Telesale trong môi giới bất động sản  

Minh Anh
Một nhân viên telesale phải gọi ít nhất 200-300 số điện thoại khác nhau mỗi ngày, phần nhiều bị cúp máy, thậm chí la mắng. Tuy nhiên, telesale vẫn là một phương cách được các công ty môi giới bất động sản sử dụng song song với những kênh khác.

Telesale - nghe chửi là chuyện thường

Anh Tiến Hải, một nhân viên telesale với gần 250 - 300 cuộc gọi mỗi ngày từ dữ liệu có sẵn của công ty. Anh bắt đầu với việc đeo tai nghe, nhập số điện thoại gọi điện khách hàng. Kịch bản quen thuộc trong những cuộc gọi của anh là: “Chào anh/chị… Em là Hải đến từ công ty…Hiện tại bên em đang có dự án…”.

Nhiệm vụ chính của công việc là giới thiệu dịch vụ và sản phẩm bất động sản đến khách hàng. Đồng thời, tư vấn sơ bộ về dịch vụ, chương trình khuyến mãi, nếu có khách sẽ thiết lập cuộc hẹn với họ. Mỗi cuộc gọi sẽ được ghi âm lại, thời gian kéo dài ít nhất 15s mới được chấp nhận.

Những tưởng công việc nhẹ nhàng, chỉ cần gọi điện thoại thế là xong. Thế nhưng, phản hồi sau những cuộc gọi của anh Hải là thái độ khó chịu kèm những câu nói chửi mắng, xúc phạm chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, anh Hải cũng nhận được những câu trả lời từ chối lịch sự hơn như: “Cảm ơn em, chị không có nhu cầu, chị hết tiền, chị tạm ngưng đầu tư…”.

Ban đầu, anh cũng hơi bất ngờ nhưng làm riết rồi cũng quen, công việc cũng mang đến cho anh một khoản thu nhập tính. Mỗi giờ làm anh nhận được 25.000 đồng, lương cứng mỗi tháng là 4 triệu đồng. Với những khách hàng quan tâm đến dự án, dữ liệu của khách sẽ được chuyển đến bộ phận kinh doanh, anh sẽ được hưởng một phần hoa hồng nếu giao dịch chốt thành công. Là một sinh viên năm 3, số tiền này đủ cho anh trang trải các chi phí ăn uống, sinh hoạt cơ bản. Anh cũng có thể sắp xếp thời gian lên công ty với hình thức làm việc theo giờ dễ dàng hơn.

telesale-bat-dong-san-min-1656035610.jpeg
Mỗi ngày gọi cả trăm cuộc điện thoại, hầu như đều bị từ chối

Chị Minh Anh - một môi giới bất động sản vừa vào nghề bắt đầu với việc sale phone mỗi ngày, đây cũng là công cụ để chị tìm kiếm khách hàng. Chị chuẩn bị sẵn những kiến thức về dự án, kịch bản gọi điện và tư vấn với khách hàng. Tương tự như anh Hải, phần nhiều chị nhận phải những lời từ chối, khách hàng không có nhu cầu.

Chị trăn trở làm sao để tạo được sự thu hút, thuyết phục khách hàng chứ không đơn thuần dừng lại ở việc cung cấp những thông tin về vị trí, tiện ích... dự án.

Công việc telesale là một trong những bộ phận nhân sự của các công ty bất động sản hiện nay. Công việc này thường được tuyển dụng với số lượng lớn, đối tượng hướng tới là sinh viên, người mới đi làm. Telesale không đòi hỏi quá nhiều kiến thức, kỹ năng song người nói cần đảm bảo giọng nói rõ ràng, mạch lạc. Và hơn thế cần có sự bình tĩnh, kiên nhẫn, chịu được áp lực khi thường xuyên nhận những lời từ chối.

