Timeshare là gì mà người Việt ‘ngại’ đầu tư

Lan Anh
Mới đây một tài khoản D.H. đã chia sẻ về hình thức đầu tư bất động sản mới “Mua kỳ nghỉ dưỡng”, thu hút gần nửa triệu lượt xem cũng như hàng nghìn các bình luận trái chiều.

Theo D.H. chia sẻ, hình thức này sẽ mời gọi các nhà đầu tư mua một dự án Officetel hoặc Condotel tại một khách sạn trong một khoảng thời gian cố định một năm. Ví dụ như khách hàng sẽ bỏ ra 500 triệu để mua thời gian sử dụng của một căn hộ Officetel trong 7 ngày vào tháng 6 hàng năm. Và thời gian này được cố định trong suốt 20 – 30 năm sử dụng. Đồng thời, D.H. cũng chỉ ra 4 mối quan ngại khi tham gia hình thức này:

Thứ nhất, đây là tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình và chỉ được xem như hình thức thuê địa điểm để đi du lịch nghỉ dưỡng. Thế nhưng các nhà bán lại “bắt” mình trả tiền hết một lần cho mấy chục năm về sau.

Thứ hai là trong khi có nhiều người có sở thích du lịch mỗi năm ở những nơi khác nhau thì hình thức đầu tư này lại cố định về thời gian và địa điểm.

Thứ ba là mỗi năm nhà đầu tư phải chi thêm khoảng chục triệu cho phí quản lý, bảo trì, dọn phòng cho tài sản mà mình không sở hữu lâu dài.

Thứ tư là về chi phí cơ hội. Nếu chỉ vì mục đích nghỉ dưỡng, thay vì bỏ vài trăm triệu vào hình thức “Mua kỳ nghỉ dưỡng”, nhà đầu tư có thể tham gia các kênh sinh lời khác và tự do lựa chọn du lịch tại các resort 4 – 5 sao ở nhiều nơi khác nhau.

Ý kiến của D.H. được rất nhiều người đồng tình và cho rằng hình thức này chỉ dành cho những đại gia nhiều tiền mua để tiện nghỉ dưỡng, chứ về mặt đầu tư thì không có lợi. Tuy nhiên, một số cộng đồng mạng khác cũng nhanh trí nhận ra “Mua kỳ nghỉ dưỡng” không phải là hình thức mới mẻ trong giới bất động sản. Thực chất, đây chính là mô hình Timeshare rất được ưa chuộng tại các nước phương Tây.

Vậy mô hình Timeshare là gì?

Trên thế giới, Timeshare là hình thức nghỉ dưỡng có lịch sử lâu đời tại nhiều quốc gia. Timeshare đã xuất hiện lần đầu tiên tại Anh từ những năm 60 và dần trở thành mô hình kiếm bộn tiền của ngành du lịch sau hàng chục năm phát triển.

Theo Hiệp hội Ragatz cho biết vào năm 2002 có khoảng 5.791 resort cung cấp khoảng 325.000 căn hộ theo hình thức Timeshare trên thế giới. Trong giai đoạn 2010 – 2015, tổng doanh thu của thị trường timeshare toàn cầu đạt khoảng 14 tỷ USD/ năm. Tổng cộng có 7.400 resort trải rộng trên 180 quốc gia cung cấp dịch vụ timeshare.

timeshare-la-gi-1645498036.jpg

Timeshare được biết đến là hình thức một nhóm người sở hữu chung một bất động sản nghỉ dưỡng và được chia thời gian sử dụng dựa trên quyền sở hữu của mình. Nếu bạn cùng một nhóm 12 người mua chung một bất động sản, có nghĩa là trung bình mỗi năm bạn sẽ có 1 tháng để sử dụng bất động sản đó. Tương tự trong nhóm nhà đầu tư lớn hơn, bạn chịu chi 1/52 giá trị tài sản thì trong năm bạn sẽ có thời gian sử dụng khoảng 1 tuần.

Điểm hấp dẫn nhất ở hình thức này chính là người mua không cần bỏ ra một số tiền quá lớn để sở hữu toàn bộ bất động sản nhưng vẫn có thể đặt lịch cho một chuyến nghỉ dưỡng với phòng ốc đầy đủ nội thất tiện nghi. Ngược lại, chủ bất động sản chỉ được tận hưởng kỳ nghỉ này trong khoảng thời gian ấn định theo tỷ lệ sở hữu tài sản. Nếu không có nhu cầu nghỉ dưỡng, người mua vẫn có thể kinh doanh cho thuê hoặc bán lại tài sản này cho người khác.

