Đâu là động lực tăng trưởng của Đà Nẵng trong giai đoạn mới?

Hoàng Vy
Đà Nẵng - một trong những điểm đến hút nhà đầu tư, ngày càng được đẩy mạnh về hạ tầng giao thông, công nghệ, chú trọng phát triển hệ thống logistics với kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế lớn của Đông Nam Á.

Bến đỗ đón đại bàng

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Tại đây, Thủ tướng đã cùng đoàn khảo sát Khu đô thị đại học FPT; thăm và khảo sát nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC và khu công viên phần mềm số 2; khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm của ban lãnh đạo đến tiềm năng, vị thế của Đà Nẵng - tỉnh đang được đẩy mạnh phát triển để trở thành trung tâm kinh tế lớn của Đông Nam Á. Điểm nổi bất cho thấy Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hoà" lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với loạt dự án được đẩy mạnh đã tạo những bước đột phá về kinh tế - xã hội cho tỉnh.

bds-da-nang-min-1-1656558054.jpeg
Loạt dự án được đẩy mạnh đã tạo những bước đột phá về kinh tế - xã hội cho tỉnh

Hiện nay, Đà Nẵng có 376 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng số vốn hơn 27.000 tỷ đồng và 911 dự án FDI. Điển hình như các khu công nghiệp Hoà Khánh, khu công nghiệp Đà Nẵng, khu công nghiệp Hoà Cầm giai đoạn 1, khu công nghiệp Liên Chiểu với tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. 

Hầu hết các khu công nghiệp đã sẵn sàng về chiến lược phát triển hậu Covid, trong bối cảnh Đà Nẵng bước vào giai đoạn mới. Đặc biệt lĩnh vực logistíc, công nghệ cao đươc phát huy mọi tiềm năng tiếp thêm động lực cho phát triển Đà Nẵng, sớm đưa khu vực thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Hàng tỷ đồng rót vào cơ sở hạ tầng 

Ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm nhằm phát triển Đà Nẵng vào giai đoạn mới. Trong đó, các dự án công trình giao thông có giá trị hơn 1.529 tỷ đồng. 

Dự kiến trong năm 2022, Đà Nẵng sẽ thực hiện đầu tư mới 30 công trình với tổng số vốn hơn 532 tỷ đồng như: tuyến đường 19,5m nối từ đường quy hoạch khu dân cư Phần Lăng 2 đến đường Trường Chinh, cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, tuyến đường ven sông Cầu Đỏ - Tuý Loan cùng hệ thống cây xanh, nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT 601, cải tạo, nâng cấp tuyến đường Võ Duy Ninh… Đặc biệt, 1.203 tỷ đồng xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu tạo điều kiện thúc đẩy giao thương hàng hoá của thành phố với các vùng, khu vực.

Bên cạnh những dự án trọng điểm, thành phố có kế hoạch đầu tư phát triển một số dự án hạ tầng giao thông nội thị hay có kế hoạch đầu tư phát triển một số dự án khác như mở rộng đường Lưua Quý Kỳ (đoạn phía Nam Phan Đăng Lưu), hoàn thành cải tạo các tuyến đường An Thượng 2, An Thượng 3, Ngô Viêm, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Kế Viêm Võ Nguyên Giáp, Trần Bạch Đằng, Lê Quang Đạo… tạo đà phát triển du lịch.

bds-da-nang-min-1656551749.jpeg
Đà Nẵng rót vốn vào các dự án công trình giao thông với hơn 1.529 tỷ đồng

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết định hướng đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, với 3 trung tâm chức năng chính gồm Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế.

Tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu biến Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng. Theo đó, thành phố sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như dự án tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, dự án nâng cấp, đầu tư Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Đề xuất xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ cao Đa Nẵng cùng một số lĩnh vực/dự án khác đang được xúc tiến đầu tư.

Quy hoạch 12 phân khu chức năng

Theo Đồ án Quy hoạch chung, Đà Nẵng hình thành 2 vành đai kinh tế và 12 phân khu chức năng. Đây được xem là bước phát triển mở ra nhiều dư địa lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng. Việc quy hoạch phân khu là cơ sở để các dự án đi vào quy hoạch chi tiết, xác định ranh giới rõ ràng hơn của từng dự án; nhà đầu tư có thể thực hiện quy hoạch 1/500 để tiến đến đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đẩy nhanh thực hiện phân khu 12 chức năng; dự kiến trong năm 2022 sẽ phê duyệt xong một số phân khu lớn, như Phân khu Đổi mới sáng tạo, Phân khu Cảng biển; năm 2023 sẽ phê duyệt hết các phân khu còn lại. Những dự án có vốn đầu tư lớn như Tổ hợp Pháo hoa quốc tế, Dự án Không gian sáng tạo Hòa Xuân, Dự án Cảng Liên Chiểu… sẽ được triển khai xây dựng.

cang-lien-chieu-min-1656551578.jpeg
Quy hoạch 12 phân khu chức năng rõ ràng tạo điều kiện nhiều ông lớn ghé thăm Đà Nẵng

Mỗi quy hoạch phân khu sẽ gắn liền với loạt dự án lớn, tạo ra nhiều động lực và dư địa phát triển cho Đà Nẵng. Điển hình như Phân khu Ven sông Hàn và bờ Đông hình thành đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Phân khu Cảng biển Liên Chiểu phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics và khu đô thị cảng biển…

Thông tin từ Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay nhiều tập đoàn lớn đã đề xuất nghiên cứu ý tưởng đầu tư vào 12 phân khu quy hoạch của Đà Nẵng. Cụ thể, Tập đoàn Sun Group đề xuất ý tưởng xây dựng dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan với diện tích 1.110 ha. Tập đoàn BRG đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch phân khu khu vực khoảng 11.573 ha và đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch tổng thể phát triển không gian 9 xã phía Nam Hòa Vang, khoảng 25.042 ha. Tập đoàn Vingroup tự khảo sát khoảng 450 ha tại xã Hòa Châu - Hòa Tiến, có sự tham gia của Công ty cổ phần Phát Đạt...

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, Đà Nẵng là thành phố có đầy đủ tiềm năng để đầu tư. Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam) đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng để thảo luận về các dự án mà hai tập đoàn đề xuất. Ban lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo rất quyết tâm với định hướng đầu tư tại Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư một dự án hiện đại, mang tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế tại Đà Nẵng.