng sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức, sớm hoàn thành các dự án và triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất đột phá.

Thêm một doanh nghiệp xin bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm

Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết trong chiều 8/2, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan trong đó có Cục thuế thành phố về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9. Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.

Công ty Bình Minh trước giờ khá kín tiếng. Doanh nghiệp này vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.

Theo ông Lê Duy Minh, đến chiều 8/2, hệ thống quản lý của cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Căn hộ giá từ 8,5 triệu đồng một m2 tại Bắc Ninh

Tổng công ty Viglacera vừa khởi công 2.000 căn hộ thuộc Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Doanh nghiệp cho biết, dự án gồm nhiều loại căn hộ 1-3 phòng ngủ, trong đó, diện tích căn 1 phòng ngủ là 26,5 m2, căn 2 phòng ngủ là 54 m2 và 67,4 m2 với căn 3 phòng ngủ.

3-1644376368.jpg

Sảnh, hành lang, thang máy của dự án sẽ được lắp hệ thống camera an ninh, hệ thống loa thông báo, hệ thống thang máy sử dụng thẻ từ điều khiển. Dự án cũng được đồng bộ các tiện ích như khu thiết chế văn hoá (gồm trung tâm y tế, văn hóa, nhà trẻ, sân thể thao ngoài trời), siêu thị...

Số căn hộ giá rẻ này dự kiến phục vụ khoảng 10.000 người lao động. Theo Viglacera, việc xây dựng loại hình nhà ở nói trên sẽ tăng tính hấp dẫn cho các khu công nghiệp mà Viglacera đầu tư. Hiện doanh nghiệp này có 12 khu công nghiệp với 4.000 ha đất cho thuê. Riêng tại Bắc Ninh, Viglacera có 5 khu công nghiệp.

Hơn 170.000 lô đất nền được sang tay trong năm qua

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, năm 2021 là năm có nhiều khó khăn của kinh tế Việt Nam với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng,... 

Theo đó, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2020 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.

Về lượng giao dịch, cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch. Năm vừa qua có 170.465 lô đất nền được giao dịch, riêng tại TP Hà Nội có 10.875 giao dịch thành công, tại TP HCM có khoảng 14.443 giao dịch thành công.

Lượng giao giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giảm nhẹ so với năm 2020 nhưng riêng quý III ghi nhận giảm mạnh. Đáng chú ý, lượng giao dịch đất nền tăng mạnh tại các thời điểm cuối quý I, đầu quý II và tháng cuối năm 2021.