Nhiều đại gia bất động sản báo lãi đậm trước Tết

Bảo An
Trước thềm năm mới, nhiều doanh nghiệp tiếp tục báo lãi đậm, tăng trưởng hai đến ba chữ số, gần như “miễn dịch” trước các đợt giãn cách kéo dài suốt năm qua.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) báo gần 5.206 tỷ đồng doanh thu thuần và khoảng 1.071 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021. Hai chỉ số kinh doanh quan trọng lần lượt tăng trưởng gấp 2,3 lần và tăng 28% so với năm 2020. Điểm đáng chú ý trong quý cuối năm, căn hộ chính là xương sống của Nam Long khi đóng góp tới 99% doanh thu trong quý.

Điểm sáng trong sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp này là dòng tiền thuần đã cải thiện khi chuyển từ thâm hụt hơn 827 tỷ đồng sang mức khoảng 2.038 tỷ đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án Đồng Nai Waterfront còn ghi nhận hơn 2.400 tỷ đồng các khoản ứng trước của khách hàng mua căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất nền nhưng chưa nhận bàn giao.

Cũng có lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) ghi nhận hơn 3.620 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.865 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm. Tuy doanh thu giảm nhẹ 7% nhưng lợi nhuận doanh nghiệp lại tăng gần 53% so với năm liền trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã tiệm cận kế hoạch kinh doanh cả năm.

pdr-xuus-custom-1643170900.jpg
Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) lợi nhuận tăng 53% so với cùng kỳ.

Riêng quý cuối năm, Phát Đạt ghi nhận lợi nhuận chủ yếu từ việc chuyển nhượng một phần khu chung cư cao tầng Phân khu số 4, thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định) và bàn giao đợt cuối cho khách hàng tại Phân khu số 9 của cùng dự án. Tính chung cả năm, doanh nghiệp thu về 1.692 tỷ đồng trả trước của khách hàng tại các dự án như Khu đô thị sinh thái - khu kinh tế Nhơn Hội, Phát Đạt Bàu Cả, Astral City và The EverRich Infinity.

Chưa công bố báo cáo tài chính chính thức nhưng theo tài liệu họp bất thường lần thứ nhất năm 2022 vừa được Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), công bố kết quả kinh doanh đạt nhiều con số khả quan. Ban lãnh đạo ước tính tổng doanh thu hợp nhất năm ngoái đạt 4.190 tỷ đồng, tăng 69,8 % so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế được dự đoán trong khoảng 900 tỷ đồng, tăng mạnh 181,4 % so với cùng kỳ. Tuy vậy, hai chỉ số này chỉ hoàn thành 69,8 % mức doanh thu và 45% mức lợi nhuận so với kế hoạch cả năm.

Không chỉ các chủ đầu tư hoạt động chuyên nghiệp, bất động sản còn là miếng bánh béo bở cho các doanh nghiệp đa ngành. Trong năm 2021, Tổng Công ty Viglacera (VGC) báo doanh thu thuần 11.201 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.280 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ cho thuê bất động sản và hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng ấn tượng 66%. Doanh thu mảng này đã lên tới 2.552 tỷ đồng, chỉ đứng sau các sản phẩm gạch ốp lát - chủ lực từ trước đến nay của Viglacera.

Dù chưa hẳn là động lực kinh doanh chính nhưng bất động sản vẫn được doanh nghiệp này đặt niềm tin và đầu tư tiền của lớn. Báo cáo tài chính ghi nhận giá trị xây dựng cơ bản dở dang dài hạn khoảng 5.129 tỷ đồng, chủ yếu ở các khu công nghiệp. Trong đó, một số dự án lớn là Khu công nghiệp Yên Phong II C, Khu công nghiệp Yên Mỹ, Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1…

Xu hướng “miễn dịch” trước Covid-19 trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản giúp củng cố quan điểm tích cực về thị trường trong năm nay.

Thông tấn xã dẫn lời ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển DKRA Vietnam cho rằng, sức mua của thị trường sẽ được thúc đẩy nhờ các điều kiện vĩ mô thuận lợi. Theo ông, doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ những công trình đầu tư công như hạ tầng giao thông, xã hội, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh cần thêm mặt bằng, người lao động hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ…

Mặc dù vậy, chuyên gia này đề xuất, Nhà nước vẫn cần quan tâm hơn nữa đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động. Nhu cầu thực tế về phân khúc này rất cao và cũng sẽ là một trong các yếu tố cơ bản tác động cho thị trường địa ốc nói chung. Hiện, nhiều người dân đang trông đợi vào gói hỗ trợ người mua nhà, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động…

Với hành lang pháp lý, ông Nguyễn Hoàng nhắc đến việc hàng loạt cơ chế, chính sách, định hướng khác được ban hành có thể trở thành lực đẩy tích cực cho thị trường bất động sản trong năm 2022. Đáng kể là Luật Đất đai được dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét và sửa đổi, cùng với đó, các luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Y Khải