Vì sao nhà gỗ vẫn phổ biến?

Lan Anh
Nhà gỗ là loại hình khá phổ biến đối với khu vực miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt đối với những ngôi nhà sử dụng gỗ tự nhiên quý hiếm sẽ có độ bền cao và tuổi thọ lên đến hàng trăm năm.

Đặc điểm của nhà gỗ

Gỗ là vật liệu hiện diện trong các công trình kiến trúc trong hàng nghìn năm qua. Trong đó, nhà gỗ (tiếng anh là Wooden House) là thiết kế nhà ở được yêu thích ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhà gỗ được xây dựng với chất liệu chủ yếu là gỗ tự nhiên. Các thân của cây gỗ được xử lý tỉ mỉ, lắp ghép thủ công để tạo nên những công trình nhà ở có độ bền và mang giá trị thẩm mỹ cao. 

mau-nha-go-dep-hien-dai-1651520313.jpg
Mẫu nhà gỗ được yêu thích hiện nay

Vật liệu gỗ chưa bao giờ “lỗi thời”

Bước qua thế kỷ 20, ngành xây dựng đã chứng kiến sự phát triển của các vật liệu xây dựng mới như gạch, panel, xi măng và thép khiến vật liệu gỗ không còn được sử dụng nhiều như trước. Sự thay đổi diễn ra một phần là do các vật liệu mới này có kết cấu chắc chắn, chịu lực và độ bền cao. Mặt khác, người dân ngày càng nhận thức được những hiểm nguy của nạn phá rừng và gia tăng sự tập trung vào vấn đề bảo tồn thiên nhiên. 

Thế nhưng trong những năm gần đây, vật liệu gỗ có xu hướng quay trở lại các công trình kiến trúc. Ngày càng có nhiều đơn vị thiết kế sử dụng gỗ cho các công trình phức tạp như nhà ở, văn phòng, bảo tàng, cầu đường, thậm chí là sân vận động thể thao. Một trong những ví dụ điển hình phải nhắc đến là chung cư Mjøstårnet cao 18 tầng ở Na Uy đã trở thành tòa nhà xây bằng gỗ cao nhất thế giới, với tổng chiều cao là 85,4m. Tổng thầu Erik Tveit của dự án cho biết tòa nhà tuy được xây bằng gỗ nhưng có khả năng chịu hỏa hoạn vượt trội so với thép và bê tông.

“Theo quy định an toàn cháy nổ yêu cầu tòa nhà bắt buộc phải chịu được lửa ít nhất là 2 tiếng mà không sập. Trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra, nếu tòa nhà của bạn xây bằng thép và bê tông, thép chắc chắn bị chảy và tòa nhà sẽ đổ sập”, đại diện đơn vị chia sẻ.

Ngoài ra còn có nhiều lý do để giải thích cho sự “hồi sinh” của các công trình kiến trúc bằng gỗ mà chúng ta sẽ khám phá ở phần dưới đây.

Những lợi ích khi xây dựng nhà gỗ

Giá gỗ rẻ hơn các vật liệu khác

Nếu chủ nhà không yêu cầu sử dụng các loại gỗ quý trong xây dựng mà chỉ dụng loại gỗ dân dụng thông thường thì chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn các vật liệu khác. Ngoài ra, khi sử dụng vật liệu gỗ sẽ thúc đẩy tiến trình xây dựng nhanh hơn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và ngân sách xây dựng cho chủ nhà. 

Nhà gỗ dễ thay đổi cấu trúc

Nếu sử dụng vật liệu gỗ, các tòa nhà hoặc nhà ở sẽ dễ dàng điều chỉnh mở rộng quy mô trong tương lai. Về mặt cấu trúc xây dựng cũng không cần phải sửa đổi nhiều như khi dùng các vật liệu khác.

Nhà gỗ cách nhiệt tốt

So với các đối thủ cạnh tranh, vật liệu gỗ có khả năng cách điện và cách nhiệt rất tốt. Chính vì thế khi sinh hoạt trong những ngôi nhà làm bằng gỗ bạn sẽ dễ dàng cảm nhận mùa đông ấm áp còn mùa hè lại khá mát mẻ, không gian cũng thông thoáng hơn. 

Nhà gỗ lắp ghép chịu được động đất

Ở những vùng đất không được thiên nhiên ưu ái, người dân nhận ra rằng phần lớn các nạn nhân bị thiệt mạng trong những trận động đất là do tàn tích của cơ sở hạ tầng gây ra. Do đó tại các khu vực này, công trình xây dựng phải ưu tiên sử dụng các vật liệu nhẹ chủ yếu là gỗ, thép mỏng, gạch nhẹ,.. để dù nhà sập cũng có thể giảm thiểu tỷ lệ thương vong.

nha-go-hien-dai-1651520313.jpg
Khả năng cách nhiệt và tính linh hoạt trong xây dựng giúp gỗ trở thành xu hướng vật liệu của thế kỷ 21

Tại Nhật Bản – quốc gia thường xuyên hứng chịu các trận động đất lớn, những người nghệ nhân sử dụng kỹ thuật xây dựng Kanawatsugi để lắp ghép các thanh gỗ với nhau mà không cần đến đinh, keo hay bất kỳ công cụ nào khác. Các thanh gỗ với tính năng linh hoạt, cộng thêm được ghép tinh vi đến mức tạo thành những ngôi nhà gỗ kiên cố có thể chống được động đất cấp 8.

Nhược điểm của nhà gỗ

Gây nạn phá rừng

Với lượng nhu cầu xây dựng nhà gỗ cao đã vô tình “tiếp tay” cho nạn chặt phá rừng. Về lâu dài không có biện pháp khai thác và tái tạo rừng hợp lý, các khu vực bị chặt phá bừa bãi sẽ dễ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như bão lũ, hạn hán,…

Mặt khác, lượng gỗ quý trong thiên nhiên như gỗ lim, gỗ hương,… không còn nhiều. Do đó nếu khai thác các loại gỗ này để làm nhà ở sẽ khiến giá thành xây dựng tăng rất cao.

Nguy cơ hỏa hoạn 

Gỗ là vật liệu dễ cháy. Tuy rằng các thợ xây có thể xử lý hóa chất để hạn chế tính bắt lửa của gỗ nhưng sẽ tạo rủi ro cho sức khỏe của người dân và môi trường.

Để đối phó với nguy cơ hỏa hoạn, một số công trình bằng gỗ hiện nay sẽ sử dụng thêm bông len đá với mức chịu nhiệt lên đến 1.000 độ C để tăng khả năng chống cháy. Bông len đá cách nhiệt sẽ được lắp đặt bao bọc quanh dầm gỗ, đan xen giữa các lớp tường và xà nhà để giảm tỷ lệ hư hại trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Hoài Thương