Điểm chạm đầu tiên tới khách hàng 

Bên cạnh những kênh tiếp cận khách hàng như chạy quảng cáo Facebook, đăng tin trên các trang web bất động sản, Zalo… mất nhiều thời gian và chi phí lớn mới thu được leads (thông tin) khách hàng, mức độ cạnh tranh cao thì telesale đảm bảo được mức chi phí thấp, chỉ cần gọi điện thoại đến nguồn data có sẵn. Nguồn data này sở hữu những khách hàng có những đặc điểm về hồ sơ nhân khẩu học, thói quen, sở thích tương ứng với tệp khách hàng có quan tâm tới bất động sản.

Telesale cũng là công cụ giúp tối đa hoá kênh truyền thông trong chu trình trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Thành công đầu tiên đó là những cuộc gọi còn giúp khách hàng biết đến, ghi nhớ tên sản phẩm, thương hiệu giữa hàng trăm sản phẩm trên thị trường. 

Những kênh quảng cáo khác đều nhằm mục đích cuối cùng là có được thông tin người dùng để liên hệ, tư vấn với khách hàng thì telesale đã làm được điều đó khi các nhân viên sẽ trò chuyện, tương tác trực tiếp với khách hàng để từ đó lọc dữ liệu theo từng nhóm khác nhau.

bds-telesale-1656035887.jpeg
Telesale giúp tối đa hoá việc tiếp cận khách hàng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm công ty

Khởi đầu của một môi giới khá khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đặc biệt với những dự án bất động sản giá trị lớn, đối tượng khách hàng là những người có tài chính. Những cuộc gọi còn giúp các môi giới, đặc biệt là những môi giới vừa mới vào nghề rèn luyện sự tự tin, khả năng ứng biến trong những tình huống khác nhau.

Chị Minh Anh chia sẻ: "Việc sale phone với mình không mấy suôn sẻ khi thường xuyên bị khách hàng từ chối song đây là kênh đầu tiên để chị tiếp cận khách hàng. Vừa bước chân vào nghề còn nhiều bỡ ngỡ thì đây là cách để chị luyện tập giao tiếp trong việc giới thiệu, tư vấn dự án mượt mà hơn. Chị học được cách xử lý vấn đề linh hoạt trước những câu hỏi bất ngờ từ khách, rèn luyện khả năng lắng nghe, hiểu được nhu cầu của họ. Cùng với telesale, chị kết hợp chạy quảng cáo trên các trang Batdongsan.com, Chotot... để tiếp cận với khách hàng.

Không phải tất cả các cuộc gọi đều bị từ chối, trong một vài trường hợp, khách hàng sẽ có những câu hỏi cần được giải đáp hoặc những người quan tâm đến dự án. Mục tiêu cuối cùng của telesale không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm, dự án mà còn cố gắng để tạo cuộc hẹn với khách hàng, chốt thành công giao dịch.

Anh Hải cho rằng: “Cũng có thể trong 500 cuộc gọi thoại, anh may mắn tìm được vài khách quan tâm, mình cứ siêng năng duy trì mỗi ngày thôi. Mình cũng có thể kiếm thêm hoa hồng từ những khách chốt này để tăng mức thu nhập".

Sau hơn một năm làm công việc telesale, bây giờ anh đang làm môi giới bất động sản cho một sàn phân phối, chuyên bán loại hình nhà phố, biệt thự.

Trong thời đại 4.0, digital marketing ngày càng được phát triển bùng nổ, từ những biển bảng quảng cáo lớn tại những con đường ăn khách đến những sự kiện event tầm cỡ thì telesale vẫn được nhiều công ty sử dụng như điểm chạm đầu tiên đến khách hàng. 

MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHI LÀM TELESALE:

- Chuẩn bị kỹ lưỡng về tài liệu sản phẩm, học thuộc lòng thông tin về sản phẩm, dự án, giới thiệu trực tiếp, trọng tâm vào vấn đề.

- Với người vừa bắt đầu vào nghề có thể luyện tập trước mỗi cuộc gọi để lấy lại tinh thần, năng lượng.

- Hãy bắt đầu công việc với thái độ tích cực, vui vẻ, chào mời với thái độ cởi mở, thân thiện.

- Kiên trì và cố gắng mỗi ngày để tạo cảm hứng, giá trị của công việc.