Doanh nghiệp châu Âu kêu gọi Việt Nam đẩy nhanh tiêm vaccine

Phạm Ánh Thúy
Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu muốn tự chi tiền để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên của họ, đồng thời kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine đại trà.

Trước bối cảnh Việt Nam đang bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp thành viên về cách thức mà khu vực tư nhân có thể hỗ trợ chương trình tiêm chủng của Chính phủ, đồng thời, khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiệp hội khẳng định ủng hộ mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là tiêm chủng cho 75% dân số và cho rằng đây là hành động cần thiết nhằm khai thông thương mại và đầu tư quốc tế, yếu tố vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

vaccine-covid-19-1622175704.jpg
Ảnh minh họa.

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham đánh giá cao những biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam trong giai đoạn đầu dịch như nhanh chóng đóng cửa biên giới, các ly nghiêm ngặt và giãn cách xã hội tại các tỉnh thành. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu thế giới trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, đồng thời duy trì các hoạt động kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, vị này cho rằng đây không phải là một biện pháp lâu dài mà không làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

“Trong khi biên giới của Việt Nam bị đóng, các quốc gia khác đã và đang triển khai tiêm chủng và dần mở cửa lại với thế giới. Vì vậy, hiện nay có một nguy cơ thực sự là Việt Nam có thể bị tụt hậu nếu không triển khai chương trình tiêm chủng đại trà với tốc độ nhanh và quy mô lớn”, chủ tịch EuroCham nhận định.

ong-alain-cany-chu-tich-eurocham-1622172150.jpg

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham. Ảnh: Eurocham

Đặc biệt, các doanh nghiệp từ châu Âu kêu gọi Chính phủ khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân bằng cách cho phép các công ty tự bỏ ra chi phí để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên của họ. Theo khảo sát của Eurocham, cứ 5 lãnh đạo được hỏi thì có 4 người đồng ý rằng các doanh nghiệp nên có khả năng tham gia hỗ trợ để nhân viên của họ được tiêm chủng. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của Chính phủ.

Lãnh đạo các doanh nghiệp từ châu Âu cho biết sẵn sàng cung cấp các thiết bị hàng đầu trên thế giới và cả chuyên môn quốc tế cần thiết nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng hàng loạt thành công. Do đó, lộ trình phục hồi của Việt Nam nên khai thác sự đóng góp của các doanh nghiệp châu Âu và hối thúc việc hành động ngay.

Các thành viên EuroCham cũng khuyến khích Chính phủ nới lỏng các quy định về cách ly đối với các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đã được tiêm phòng tại nước sở tại. Cụ thể, hơn 2/3 lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện khảo sát (70%) cho biết, công ty của họ phải đối mặt với nhiều trở ngại đối với các quy định hiện tại. Trong khi đó, 79% cho rằng quy định thời gian cách ly 3 tuần sẽ dẫn đến việc có ít chuyên gia đến Việt Nam làm việc hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động kinh doanh của các công ty phụ thuộc vào những vị trí kỹ thuật thiết yếu. 81% thành viên EuroCham tin rằng Chính phủ nên giảm các quy định về cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài và gia đình đã được tiêm chủng xuống còn tối đa một tuần và đơn giản hóa các thủ tục.

Cũng trong thông báo này, TS. Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, tiến độ tiêm chủng có tính quyết định đối với sự phục hồi kinh tế tại Đức. Tại quốc gia này, những người đã được tiêm vaccine không cần phải cách ly hay xét nghiệm thường xuyên. Ông khuyến khích Việt Nam làm mọi cách để đẩy nhanh hơn nữa các chương trình tiêm chủng.

Tâm An