Vì sao cổ phiếu 'họ' FLC đo sàn?

Lan Anh
Ngày 10/1, Chủ tịch FLC Group đã có pha đánh úp các chứng sĩ, 'bán chui' 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Lên trần, hạ sàn trong ‘chớp mắt’

Trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC đã có pha “đánh úp” trước sự ngỡ ngàng của nhiều “chứng sĩ”. Cụ thể, cổ phiếu này buổi sáng có lúc tăng tím lên đến 24.100 đồng. Chưa kịp vui mừng, áp lực bán tháo xuất hiện sau giờ nghỉ trưa khiến đà tăng bị thu hẹp nhanh chóng. Khoảng 13h30, cổ phiếu FLC có pha đảo chiều xuống dưới tham chiếu và sau đó khoảng năm phút thì chạm sàn 21.000 đồng.

flc-group-1641957711.jpg
Cổ phiếu "họ" FLC đồng loạt hạ sàn

Nhiều cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi trên cộng đồng đầu tư chứng khoán, nhiều người đua nhau đặt ra giả thuyết về phiên đảo chiều đầy bất ngờ của cổ phiếu "họ FLC". Cũng trong buổi tối hôm đấy, mọi người được phen ngỡ ngàng khi hay tin ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu FLC mà không báo trước theo quy định. 
Ngay mở đầu phiên giao dịch 11/1, có tới 5 trong 7 cổ phiếu "họ FLC" bị các nhà đầu tư đồng loạt “xả hàng”, giảm gần 7%, rớt xuống giá sàn.

Trong đó, giá cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm sàn xuống mốc 19.700 đồng, mã ROS (Xây dựng FLC Faros) bị giảm sàn còn 13.900 đồng, HAI (Nông dược H.A.I) bị rớt xuống giá sàn 9.210 đồng, AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) bị lao xuống giá sàn 9.580 đồng, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) bị giảm sàn còn 9.500 đồng.

Diễn biến ở hai thành viên còn lại là cổ phiếu GAB (Đầu tư Khai khoáng và quản lý tài sản FLC) và ART (Chứng khoán BOS) cũng không mấy khả quan, đều đang chìm trong sắc đỏ.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã làm gì?

Theo thông tin cho biết Chủ tịch Tập đoàn FLC đăng ký bán gần 75 triệu cổ phiếu từ ngày 10/1. Thời điểm này cũng là phiên ghi nhận thanh khoản kỷ lục của mã cổ phiếu bất động sản này, lên đến 134,96 triệu đơn vị.

trinh-van-quyet-chu-tich-flc-1641957711.jpg
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC

Thông báo đăng ký bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC được ký ngày 5/1, nhưng cho tới tối nay (10/1) thông tin này mới công bố trên website FLC, và chưa xuất hiện trên Cổng thông tin của Sở HoSE.

Theo thông báo này, ông Trịnh Văn Quyết đã đăng ký bán 74,8 triệu cổ phiếu (24,6%) vì mục đích cơ cấu lại danh mục tài sản. Cho tới trước giao dịch này, ông Quyết vẫn là cổ đông lớn nhất với sở hữu 30,3% vốn điều lệ của tập đoàn. Sau đợt xả hàng này, ông Quyết dự kiến giảm sở hữu còn hơn 40 triệu cổ phiếu, tương đương 5,7% vốn điều lệ của FLC.

Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước quyết định phong tỏa tài khoản

Cũng trong sáng ngày 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa ra thông báo cho biết: "Hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định". Theo đó, vào lúc 17h45 chiều 10/1, SSC có nhận được báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết đã hoàn tất giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước. 

Việc báo tháo cổ phiếu FLC của ông Quyết được xem là vi phạm quy định tại khoản 1, điều 33 thông tư số 96/2020 do Bộ Tài chính ban hành. Trong quy định ghi rõ trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc, người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin việc dự kiến giao dịch cho SSC, sở giao dịch chứng khoán.

Tối ngày 11/1, theo chỉ đạo của SSC, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 và phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ hôm nay. Biện pháp phong toả tài khoản được thi hành nhằm ngăn chặn cá nhân tiếp tục vi phạm.

Không phải lần đầu “bán chui”

Đây không phải lần đầu ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì bán chui cổ phiếu FLC. Vào thời điểm cuối năm 2017, SCC từng xử phạt vi phạm hành chính do hành động "bán chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo trước của ông Quyết. Ước tính trong thương vụ lần đó, ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường. Song số tiền bị phạt chỉ khoảng 65 triệu đồng.

Cùng thời gian, SCC cũng ra quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS - thời điểm đó do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) số tiền 130 triệu đồng vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) từ ngày 20 - 24.10 nhưng không báo cáo.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng so với số tiền tỷ thu về, mức xử phạt là quá nhỏ và không đủ tính răn đe.

Thiện Lê