Loại hình Timeshare khá quen thuộc với cộng đồng du lịch quốc tế. Tuy đã du nhập vào Việt Nam gần 3 năm nay, nhưng hình thức này vẫn còn mới mẻ với người Việt và hầu như chỉ phổ biến rộng rãi trong giới thượng lưu. Tuy nhiên hình thức Timeshare hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay chỉ ở dạng thuê bất động sản, tức là các nhà đầu tư này hoàn toàn không có chủ quyền sở hữu căn hộ mà chỉ là đơn thuần mua những ngày nghỉ dưỡng tại địa điểm đó.

Các loại hợp đồng Timeshare phổ biến hiện nay

Hợp đồng mua bán bất động sản

Ở loại hình này, người mua sẽ có quyền sở hữu lâu dài đối với bất động sản, theo khoảng thời gian cụ thể được quy định rõ trong hợp đồng. Chính vì có quyền sở hữu nên người mua có quyền trao tài sản thừa kế cho các thành viên trong gia đình hoặc chuyển nhượng nó cho người khác.

Hợp đồng cho thuê bất động sản

Đây cũng là dạng hợp đồng đang phổ biến tại thị trường Việt Nam. Tương tự như khi đi thuê, người mua sẽ không có quyền sở hữu tài sản mà chỉ được phép sử dụng bất động sản trong một khoảng thời gian nhất định. Khi hợp đồng đến hạn cũng là lúc người mua chấm dứt quyền sử dụng tài sản đó, trừ khả năng hợp đồng được tái ký để gia hạn.

Những điều cần lưu ý khi đầu tư vào Timeshare ở Việt Nam

timeshare-bat-dong-san-nghi-duong-1645498036.jpg

Ưu điểm khi đầu tư Timeshare

- Sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng với mức chi phí được chia nhỏ tùy theo số lượng người mua chung
- Dựa trên lượng thời gian sở hữu, bạn có thể linh hoạt sử dụng chúng cho mục đích nghỉ dưỡng hoặc đem đi kinh doanh để tiếp tục sinh lời
- Đối với những khu resort có chi nhánh đa quốc gia sẽ cung cấp thêm dịch vụ trao đổi kỳ nghỉ dưỡng. Tức là, người tham gia mô hình Timeshare có quyền được thay đổi thời gian nghỉ dưỡng của mình sang một địa điểm mới, miễn là nơi đây nằm trong danh sách chi nhánh của resort.
- Trách nhiệm bảo quản và giữ gìn tài sản được chia đều cho các chủ đồng sở hữu
- Nếu mua bất động sản trong các khu resort, thỉnh thoảng bạn có thể nhận được những ưu đãi giảm giá khi sử dụng các dịch vụ spa, ăn uống, tham quan và mua sắm.

Nhược điểm của Timeshare

Rủi ro tranh chấp thời gian giữa các chủ sở hữu

Khi sở hữu chung một tài sản sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp trong việc khai thác công năng sử dụng. Đơn cử như mỗi một vùng đất chỉ có một vài mùa đẹp nhất năm, nếu sắp xếp thời gian không hợp lý, thiếu sự thỏa thuận giữa các bên sẽ dễ tạo ra các cuộc tranh cãi không hồi kết.

Chi phí bảo trì, vệ sinh hàng năm

Số tiền chi cho đơn vị quản lý vận hành – bảo dưỡng mỗi năm rất tốn kém và có xu hướng tăng hàng năm. Các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về các chi phí “bên lề” này trước khi quyết định đầu tư vào hình thức Timeshare.

Ở Việt Nam chưa thể cung cấp dịch vụ trao đổi kỳ nghỉ dưỡng

Do hình thức Timeshare chưa phổ biến nên các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam còn hạn chế về mặt quy mô và địa điểm. Vậy nên việc nhà đầu tư mô hình Timeshare tại Việt Nam có thể tận hưởng dịch vụ trao đổi kỳ nghỉ dưỡng vẫn là chuyện của tương lai xa.


Nguyên Khôi