Điểm tin bất động sản 18/1: Hơn 289.000 tỷ trái phiếu đáo hạn trong năm 2023

Lan Anh
Hơn 289.000 tỷ trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, Phát Đạt mua thêm gần 900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn,... là những tin tức đáng chú ý sáng ngày 18/1.

Hơn 289.000 tỷ đồng trái phiếu đạo hạn năm 2023

Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho thấy trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước, chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỷ đồng, giảm 65%, chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành.

Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2021, số lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã sụt giảm gần 76%. Năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó lượng trái phiếu bất động sản là hơn 119.000 tỷ đồng.

trai-phieu-bat-dong-san-min-1674009413.jpeg
Năm 2023, thị trường trái phiếu dự kiến có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn

Đáng chú ý, theo VBMA, trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu đến hạn. Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.

Phát Đạt mua thêm gần 900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Ngày 17/1, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông báo tất toán 5 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 893,4 tỷ đồng.

Các lô trái phiếu được tất toán sát Tết Quý Mão bao gồm các đợt trái phiếu lần 1, 3, 6, 7 năm 2021 và lần 1-2022, đều được mua lại trước thời hạn một năm trở lên. Năm lô trái phiếu này lần lượt có giá trị 400; 65; 135; 143,3 và 150,1 tỷ đồng, tổng giá trị 893,4 tỷ đồng. Trước đây, các lô trái phiếu này được đảm bảo bởi cổ phiếu PDR của bên liên quan.

cong-ty-phat-dat-pdr-mua-lai-trai-phieu-1674009632.jpg
Ngày 17/1, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông báo tất toán 5 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 893,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán vào tháng 11/2022, khi đó thị giá cổ phiếu PDR sụt giảm mạnh, doanh nghiệp đã thu xếp bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này bằng quyền sở hữu và quyền khai thác tài sản thuộc dự án chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận 3, TP HCM. Dự án thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba là Công ty CP Đầu Tư TM DV AKYN, bên liên quan của Chủ tịch PDR, ông Nguyễn Văn Đạt.

Doanh nghiệp giải thích tất toán trước hạn các lô trái phiếu với 2 mục đích. Thứ nhất là đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với các nhà đầu tư trái phiếu. Thứ hai là động thái để chủ đầu tư bắt tay vào phát triển dự án chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám. Đây là dự án có vị trí đắc địa tại trung tâm quận 3, TP HCM, dự kiến có thể mang lại nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Lắp đèn giao thông ở nút giao trước chợ Bến Thành

Sau 6 năm trưng dụng làm Metro số 1, nút giao trước chợ Bến Thành, quận 1, được tổ chức giao thông theo dạng ngã tư, có đèn tín hiệu thay vì vòng xoay như trước.

Trước đó theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, khu vực này được tính toán hình thành quảng trường lớn trước chợ Bến Thành và bố trí nhiều mảng xanh, nơi đặt tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang. Giao thông từ đường Trần Hưng Đạo qua Lê Lợi giữ một phần hướng tuyến như cũ để kết nối vào trung tâm. Phương án đèn giao thông được xem là giải pháp tạm thời ở nút giao. Giai đoạn sau, khu vực sẽ được hoàn thiện theo quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trưởng trước chợ và các dự án khác xung quanh như công viên 23/9, đường Lê Lợi...

nut-giao-cho-ben-thanh-min-1674009303.jpeg
Nút giao trước cổng chợ Bến Thành. Nguồn: VNExpress

Phương án trên vừa được Sở Giao thông Vận tải thành phố triển khai, sau khi hoàn tất lắp đặt biển báo, sơn kẻ đường, chiếu sáng, cùng hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đây là khu vực nằm phía trên ga ngầm Bến Thành của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được Ban quản lý dự án đường sắt đô thị (chủ đầu tư) bàn giao thành phố sau khi tái lập mặt bằng.

Theo đó, nút giao trước khu chợ được tổ chức theo dạng ngã tư, trong đó hai tuyến đường cắt qua qua gồm: Phạm Ngũ Lão (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Thị Nghĩa) và Yersin (từ Trần Hưng Đạo đến Phạm Ngũ Lão) cho xe chạy hai chiều, cấm đỗ. Các tuyến xung quanh như Lê Lợi, Lê Lai... xe vẫn chạy bình thường.

Trung Quốc sắp chi 24 tỷ USD giải cứu doanh nghiệp bất động sản

Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà quản lý tài chính và công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc China Huarong Asset Management Co. dự kiến đưa ra chương trình hỗ trợ tái cấp vốn với tổng giá trị lên tới 160 tỷ Nhân dân tệ (24 tỷ USD) cho các nhà phát triển bất động sản chất lượng cao trong quý 1/2023.

Theo chính sách trên, thay vì hỗ trợ toàn ngành bất động sản, Trung Quốc hiện chủ yếu hỗ trợ các công ty mạnh trên thị trường.

Bloomberg cũng cho biết Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc (FSDC) đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán hỗ trợ củng cố bảng cân đối kế toán của các công ty phát triển bất động sản quan trọng và không gặp vấn đề về kiểm toán cũng như chưa từng có vi phạm nghiêm trọng.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc, nhà băng lớn nhất nước này, ngày 16/1 đồng ý cấp khoản tín dụng với tổng giá trị 240 tỷ Nhân dân tệ cho 16 công ty phát triển bất động sản, trong đó có CIFI Holdings Group. Cùng ngày, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhà băng lớn thứ hai, cũng thông báo kế hoạch thành lập một quỹ trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ hợp tác cùng công ty phát triển bất động sản China Vanke Co. để tập trung vào các dự án nhà cho thuê.

Ngọc Minh