Điểm tin bất động sản 19/7: Đề xuất chuyển đổi sân bay Cam Ly thành đất dân dụng, sẽ công khai dự án đã thế chấp ngân hàng

Phạm Ánh Thúy
Toàn bộ diện tích sân bay Cam Ly cũ đang được đề xuất chuyển đổi thành đất dân dụng, TP.HCM yêu cầu công khai danh sách các dự án bất động sản đã thế chấp ngân hàng... là những tin tức nổi bật hôm nay.

Lâm Đồng: Đề xuất chuyển đổi sân bay Cam Ly thành đất dân dụng

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản kiến nghị UBND cho phép chuyển toàn bộ diện tích đất sân bay Cam Ly thành đất dân dụng. Sở cũng xin điều chỉnh một số khu vực được quy hoạch là đất cây xanh nhưng không phù hợp với hiện trạng hoặc không khả thi khi triển khai thực hiện; để phát triển quỹ đất tạo nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị Đà Lạt và các đô thị vệ tinh.

cl1-1626668200.jpeg
Đường băng sân bay Cam Ly. Nguồn: Kinh nghiệm đi tour

Sân bay Cam Ly (hiện đã dừng hoạt động) tọa lạc tại Cam Ly, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Sân bay này có diện tích khoảng 50ha với đường băng dài gần 1.400m. Khu vực này đang do Trung đoàn 937 và UBND phường 5, TP. Đà Lạt phối hợp quản lý.

TP.HCM: Công khai các dự án bất động sản đã thế chấp ngân hàng

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận huyện tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.

Đáng chú ý, thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về vấn đề pháp lý, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.

chung-cu-kenton-nope-khoan-do-1623239558.jpg
Các dự án đã thế chấp ngân hàng sẽ bị công khai để người mua nắm thông tin.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm xây dựng, không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.

Thu nhập suy giảm, người dân không mặn mà gửi ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 4,98 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 2,05% so với cuối năm 2020. Đây được xem là diễn biến bất ngờ của thị trường, bởi tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu ở trạng thái tăng trưởng âm trong nửa đầu năm suốt từ năm 2012 đến nay.

Trong khi đó, tổng số tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng ở mức 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020 - mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiền gửi tiết kiệm của người dân thấp đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến thu nhập người dân suy giảm. Bên cạnh đó, mức lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục cũng khiến người dân không mặn mà với kênh tiết kiệm này.

Cần hơn 11.500 tỷ đồng để mở rộng 24km cao tốc TP.HCM - Dầu Giây

Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ cần hơn 11.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với phương án trước đó do tăng chi phí xây lắp và giải phóng mặt bằng.

Trong đó, phần xây lắp tại dự án ước tính hơn 8.300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 400 tỷ đồng. Còn lại gần 2.800 tỷ đồng gồm các chi phí dự phòng, tư vấn, quản lý dự án... Dự kiến, dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

28165342-cao-toc-long-thanh-dau-giay1-1626668382.jpeg
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đề xuất mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, vận tốc 100 - 120km/h với đoạn dài 24km, nối từ cầu Bà Dạt (TP. Thủ Đức) đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Long Thành, Đồng Nai).

TP.HCM: Hàng trăm khách sạn tham gia hỗ trợ chống dịch

Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM cập nhật đến tối qua (18/7), thành phố có hơn 20 khách sạn miễn phí 100% chỗ lưu trú và ăn uống với khoảng 50.000 đêm phòng cho lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chóng dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, có gần 100 khách sạn hỗ trợ miễn phí hoặc giảm giá 30% - 70% cho một số người nhập cảnh, người cách ly F1 không đủ chi phí, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là khi có sự thay đổi chính sách cách ly từ 14 lên 21 ngày. Nhiều khách sạn đang vận hành mô hình "khách sạn cộng đồng" cho người khó khăn, có hoàn cảnh cơ nhỡ, không về quê được…

Các doanh nghiệp du lịch cũng đã hỗ trợ hàng trăm xe tham gia chuyên chở đội ngũ y - bác sĩ, vận chuyển vaccine cho chiến dịch tiêm chủng và hỗ trợ xe vận chuyển F0, F1 đến các địa điểm cách ly.

T.H