Chuyên gia đề xuất quy định thời hạn 'sử dụng' nhà chung cư

Hoàng Vy
Tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, các chuyên gia đã có những đề xuất về thời hạn 'sử dụng' thay vì 'sở hữu' nhà chung cư.

Tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ngày 28/9, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần quy định rõ ràng về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

TS. Phạm Duy Nghĩa - Trọng tài viên VIAC, giảng viên Đại học Fullbright nêu quan điểm miếng đất, căn hộ là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm.

"Nếu đi vào càng chi tiết, càng sâu… chúng ta sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống, bên cạnh đó có thể gây ra tranh chấp, tài sản phái sinh sẽ gây ra rủi ro vì sở hữu đa tầng không được quản lý nhất quán. Sở hữu chung cư 50 hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản. Vậy mục đích cuối cùng là gì, có phải an toàn hay khả năng lưu thông?”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

hoi-nghi-nha-chung-cu-1664414731.jpeg
Toàn cảnh Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cho rằng cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Ông ủng hộ quy định sở hữu chung cư có thời hạn, đồng thời đem đến những góp ý như việc thiết kế chung cư đã xác định được luôn thời hạn sử dụng, 50-70 năm tùy chất lượng công trình, xác định mức độ xuống cấp sẽ theo đánh giá của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất khi thời hạn chung cư có thời hạn còn thời hạn sử dụng đất vẫn lâu dài. Trong trường hợp, chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa. Còn cơ quan nào đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp, thời hạn bao lâu thì trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng.

Trong thời hạn sử dụng có hai thời điểm đánh giá: Thời điểm giao đất và trong quá trình sử dụng có vấn đề phát sinh như thiên tai động đất sóng thần…sẽ giảm tuổi thọ công trình sớm hơn so với quy định.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: Quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là một vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự. Cụ thể như thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng, hai là thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Việc xác định thời hạn sở hữu này có một số điểm cần xác định: Đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn. Từ góc độ quản lý và quy định của pháp luật về xây dựng quy định về thời hạn sử dụng của công trình: Mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn. Về quyền sở hữu: Nên chăng không dùng từ thời hạn sở hữu nhà chung cư và thay bằng thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.

Ông Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh Quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư thay quyền sở hữu: liệu có nên áp dụng thời gian sở hữu nhà chung cư 50 - 70 năm hay không và nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu.

“Tất cả các tài sản thì nó đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy, do đó khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá là nhà đó còn tiếp tục ở được không. Nếu cần phải sửa chữa, thậm chí xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó, còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân”, ông Tuyến nêu quan điểm.

Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo VNREA, đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tòa án Nhân dân tối cao, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực pháp lý, bất động sản, tài chính,... cùng đại diện các doanh nghiệp thảo luận những ý kiến đa chiều trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Từ đó bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các phân khúc thị trường.