Ba lực đẩy bất động sản Thái Nguyên

Bảo An
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Thái Nguyên đã và đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân khoảng 15% một năm.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Thái Nguyên đã và đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân khoảng 15% một năm. Sức giao dịch của thị trường cũng khả quan, ghi nhận các thương vụ có giá trị cao do làn sóng đầu tư bất động sản ven đô Hà Nội.

Giới quan sát cho rằng các chỉ số tăng trưởng trên cho thấy thị trường đang nở rộ đúng tiềm năng, và hiệu ứng này có thể kéo dài suốt quý cuối của năm bởi ba yếu tố sau.

Thị trường ổn định

Sau nhiều năm trầm lắng, Thái Nguyên, cũng như Bắc Ninh, Bắc Giang đã và đang bước vào giai đoạn chín muồi. Tuy vậy, khác với một số địa phương lân cận xuất hiện các cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư “ôm hàng” vì trót dại theo sốt ảo, thì thị trường Thái Nguyên vẫn phát triển, tiếp tục hút dòng tiền.

Giá trị của bất động sản Thái Nguyên được cho đúng với giá trị thực. Các sản phẩm có tỷ lệ giao dịch cao và tăng giá chủ yếu là các dự án có quy hoạch, tiện ích đồng bộ, của các chủ đầu tư nhiều kinh nghiệm. Đây là nhóm sản phẩm đúng khẩu vị của người dân có nhu cầu về nhà ở, cũng như các nhà đầu tư theo trường phái “đánh chắc thắng chắc”.

Bên cạnh đó, việc tỉnh kiểm soát tốt trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư cũng là yếu tố giúp thị trường vững chân hơn. Theo báo cáo nghiên cứu quý II/2021 của Batdongsan.com.vn, Thái Nguyên thuộc nhóm có mức độ quan tâm đất nền ít sụt giảm nhất so với quý trước, chỉ 6%. Trong khi mức giảm của Bắc Giang là 38%, Bắc Ninh là 35%.

Các nhà đầu tư nhờ đó có tâm lý thoải mái, an tâm hơn khi các sản phẩm trong danh mục vẫn bảo toàn giá trị, hoàn toàn có tiềm năng sinh lợi khi thị trường phục hồi trong trung hạn và dài hạn, nhất là khi các chiến dịch tiêm chủng toàn dân ngày càng mở rộng và tăng tốc, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường cũ.

Thu hút FDI cao                                                   

Những năm gần đây, Thái Nguyên được xem là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư của khối ngoại, trong đó có những tập đoàn tầm cỡ thế giới như Samsung (Hàn Quốc), Alutec Vina (Hàn Quốc). Và với các thế mạnh về vị trí địa lý, đặc biệt là hạn chế các động của dịch bệnh Covid-19, “xứ trà” trong 6 tháng cuối năm vẫn duy trì vị thế là điểm sáng FDI phía Bắc.

05-1-igua-1632450795.jpg

Theo công bố mới nhất, UBND tỉnh đã cấp mới 5 giấy chứng nhận đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký lên đến 6,8 triệu USD, đồng thời điều chỉnh tăng vốn 5 lượt với tổng số vốn đăng ký thêm là 50,6 triệu USD. Các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp với gần 130 dự án.

Kéo theo đó, các chuyên gia cũng dự đoán hàng loạt các khu, cụm công nghiệp sẽ liên tục được xây dựng mới hoặc mở rộng để gia tăng năng suất, sản lượng bù đắp cho giai đoạn dịch bệnh. Đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động sẽ được tuyển bổ sung, trong đó bao gồm giới chuyên gia, trí thức trình độ cao cũng sẽ chọn Thái Nguyên sinh sống và làm việc, nhu cầu bất động sản từ đó cũng tăng trưởng tỷ lệ thuận.

Đô thị hóa nhanh, quy hoạch đồng bộ

Cách trung tâm thủ đô chỉ một tiếng di chuyển và sân bay quốc tế Nội Bài 40 phút, Thái Nguyên được xem là dấu gạch nối giữa Hà Nội và các tỉnh vùng núi phía Bắc, là vùng trợ lực đặc biệt quan trọng với chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các chiến lược đô thị hóa nhằm đưa kinh tế nói chung, cũng như thị trường bất động sản phát triển đúng theo tiềm lực đó. Chiến lược tập trung vào các mũi nhọn chính gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nâng cao chất lượng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng quy hoạch và hoàn thiện các khu đô thị mới, giãn dân trong khu vực nội thành, phát triển mạnh quỹ nhà ở…

ks-city-beat-1-1632450765.jpg

Thành quả của tỉnh là tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh trong năm 2020 đạt mức 36%. Bộ mặt đô thị được quy hoạch bài bản trở nên khang trang, hiện đại, không còn cảnh “vườn không nhà trống” như 10 năm trước đây, thay vào đó là những khu dân cư quy hoạch hoàn chỉnh, các tuyến phố thương mại sầm uất giao thương. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ dân sống ở thành thị đứng đầu trong số các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 2 trong vùng Thủ đô (chỉ sau TP. Hà Nội).

Theo dự báo trung hạn của các chuyên gia, nếu duy trì tốc độ đô thị hóa trong giai đoạn 2021-2025 lên 40,5%, sắp tới đây tại Thái Nguyên còn sẽ mọc lên các cụm dân cư hoặc khu công nghiệp mới, nhu cầu về nhà ở của lượng kỹ sư, chuyên gia, người lao động đến sống và làm việc cũng tăng lên theo.

Đây được cho là động lực quan trọng để thành phố đẩy mạnh điều chỉnh quy hoạch địa giới trong giai đoạn 2025-2035 với quy mô phần mở rộng thêm sẽ có diện tích hơn 22.300 ha (2035), lấy sông Cầu làm trục không gian chính để kiến tạo thành phố sáng tạo bên sông. Khu vực này có địa hình bằng phẳng, hạ tầng giao thông thuận tiện. Mục tiêu của phương án này là nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên dọc hai bên sông, kiến tạo các tòa cao ốc, đô thị khang trang, hiện đại ven sông.