Năm bội thu của bất động sản công nghiệp

Minh Triết
Phân khúc bất động sản công nghiệp có một năm bội thu khi hầu hết chỉ số tăng trưởng tích cực. Giá thuê đất toàn thị trường ở mức ổn định, thậm chí có nơi tăng và tỷ lệ lấp đầy cao.

Tâm lý nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản đã được cải thiện hơn kể từ biến động vào nửa cuối năm 2022. Một số luật sửa đổi về bất động sản đã được thông qua và Luật Đất đai 2023 (sửa đổi) vốn được mong đợi từ lâu dự kiến được thông qua vào đầu năm 2024 sẽ giúp thị trường có nhiều điểm sáng hơn.

bds-1705112229.jpg
Phân khúc bất động sản công nghiệp có một năm bội thu khi hầu hết chỉ số tăng trưởng tích cực

Cụ thể, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cho rằng, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và các biện pháp ổn định thị trường bất động sản đã phần nào đem lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đã tìm kiếm và mở rộng danh mục đầu tư bất động sản tại Việt Nam trong suốt hai năm qua khi thị trường giảm tốc. Các phân khúc được chú ý gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và khách sạn. Tuy nhiên, một số nút thắt pháp lý và tài chính kéo dài đã góp phần khiến giao dịch chậm lại.

Tuy nhiên, phân khúc bất động sản công nghiệp được cho đã có một năm hoạt động tương đối suôn sẻ khi hầu hết chỉ số tăng trưởng tích cực. Giá thuê đất toàn thị trường ở mức ổn định, thậm chí tăng nhẹ tại Hà Nội và tỷ lệ lấp đầy cao.

Tại TP HCM, giá thuê trung bình khoảng 230 USD/m2/kỳ hạn, không thay đổi so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy giữ ở mức ổn định với 90%. Địa phương vừa hoàn thành giai đoạn 1 đề án khoa học nhằm thí điểm chuyển đổi 5 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Cụ thể, KCX Tân Thuận (quận 7) sẽ được chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, KCN Cát Lái (TP Thủ Đức) được chuyển đổi thành KCN logistics, KCN Tân Bình (Tân Phú - Bình Tân) được đầu tư theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức) chuyển đổi một phần theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp.

Hiện nay TP HCM đang gấp rút triển khai các thủ tục để sớm hình thành hai KCN Phạm Văn Hai I (379ha) và Phạm Văn Hai II (289ha) sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý II/2025.

Khi hai KCN này đi vào vận hành kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn đến TP HCM. Thiếu quỹ đất lớn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư bỏ TP HCM để chọn Bình Dương, Đồng Nai. Ngoài ra, thành phố cũng đang đối mặt với việc thời hạn thuê đất của một số KCN sắp hết, có thể gây cản trở trong việc thu hút đầu tư.

Tại Hà Nội quý IV/2023, giá thuê trung bình ở mức 210 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy đạt 86%, trong đó nhiều KCN ở Hà Nội được lấp đầy hoàn toàn.

Hà Nội cũng đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để điều chỉnh quy hoạch KCN Quang Minh II nhằm thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp công nghệ cao và bổ sung quy hoạch KCN Tiến Thắng (400 - 500 ha) để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng.

Các KCN ở Đà Nẵng (không bao gồm khu công nghệ cao và công nghệ thông tin) ghi nhận giá thuê trung bình không đổi, ở mức 95 USD/m2/kỳ hạn. Tỷ lệ lấp đầy đạt 95%, tăng 2 điểm% so với quý trước.

Trong đó, có 3/6 KCN có tỷ lệ lấp đầy đạt 100% (KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng).

Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao dịch vụ công nghiệp tại Avison Young Việt Nam dự báo, làn sóng chuyển địa điểm sản xuất và cơ sở hậu cần đến Việt Nam khiến các thị trường bất động sản công nghiệp ở phía Bắc gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Thái Bình sẽ được hưởng lợi.

Ở miền Nam, ba địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh có thể trở thành những điểm nóng công nghiệp tương lai.

Một số xu hướng trung và dài hạn đang thay đổi nguồn cung bất động sản công nghiệp bao gồm phát triển bền vững, thị trường bán lẻ tập trung vào người tiêu dùng, sự tăng tốc của thương mại điện tử, phương thức quản lý hàng tồn kho chuyển từ kịp thời sang dự phòng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Mạc Ngôn