Đà tăng bất động sản chưa ‘giảm phanh’

Hoàng Vy
Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia, giá bất động sản ghi nhận mức tăng khá nhanh trong quý I/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở các quý tới.

Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản cho thấy, trong quý I/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá tại tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu trong tháng 3 và quý I/2022 đều tăng khá cao ở nhiều loại hình.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền tăng 2,85%. Tương tự, tại TP HCM, con số tỷ lệ cũng tăng lần lượt là 2,48% với giá căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ tăng 2% và và đất nền đắt hơn 3,6%. 

Trong đó, căn hộ bình dân (từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2), hầu như không có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại khu vực trung tâm, chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm. Căn hộ chung cư trung cấp (khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) đến từ các căn hộ phân khúc trung cấp. Căn hộ cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2), ghi nhận một số dự án có vị trí trung tâm HN và TP HCM có mức giá cao từ 100 triệu đồng/m2 như: Thảo Điền Green tại Quận 2, TP HCM khoảng 100 triệu đồng/m2, Empire City, The Monarch khoảng 200 triệu đồng/m2,...

gia-bat-dong-san-min-1651630601.jpeg
Tại khu vực trung tâm thành phố hầu như không có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 

Tổng hợp cho thấy, giá căn hộ tại các địa phương đều có xu hướng tăng, bình quân tăng khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TP HCM, tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021. Báo cáo cũng cho thấy các dự án hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau bởi hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ.

Về giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước). Sang cuối tháng 3/2022 tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi ghi nhận mức giá tăng 15 - 20% so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng “sốt đất” khiến giá đất nền tăng cao nhưng không bền vững.

Ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề, thị trường có xu hướng chậm lại. So với quý IV/2021, tình hoạt động của phân khúc này đã hồi phục khi thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Lượng giao dịch vẫn tăng theo quý nhưng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Nhà liền kề và nhà phố là hai sản phẩm có mức tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường với giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay (từ quý III/2021).

Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Vietnam cho biết áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang, nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận xét, bất động sản có mối tương quan với lạm phát. Khi lạm phát tăng cao thì bất động sản cũng sẽ tăng theo và được coi nhà đầu tư là kênh trú ẩn an toàn. Bất động sản trở thành tài sản có giá trị tích lũy và tăng trưởng lâu dài. Theo ông Tuấn, giá bất động sản chỉ tăng tương quan với lạm phát trong bối cảnh lạm phát Việt Nam tiến dần tới lạm phát mục tiêu. Nếu vượt con số này thì lãi suất cho vay sẽ tăng cao, từ đó tác động ngược tới thị trường, ảnh hưởng tiêu cực lên những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính.

Ngoài ra, gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng rót vào kết cấu hạ tầng sẽ càng hỗ trợ sức hấp dẫn cho kênh đầu tư bất động sản. Với phân khúc căn hộ, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh buộc các các chủ đầu tư phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận, chưa kể một loạt yếu tố khác như giá nhân công tăng, thủ tục cấp phép kéo dài… cũng tác động lên giá bất động sản.