Drama trên group chat zalo chung cư 

Đặc trưng của các chung cư hiện đại là luôn có group chat để cư dân trao đổi, bàn luận và mua bán. Phổ biến nhất là Zalo vì gần như già trẻ lớn bé hay người ít dùng công nghệ cũng có thể dùng được. Ngoài ra còn có group Facebook để mọi người post các tin quảng cáo, trao đổi.

Tích cực thì cũng có, cư dân hướng dẫn nhau, chia sẻ cho nhau thông tin. Nhưng group tụ hội hàng trăm hộ gia đình thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đặc biệt là không thiếu món ăn khá thú vị: drama giữa các “hàng xóm”.

nhom-chat-chung-cu-1626026638.jpg
Bên cạnh việc cung cấp thông tin, các group chat chung cư là nơi diễn ra các màn "phím chiến" không hồi kết.

Anh Đăng Tuấn, chung cư tại TP Dĩ An cho hay, chuyện cự cãi nhau hay chuyện bé xé ra to là điều dễ thấy. Tranh chỗ để xe, tố nhà kia nuôi thú cưng, chụp hình nhà đối diện phơi ‘đồ nhỏ’ ở ban công… đều có thể là mồi lửa cho những trận ‘phím chiến’ trên mạng. 

“Còn có chuyện cư dân… chia phe. Một bên bênh vực ban quản lý, bên còn lại thì gay gắt. Dẫn đến những màn tranh luận không hồi kết, rồi dẫn đến gọi nhau bằng những từ ngữ khó nghe”, anh Tuấn kể và còn cho biết anh luôn đặt group Zalo ở trạng thái im lặng toàn thời gian. Cần thiết mới vào để cập nhật thông tin.

Tiếng ồn “lạ", tiếng ồn “quen" 

Chị Minh Hương, sống tại một chung cư ở Bình Tân cho hay “cứ tưởng lên chung cư thì sẽ yên tĩnh hơn, ai ngờ hàng xóm đối diện căn của tôi sống chung với đại gia đình chừng 6 người trong đó có 3 đứa trẻ. Nhà họ lại thích mở cửa, thế là tiếng trẻ con la hét chạy nhảy suốt ngày “văng" sang nhà tôi đến nhức đầu". 

tieng-on-chung-cu-1626027237.jpg
"Ô nhiễm" âm thành luôn là vấn nạn lớn ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của cư dân

Nhiều người đồng ý rằng các tiếng ồn như khoan đục, sửa nhà; tiếng kéo bàn ghế của căn hộ bên trên chỉ ai sống chung cư mới hiểu được chúng khó chịu đến dường nào. Ngoài ra, tiếng báo cháy khi diễn tập hoặc báo cháy thật vào ban đêm đều khiến cư dân bất an. 

Tiếng ồn “đáng sợ” nhất khi sống ở chung cư có lẽ là “tiếng bấm chuông cửa lúc nửa đêm, mắt nhắm mắt mở ra xem thấy hành lang không một bóng người, nổi da gà", tài khoản tên Son Le cho biết. 

"Phí nhỏ phí to, mỗi tháng đóng mệt nghỉ"  

Ngoài phí quản lý có mức tuỳ theo phân khúc chung cư, theo diện tích sử dụng, thì còn các loại phí dịch vụ khác như phí bảo trì, phí rác, thang máy, gửi xe máy, xe hơi.

phi-chung-cu-cao-cap-1626026723.JPG
Cuối tháng nhìn đống bill trên bàn cũng cảm thấy "mệt ví"

Tại Vinhomes Golden River, bên cạnh chi trả tiền điện theo giá của điện lực, cư dân còn phải trả thù lao ban quản trị, phí môi trường nước lạnh, phí nước lạnh, nước nóng, phí điều hoà.

Đa số người mua căn hộ lần đầu không hỏi kĩ các loại phí phải đóng, cho đến khi vào ở mới phát hiện thì cũng phải bấm bụng chi trả. Chi phí sinh hoạt của gia đình thường tăng ít nhất 5 lần so với ở nhà riêng. Các căn hộ càng cao cấp, càng tiện ích thì chi phí càng cao.

"Quy định mẹ, quy định con"

Chị Minh, cư dân của một chung cư có tiếng tại P. An Phú, Q. 2 kể chị là một trong những cư dân đầu tiên chuyển vào. Thời gian đầu mọi thứ yên ả, cho đến hơn một năm sau, khi hội nghị nhà chung cư tiến hành, bầu được ban quản trị thì bắt đầu phiền toái.

Ban quản trị mới đề xuất rất nhiều quy định mới. Cư dân ngày nào cũng có chuyện để bàn tán. Lúc thì lên hồ bơi phải mang thẻ, lúc thì đến phòng gym cần đăng ký; hôm trước cho tiếp tân nhận đồ gửi, hôm sau quy định không cho; quy định nuôi thú cưng "nhảy nhót" theo ý cư dân đến nỗi xảy ra xô xát giữa phe nuôi thú và phe ghét thú.

nhung-quy-dinh-khi-o-chung-cu-1626026638.jpg
Quy định "lật mặt" nhanh chóng, nhiều cư dân khó trở tay kịp

Chị Minh kể thêm "Phiền nhất là một số người đề xuất thắt chặt an ninh, chung cư tôi lại không có chế độ gọi thang. Lúc trước khách tới chỉ cần gọi lên căn hộ, mình mở cửa, khách vào nhờ bảo vệ - tiếp tân bấm thang là xong. Nhưng quy định mới bắt chủ hộ phải xuống tận nơi đưa khách lên. Hôm nào mời khoảng 5 người là xác định đi lên đi xuống đủ 5 lần".

