Nằm tại vị trí giáp ranh giữa TP Thủ Đức và Bình Dương, khu vực phường An Bình thuộc TP Dĩ An vốn nhộn nhịp dân sinh. Nhóm công dân tại các khu công nghiệp kề cận khiến hoạt động mua bán, giao thương luôn diễn ra sôi nổi. Khu vực này cũng là điểm tọa lạc của hàng loạt các dự án căn hộ từ các chủ đầu tư danh tiếng như Nam Long, Đất Xanh, Him Lam, Phú Đông… do vị trí giao thoa hai thành phố, quỹ đất rộng lớn, lại gần chợ và trường học.
Thế nhưng, từ đầu tháng 7, khu vực này trở nên vắng lặng, các cửa hàng ăn uống đóng kín còn các con phố thì thưa người bởi ảnh hưởng dịch bệnh cũng như lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Các tòa nhà căn hộ ở khu vực cũng dần xuất hiện các ca nhiễm F0, kéo theo là hàng tá F1, F2 cách ly. Còi xe cấp cứu vang vọng trở thành âm thanh quen thuộc. Ở các group chat cộng đồng cư dân, không thiếu vắng những lời động viện, nhắc nhở nhau ở nhà, hạn chế tiếp xúc. Tuy vậy, điều đó cũng không thể chống lại những nỗi trăn trở, hoang mang của các cư dân, không biết khi nào đến lượt mình.
Thành lập ‘bệnh viện dã chiến’ tại gia
Chính nỗi hoang mang của cư dân trong cùng khu căn hộ đã thôi thúc anh Lê Hồng Thiện – bác sĩ CK1 nhi khoa, cư dân Phú Đông Premier lên kế hoạch phòng bị tại nơi mình sống. Là bác sĩ tham gia vào tuyến đầu chống dịch suốt 4 tuần tháng 6, hơn ai hết anh Thiện thấu hiểu cảm giác đại dịch đã chia cắt các gia đình ra sao.
“Tôi cùng đồng đội chữa trị rất nhiều ca bệnh, mà trong đó không thiếu cảnh vợ mất chồng, con nhỏ xa bố mẹ, hay hình ảnh sản phụ một thân một mình vượt cạn, đứa trẻ chào đời xung quanh các bác sĩ bận kín đồ bảo hộ cũng không khỏi khiến anh trăn trở”, anh Thiện tâm sự. “Có ly tán, ta mới thấy đoàn tụ gia đình là một điều gì đó rất quý giá. Dù chỉ là căn hộ vài chục m2 nhưng chỉ cần ở bên gia đình, con cái được quây quần bên cha mẹ đã là hạnh phúc”.
Bên cạnh đồng hành của Ban quản lý trong công tác bảo vệ, vệ sinh, là người có kiến thức về y tế, anh Thiện hy vọng bản thân cũng có thể sẽ có thể hỗ trợ cư dân nắm rõ kiến thức cần thiết để ứng phó với mọi trường hợp.
Trước mắt, anh Thiện cùng một số tình nguyện viên tại căn hộ đã tổ chức buổi chia sẻ trực tuyến để giải đáp các thắc mắc về bệnh. Trong hai ngày đăng ký, số lượng tham gia lên đến hơn 100 người. Mục tiêu của buổi chia sẻ, theo anh Thiện là, giải đáp các thắc mắc về phòng chống dịch bệnh cho mỗi cá nhân. Còn xa hơn, anh hy vọng mình có thể thành lập được một đội “dã chiến” ngay tại chung cư để tác chiến trong những tình thế cấp bách khi chưa đội ngũ y tế đang quá tải. Điều này sẽ cần sự chung tay tình nguyện của nhiều cư dân khác.
“Tôi cũng chuẩn bị đủ lượng thuốc đủ trong trường hợp có 50 ca nghi nhiễm. Bên cạnh đó các dụng cụ như ống nghe, phần mềm quản lý cũng chuẩn bị sẵn sàng. Tôi có 3 tuần ở tại nhà trước khi lên đường chống dịch tiếp, nên sẽ dành toàn bộ cho nơi mình sinh sống”, anh Thiện cho biết.
Đùm bọc trong đại dịch
Không chỉ tại Phú Đông Premier, các đội y tế hoặc tình nguyện trong cũng đang hình thành tại các dự án chung cư trong bối cảnh đội ngũ đang phải ứng phó với số ca nhiễm tăng nhanh.
Việc hình thành các đội ngũ này, đặc biệt là tại các dự án chung cư với hàng trăm hộ gia đình cùng sinh sống, là hoàn toàn cần thiết. Thứ nhất, có thể hỗ trợ cư dân kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh dịch bệnh. Thứ hai, nhanh chóng xử lý kịp thời đối với cư dân có dấu hiệu nghi nhiễm như ho, sốt. Thứ ba, kiến thức và kinh nghiệm thực chiến của đội ngũ này sẽ hỗ trợ ban quản lý tốt trong việc phân luồng trong chung cư, tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo nếu có F0 trong tòa nhà.
Chị Trinh Phan - cư dân dự án Lexington Residences (TP Thủ Đức) cho biết, tại chung cư của chị cũng đã hình thành đội phản ứng nhanh hỗ trợ tư vấn y tế. Đội hình này là sự kết hợp giữa ban quản trị và các cư dân có kiến thức, chuyên ngành về y tế. “Nhiều chung cư có dịch nên chúng tôi cũng rất lo. May có đội phản ứng này mà những thắc mắc của cư dân cũng được giải đáp”, chị Trinh cho biết.
Anh Thanh Hải - cư dân căn hộ The Era Town (quận 7, TP HCM) cũng tán thành việc các cư dân đã nhanh chóng thành lập group Facebook dành riêng để chia sẻ các thông tin dịch bệnh, cũng như hỗ trợ các vấn đề trong thời gian dịch bệnh, tránh khỏi những thông tin sai lệch. “Lúc này cần nhất là sự đùm bọc lẫn nhau giữa cư dân với cư dân”, anh Hải nói.
Còn theo chị Hà Thanh - cư dân Ehome 5 (quận 7, TP HCM) cho biết, bên cạnh đội ngũ y tế, thì các anh em bảo vệ, lao công túc trực tại dự án cũng quan trọng không kém. Họ cũng là những chiến sĩ âm thầm đảm bảo sự thuận tiện cho cư dân trong suốt thời gian cách ly. Nhờ họ mà cư dân vẫn có thể yên tâm cách ly vẫn có người nhận đồ tiếp tế, đi chợ hộ, mua thuốc hộ…
Trong tuần vừa rồi, chị Hà Thanh vừa kêu gọi hơn 50 triệu đồng quyên góp từ cư dân Ehome 5 để san sẻ với đội ngũ này. Ngoài khoản tiền mặt trao trực tiếp, chị Hà Thanh còn mua thêm đồ bảo hộ, kính che mặt để các anh em bảo vệ an toàn hơn trong suốt quá trình làm việc.
Trong lời kêu gọi trên Facebook, chị viết: “Chúng ta đang cùng giãn cách để thực hiện theo Chỉ thị 16 của TP. Tuy là có bức bối, có khó chịu vì không thể tự do nhưng cũng tại đây cũng đang có những anh chị em ở đội ban quản lý, bảo vệ và lao công đã ở lại chung cư nhiều ngày, không thể về nhà, không thể ở bên gia đình để chăm sóc người thân của họ. Do đó, mình rất hy vọng cả chung cư có thể cùng trích ra một khoản ngân sách gì đó, mỗi người một ít, tùy theo khả năng các anh, chị, em có thêm động lực, thêm chút ấm lòng giữa hoàn cảnh này.