Thảo Nguyễn - Sáng lập và Điều hành MAC Media bắt đầu làm digital marketing từ năm 2013. Từ một công ty quảng cáo nhỏ với vài người, MAC Media hiện nay sở hữu lực lượng nhân sự lên đến hàng chục người. Dưới sự điều hành của Thảo Nguyễn, công ty liên tiếp thắng thầu các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số (digital marketing) cho các dự án bất động sản. Để hiện tại, MAC Media đã trở thành cái tên quen thuộc trong địa hạt bất động sản.
Đến nay, kinh qua hàng trăm dự án, cô có cơ hội nhìn thấy sự chuyển động của thị trường cũng như của ngành. Trong bối cảnh có nhiều agency digital marketing cùng tham gia, tạo nên sự cạnh tranh lớn. Mỗi chủ đầu tư thường mời 2-3 đơn vị đến đấu thầu. Với tỉ lệ trúng thầu lên tới 70-80%, Thảo Nguyễn đùa rằng cô được “khách hàng thương". Tuy nhiên, để có thể thắng thầu nhiều dự án lớn như vậy, MAC Media đã có hẳn chiến lược từ nhân sự cho đến ý tưởng.
Về nhân sự, trong đội có hơn 20 người, bên cạnh đội thực thi thì có một nhóm nghiên cứu đặc biệt riêng mảng bất động sản.
“Chúng tôi nghiên cứu trên thị trường đang làm định dạng nào, thế giới đang làm gì. Vì đã làm hơn 100 dự án trong hơn 7 năm nên bản thân MAC cũng có các số liệu nội bộ. Đội media sẽ nghiên cứu, đúc kết để biết cái gì là tốt nhất cho dự án”.
Về cách thức, Thảo Nguyễn có một nguyên tắc là luôn tìm mọi cách và dùng mọi kiến thức - kinh nghiệm mình có để hỗ trợ khách hàng, đảm bảo họ có thể bán được hàng. Ngành hàng này khá đặc thù, nó đòi hỏi mình phải hiểu về chính trị, kinh tế, cách vận hành một dự án, những kỳ vọng của chủ đầu tư, bản chất của sản phẩm. Đơn cử, bất động sản nghỉ dưỡng phải biết nó khác gì với căn hộ, biệt thự - nhà liền kề thì khác gì với đất nền, cách vận hành pháp lý cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi và thói quen mua hàng của người dùng.
“Chúng tôi am hiểu thị trường một các sâu sắc. Mặc dù làm chỉ làm digital nhưng chúng tôi không chỉ chăm chăm vào nhiệm vụ của mình, mà còn sẽ research để đưa ra tư vấn cho khối kinh doanh, cho họ biết phải nói câu chuyện gì để bán được hàng”, giám đốc điều hành MAC Media nhấn mạnh.
Trưởng thành từ ngành PR, Thảo Nguyễn có nhiều kĩ năng bổ trợ cho công việc cô đang làm. Một trong số kĩ năng đó là am hiểm đặc thù của các kênh truyền thông. “Vai trò của PR hoàn toàn khác với vai trò của digital. PR thường build trust, nó sẽ tạo trend, còn digital cập nhật được thông tin nhanh nhưng mà đo chỉ số rõ ràng hơn, tương tác hai chiều với người dùng hơn. Tôi xác định rất rõ vai trò của mỗi kênh nó mang lại điều gì, từ cái hành vi của người dùng, sẽ biết nên dùng kênh gì, thủ thuật là gì để đảm bảo được là mình tiếp cận được tới họ và mang lại hiệu quả tốt”, Thảo cho biết.
Trong giới marketer đang có cuộc tranh luận về cách thức làm digital marketing. Theo đó, một bộ phận không nhỏ ưu tiên chạy performance - tức là tập trung vào kết quả mang lại như leads. Theo Thảo Nguyễn, branding hay performance đều cần, nhưng phải dựa vào mục tiêu của chiến dịch.