Trăm thứ thủ tục giấy tờ  

Anh Hoà, giám đốc một công ty nước ngoài vừa chuyển cả gia đình vào một chung cư cao cấp tại Q.1, TP. HCM. Cũng từ hôm ấy cuộc sống gia đình anh "náo loạn". Anh kể "Ngày chủ nhật đẹp trời, gia đình tôi về tổ ấm mới. Sau hai ngày làm việc với đội chuyển nhà chuyên nghiệp từ nhà cũ tới khi yên vị ở nhà mới, những tưởng từ đây cả gia đình sẽ yên ấm thong dong, nhưng không!

thu-tuc-dang-ky-chung-cu-1626028234.jpg
Dù là chủ nhà nhưng mình cứ phải "hỏi xin" ban quản lý chung cư

Hàng tá thủ tục giấy tờ khác đang chờ chúng tôi. Kể sơ sơ thì cũng mất đứt một buổi cả nhà rồng rắn nhau. Đầu tiên là xuống đăng ký vân tay các loại cửa ra vào. Cả nhà phải lật đật mang đầy đủ giấy tờ tùy thân mới được làm. Vừa xong tiết mục vân tay thì chuyển qua làm thẻ xe. Cầm được thẻ xe cứ tưởng là xong thủ tục rồi, hóa ra còn phải xuống hầm để lấy xe ra, trả tiền như khách vãng lai rồi mới đưa xe vào như cư dân. Quy trình cầu kỳ, ấy vậy vân tay chỉ có giá trị trong 1 tháng thôi, trong tháng đó phải đi làm tạm trú tạm vắng nộp vào mới được cấp vân tay vĩnh viễn. Cả nhà cứ căng như dây đàn, đã mệt còn thêm bực. Vợ tôi cứ cằn nhằn kêu là nhà mua mấy chục tỷ sao thấy như đang đi xin ở vậy".

Được biết, càng chung cư cao cấp càng nhiều thủ tục khiến những người mới phải đau đầu. Cảm giác bỏ tiền ra mua nhà, mình sở hữu nhưng lại phải "hỏi xin", "đăng kí" những người "phục vụ" cho toà nhà thật sự rất khó chịu.

Ban quản trị đôi khi là "phe địch"

Anh Minh Tuấn kể, anh dọn vào chung cư từ khi chưa có ban quản trị, đến hơn một năm hoãn đi hoãn lại do không đủ người tham dự thì cuối cùng hội nghị chung cư cũng diễn ra và bầu được ban quản trị. Cũng kể từ đó thì nhiều cuộc chiến phe phái xảy ra giữa một bên là nhóm ủng hộ ban quản trị, một nhóm chống đối ban quản trị. Nhiều cư dân còn phàn nàn về tình trạng ban quản trị yếu kém, bảo thủ, một số khác “bắt tay" với ban quản lý để đưa ra các quy định, điều khoản bất lợi cho cư dân. 

ban-quan-ly-chung-cu-1626026638.jpg
Nếu chọn sống ở chung cư, bạn cũng nên vững tâm lý trước những chuyện "chia bè kéo phái"

Anh Tuấn Anh, cư dân chung cư ở Q4 cho biết “nói chung mong muốn dân chủ ở chung cư là rất khó. Quy định nào đưa ra cũng có người đồng tình người phản đối. Tuy nhiên điều đáng nói là ở chung cư nếu bạn phát ngôn ngược với ban quản trị và người ủng hộ họ thì bạn sẽ bị liệt vào thành phần khó chịu, nhiều ý kiến, thậm chí là kém ý thức, phá hoại sự yên bình...”. 

Một số bình luận hài hước của cư dân chung cư

- "Ghét" là rác có người đổ hàng ngày làm cho mình đã lười lại thêm... biếng!  

- Hàng xóm nấu món gì là mở cửa cho cả tầng ngửi mùi, đủ loại nào là bún mắm, mắm chưng, khô chiên, giả cầy….  

- Thanh niên độc thân ghét nhất ở chung cư mà cứ khuya lại nghe tiếng động lạ ở ngay trên đầu, lâu lâu lại rít lên "úi chồng ơi...", ức chế lắm!  

- "Ghét" phải đi chung thang máy với gái xinh  

- "Ghét nhất về an ninh: đi chơi hoài mà chưa bị mất đồ. Ghét nhất về độ cao: cảnh đẹp phê lòi, kể cả mưa cũng đẹp. Ghét nhất là hồ bơi sát bên. Ghét nhất là cùng số tiền thì mình được ở gần trung tâm hơn so với mua nhà dưới đất. Ghét nhất là không ai nhòm ngó nhà mình só với ở nhà hẻm nhỏ xíu. Ghét nhất là mua cái xe hơi được đậu dưới hầm không phải cuốc bộ"    

- Khách đến nhà phải trình bẩm cụ bảo vệ mới qua được vòng gửi xe!