Lạm phát: ‘con dao hai lưỡi' trong chuỗi cung ứng

Kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái, từ mức tăng trưởng 5,5% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022. Với Việt Nam tiếp tục là số ít quốc gia có điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế GDP quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát ở mức 3,15%.

Theo số liệu báo cáo quý I/2023 của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng quý I/2023 tăng 1,08% so với quý trước và tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2022.

toc-do-lam-phat-nganh-xay-dung-1681079120.jpg
Biểu đồ tốc độ tăng giảm CPI quý I/2023 so với cùng kỳ. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Lạm phát đã bắt đầu thay đổi động lực cung - cầu. Một mặt kéo giá cả vật liệu xây dựng ở khắp mọi nơi tăng lên, mặt khác lại khiến nhu cầu cho một số nguyên vật liệu bắt đầu giảm. 

Cụ thể, trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, chỉ số giá nhóm đá, cát, sỏi, đất sét quý I tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu dùng cho xây dựng tăng; nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến dầu mỏ (nhựa đường, nhựa, dầu diesel, dầu nhớt…) tăng 4,91%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 2,89% do giá các loại nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng mạnh.

Ngoài ra, lạm phát đặt ra thách thức đối với các vật liệu xây dựng sử dụng nhiều năng lượng như bê tông, xi măng, thạch cao và gạch.Ví dụ như để sản xuất 1 tấn xi măng, than là loại chi phí lớn nhất (chiếm gần 30% chi phí sản xuất), đá vôi và đất sét (12%), phụ gia (5%)… Cơ cấu này có thể dao động tùy thuộc vào công nghệ và kỹ thuật sản xuất của mỗi nhà máy.

Áp lực từ chi phí đầu vào thể hiện rõ nét trong lợi nhuận âm của nhiều doanh nghiệp xi măng. Điển hình, tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2022, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, doanh nghiệp gặp khó về nguồn cung than, thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại trong khi giá tăng đột biến khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.

thach-thuc-nganh-xay-dung-1681079372.jpeg
Áp lực từ chi phí đầu vào thể hiện rõ nét trong lợi nhuận âm của nhiều doanh nghiệp xi măng.

Biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành thách thức đối với các nhà thầu xây dựng do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình. Việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án. Một số chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” vật liệu xây dựng có thể tác động mạnh đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trong buổi chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thép trong năm 2022 tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên trong khi nhu cầu sụt giảm mạnh. Đối mặt với khó khăn tồn kho cao, chi phí vốn lớn, tỷ giá tăng, ban điều hành Hòa Phát quyết định giảm sản lượng bằng cách ngừng hoạt động của lò cao, dừng 4 lò và đầu tháng 1/2023 đã chạy lại 1 lò.

Lao động xây dựng: thiếu số lượng, yếu chất lượng

Những biến động của thị trường bất động sản cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu thuê lao động ngành xây dựng. Dưới áp lực từ việc siết tín dụng và khó khăn về mặt pháp lý, hàng loạt các dự án bị đình trệ, ngừng thi công. Gặp khó khăn về tiến độ thanh toán, các nhà thầu khó duy trì được nhiều chính sách đãi ngộ như trước khiến nhiều công nhân lành nghề không thể duy trì và buộc phải chuyển sang làm những công việc trái ngành.

Mặt khác, bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực xây dựng đều hiểu việc tìm kiếm và xây dựng một đội ngũ ăn ý và tay nghề cao là cực kỳ khó. Thế nhưng đại dịch Covid-19 vừa qua đã khiến cơ số lực lượng lao động lão luyện về quê và không quay lại, nhân lực thay mới không thể bù đắp kịp thời. Sự cơ cấu nhân sự tự nhiên này đã khởi động cho cuộc khủng hoảng lao động trong năm 2023. 

so-luong-lao-dong-nganh-xay-dung-trieu-nguoi-1681079120.jpg
So sánh số lượng lao động trong khu vực Công nghiệp và Xây dựng từ 2019 - 2022. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh văn phòng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM cho biết, cả nước đang có khoảng 7 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, trong khi nhu cầu có thể đạt tới con số 12-13 triệu người vào năm 2030. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

“Tuy vậy sự thiếu hụt công nhân xây dựng hiện tại là thiếu hụt cục bộ. Không phải toàn bộ ngành xây dựng đều thiếu hụt lao động, mà thiếu hụt giữa các công việc khác nhau, thừa thợ này nhưng thiếu thợ kia”, ông Thắng bổ sung.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ Việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, lực lượng lao động ngành xây dựng đang thiếu hụt nghiêm trọng, từ công nhân cho đến lao động trình độ cao như kỹ sư. 

“Nhân lực ngành xây dựng sẽ còn khan hiếm nữa, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh đầu tư công từ giao thông vận tải cho đến hạ tầng đô thị", ông Liễu dự báo.

Đây cũng là dự báo khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lưu tâm khi năm 2023 được xem là năm mở đầu cho thập kỷ đột phá trong hạ tầng giao thông ở TPHCM. Theo đó, đây là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án trọng điểm lên đến hàng trăm nghìn tỷ mang tính liên vùng, cũng như gỡ các bài toán ùn tắc khu vực cửa ngõ như các dự án kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực Cảng Cát Lái.

Ngoài ra, nhiều dự án công trọng điểm, cấp bách cũng được ưu tiên giao vốn để hoàn thiện trong năm 2023. Bộ Giao thông vận tải đã lưu ý sẽ xử nghiêm những nhà thầu kém, tập thể, cá nhân ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Điều này cũng tạo áp lực về tiến độ hoàn thành cho các đơn vị xây dựng của dự án.

Đối mặt với khó khăn thiếu hụt về nguồn cung nhân lực chất lượng cao, các chuyên dự báo để đáp ứng tất cả các chỉ tiêu cơ sở hạ tầng mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng chính sách lương thưởng để thu hút và giữ chân lao động ngành xây dựng. 

Chi phí lao động tiếp tục tăng

Theo số liệu từ Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng Quý I/2023 và dự báo Quý II/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số cân bằng chi phí nhân công trực tiếp quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng 12% và dự báo quý II/2023 so với quý I/2023 tăng khoảng 32%.

Các chuyên gia cho biết các nhà quản lý tuyển dụng ngành xây dựng trong bối cảnh “thiếu số lượng, yếu chất lượng" có thể phát triển lực lượng lao động theo hai cách. 

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp hạn chế về tài chính, lựa chọn tốt nhất là thuê những người lao động thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên điều này lại tạo ra những rủi ro liên quan đến chất lượng đầu ra của thành phẩm, dễ phát sinh chi phí và tăng khối lượng công việc do sửa chữa, làm lại. Chưa kể, cấp quản lý sẽ mất khá nhiều thời gian để đào tạo, quản lý và theo dõi.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp chọn phương án “ăn chắc mặc bền" có thể tiếp tục sử dụng các đội ngũ lành nghề vốn có. Tuy nhiên khi tuyển dụng trong một thị trường lao động đầy cạnh tranh, chi phí để giữ chân nhân viên sẽ ngày càng tăng.