Sau tết, khách bận du xuân, giới bất động sản "thong thả"

Bảo An
Hơn một tuần sau kỳ nghỉ Tết chính thức, nhiều môi giới vẫn chưa hoạt động hết công suất, các kế hoạch bán hàng cũng chỉ tập trung từ quý II/2022.

Sáng 14/2, Hoàng An – trưởng phòng kinh doanh tại một sàn môi giới tại quận 2, TP HCM vừa đón chuyến bay từ Quảng Nam để trở lại thành phố làm việc. Công ty của anh chỉ vừa mới khai trương vào mùng 12.

“Chủ yếu là các hoạt động cúng kiến theo nghi thức, chứ cũng chưa có công việc gì nhiều. Các bạn môi giới chủ yếu hoàn thiện giấy tờ cho khách đã ký cọc trước Tết chứ giờ này bán cũng không ai mua, khách còn bận du xuân, thăm chùa”, Hoàng An cho biết.

Thanh Hương – đồng nghiệp của An trong mảng môi giới cho thuê thương mại cũng chia sẻ tương tự, suốt một tuần qua cô chỉ dẫn 3 khách xem mặt bằng, công xưởng nhưng chủ yếu là các khách đã hẹn trước Tết. Nên thường cô chỉ vào công ty buổi sáng, buổi chiều lại về nhà sớm.

Theo nhận định của Hương, tình trạng này sẽ còn diễn ra ít nhất đến giữa tháng 3. Đầu năm giao dịch chậm là đặc thù của mảng cho thuê thương mại nói riêng cũng như bất động sản nói chung. Bởi hầu hết các chủ doanh nghiệp đều muốn khai trương văn phòng, nhà xưởng, hàng quán mới ngay sau Tết, hoặc đối với các nhà đầu tư thì cuối năm luôn là giai đoạn rủng rỉnh tiền bạc. Do đó, hầu như các giao dịch quan trọng đã được thực hiện trong quý IV và giai đoạn đầu tháng 1.

“Những khách đi xem giai đoạn này chủ yếu là các kế hoạch không quá gấp, và họ cũng có dư dả thời gian nghiên cứu nên thường quyết định chậm”, Hương nói.

Do thị trường “trầm lắng”, nên Hoàng An hay Hương cũng không quá bận rộn. Tạm gác lại các hoạt động như chạy quảng cáo, giới thiệu bán hàng, cả hai đều tranh thủ giai đoạn này để thực hiện các kế hoạch cá nhân, nâng cao kỹ năng. Hoàng An dự tính cuối tuần sẽ dẫn cả đội đi một tour Tây Nguyên để tìm hiểu thêm về thị trường nơi đây, chuẩn bị cho kế hoạch mở bán của công ty vào tháng 4. Trong khi đó, Thanh Hương đăng ký tham gia khóa học tiếng Nhật cấp tốc vào buổi tối. Cô kỳ vọng hai tháng tới có thể giao tiếp cơ bản, từ đó tạo thêm mở rộng tệp khách hàng quốc tế.

hinh-11-09022022105047-custom-1644827636.jpg

Theo một chuyên gia bất động sản, vẫn như mọi năm, thời điểm quý I luôn là giai đoạn thể hiện hai chiều đối lập của thị trường bất động sản. Trước Tết, thị trường gần như sôi sục, các hoạt động giao dịch diễn ra sôi nổi. Sau Tết, cả người bán lẫn người mua đều có tâm lý chờ đợi, quan sát, nghiên cứu trước khi định giá hay xuống tiền tại bất cứ dự án nào.
Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 1/2022 của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, lượng tin đăng bán và nhu cầu tìm mua nhà đất trong tháng đầu tiên của năm 2022 có xu hướng giảm mạnh dưới ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết âm lịch.

Tổng lượng tin rao bán toàn thị trường trong tháng 1/2022 giảm đến 38% so với tháng 12/2021. Cũng theo báo cáo này, nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà đất thời điểm tháng 1/2022 cũng giảm mạnh so với tháng 12/2021. Nhu cầu tìm kiếm nhà đất trên cả nước giảm đến 24%, đất nền, căn hộ và nhà riêng lần lượt có tỷ lệ quan tâm giảm 24-26%. Một số sản phẩm khác như đất nền dự án, nhà mặt phố cũng ghi nhận giao dịch giảm rõ rệt.

Tuy vậy, chuyên gia thị trường trong quý I sẽ hoạt động rô-đa, nhưng sau đó đến quý II thì nhiều cú bứt tốc sẽ diễn ra. Thị trường sẽ thực sự trở lại bùng nổ từ quý II/2021 khi các doanh nghiệp chính thức triển khai các hoạt động ra mắt sản phẩm. Đặc biệt là các ông lớn đổ tiền vào các chiến dịch truyền thông, tung hàng nghìn ôi giưới ra bán hàng càng sẽ khiến thị trường trở nên sôi sục.

“Nhất là khi tình hình Covid-19 đã tạm ổn định và các chuyến bay quốc tế trở lại thường xuyên, tôi tin thị trường bất động sản từ quý II sẽ có những bước tăng trưởng đột biến”, chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc trang Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cũng dự báo rằng thị trường sẽ sôi động trong tháng các tháng còn lại của quý 1/2022 và và bùng nổ mạnh mẽ vào đầu quý 2/2022. Các kế hoạch ra hàng cùng thông tin tích cực về hạ tầng, nguồn cung, chính sách mới điều chỉnh… đang thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam. Các yếu tố đó bao gồm:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5%, tăng trưởng tổng mức bán lẻ có thể sẽ tăng mạnh, đạt đến 5% trong 2022.

Thứ hai, ngành du lịch sẽ sớm mở của đón khách trở lại. Tăng trưởng du lịch sẽ rõ ràng hơn sau Tết Nguyên đán với triển vọng lớn cho ngành du lịch Việt Nam khi nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người tiêu dùng đang tăng đột biến.

Thứ ba, dựa vào việc đẩy mạnh các khoản chi tiêu "bù đắp" cho cơ sở hạ tầng và nhờ vào quy định Nhà nước đối với mảng phát triển bất động sản dự tính sẽ được nới lỏng, tăng trưởng hoạt động xây dựng sẽ đạt 8% trong năm 2022.