“Ví dụ nếu dự án vừa ra mắt, ưu tiên nhiều người biết tới, thì không hợp chạy performance. Nếu một dự án mà chủ đầu tư bán hàng thông qua sàn thì các sàn sẽ tự chạy performance. Như vậy nếu MAC làm với chủ đầu tư thì MAC sẽ đề xuất chạy branding - tạo độ nhận biết. Nếu MAC tư vấn cho sàn thì sẽ tư vấn chạy performance. Nếu chủ đầu tư có sàn nội bộ, thì họ nên chạy cả hai. Họ vẫn cần phải convert lead về cho sale bán hàng đồng thời phải làm branding”.
Thảo Nguyễn cho rằng làm branding mà không làm performance cũng có thể bán được hàng nếu dự án đủ tốt. Nhưng không thể chỉ làm performance mà không làm branding được, như vậy rất là không hiệu quả. Như vậy không phải cách thức là gì, mà là người mình đang tư vấn là ai hoặc là dự án đó có mục tiêu giai đoạn đó là gì. Có những dự án ở giai đoạn 3-4 cần phải đẩy hàng, độ nhận biết đủ tốt rồi, lúc đó phải tư vấn cho họ nên tập trung vào performance nhiều.
Trong talkshow, Thảo Nguyễn cho biết cô đã từ chối đấu thầu rất nhiều lần, dù cũng áp lực về doanh số cho công ty.
Nguyên nhân cô từ chối khách, bao gồm:
Thứ nhất, khách hàng có mong muốn không phù hợp ví dụ họ kỳ vọng digital chạy làm sao phải bán được sạch hàng. Digital không mạnh đến mức đảm bảo được doanh số của chủ đầu tư. Thứ hai, khách hàng không tử tế. Họ dùng mình, tận dụng mọi chất xám của agency. Thứ ba, khách hàng không có niềm tin vào marketing, digital, hoặc trải nghiệm của họ về marketing chỉ là tốn tiền, quảng cáo là tốn tiền.
“Tôi từ chối khách hàng là vì thấy rằng tỷ lệ thành công để đi tiếp theo với họ chỉ có 10% thôi trong khi đội ngũ nhân sự phải làm rất nhiều việc, dồn nhiều công sức như research thị trường, đối thủ, các dự án xung quanh đang làm như thế nào… Chúng tôi thà dành thời gian công sức đó để học tập nghiên cứu và dồn các tâm sức vào các khách hàng phù hợp. Đánh thì phải đánh cho sắc nét, không có tinh thần làm nửa vời. nếu nhận đấu thầu thì đấu thầu hết công lực mình có”.
Thảo Nguyễn tâm sự rằng cô đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nên cô rất đồng cảm và ủng hộ các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong ngành này. Tuy nhiên theo Thảo, khởi nghiệp thì tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu các bạn có sự chuẩn bị chu đáo và đặt mục tiêu rõ ràng. Nó không phải là chuyện tuổi tác mà chuyện một khi đã làm phải làm cho tới nơi tới chốn, ví dụ bạn phải thấu hiểu ngành nghề này, thị trường đang như thế nào, nếu mình ra, 2-3-5 năm nữa mình sẽ là ai. Và để là ai đó thì mình sẽ làm cái gì, chuẩn bị gì, nội lực cá nhân của mình là gì, người đồng hành của mình như thế nào. Cần lên kế hoạch 6 tháng thất bại thì ra sao, nếu một năm nó vẫn chỉ ì ạch như vậy thì bước tiếp theo mình sẽ làm gì.
Thị trường như nấm sau mưa, cứ nở rộ ra, tôi thấy hơi uổng. Các bạn trẻ bây giờ giỏi hơn, năng động, sáng tạo hơn, bản lĩnh hơn nên cần sự chuẩn bị cho chín muồi hơn. Nếu chọn 20-30 agency hàng đầu Việt Nam, thì phải xem mình có phải là 1 trong đó không, bao lâu mình được như họ và để được như vậy thì mình cần làm gì.
“Ở MAC cứ 6 tháng là chúng tôi review một lần để xem mình đang đi đến đâu hay mình giậm chân tại chỗ, nếu đang giậm chân tại chỗ tức là mình đi lùi”, nữ doanh nhân chia sẻ.