Nâng cấp hạ tầng giao thông
Đầu năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã phân bổ hơn 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 66 dự án công trình giao thông (22 công trình thanh toán do đã hoàn thành vào năm 2021). Đặc biệt, đầu tư 503 tỷ đồng để khởi công dự án bến cảng Liên Chiểu.
Dự án Bến cảng Liên Chiểu Đà Nẵng
Dự án Bến cảng Liên Chiểu Đà Nẵng đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc, được triển khai trong giai đoạn từ 2021 đến năm 2025. Theo đó, khi dự án hoàn thiện, cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động, cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch. Dự án cảng Liên Chiểu được UBND thành phố Đà Nẵng chú trọng xây dựng với mục tiêu trở thành 1 trong 3 cảng lớn nhất cả nước, trọng tâm logistic giao thương quốc tế, tạo tính kết nối linh hoạt giữa các vùng trong nước và khu vực.
Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 teus. Giai đoạn đầu đáp ứng công suất hàng hoá đến 5,0 triệu tấn/năm, tiếp tục được nâng cao trong các giai đoạn tiếp theo, Nhờ vậy hàng hoá được vận chuyển một cách nhanh chóng, giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà hoạt động đã lâu đời.
Theo dự toán, tổng mức đầu tư dự kiến 3.426 tỷ đồng cho phần hạ tầng dùng chung cho dự án cảng Liên Chiểu. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ dự án là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của Đà Nẵng. Bộ cũng thống nhất giai đoạn tới hỗ trợ 2.000 tỷ đồng làm đê chắn sóng, đường kết nối lên cao tốc nhằm thu hút nhà đầu tư. Song song kết hợp với tổ chức đấu thầu, đấu giá rộng rãi nhằm giải bài toán về vốn khi dự án hoàn thiện thủ tục.
Bến cảng Liên Chiểu Đà Nẵng là dự án trọng điểm được quy hoạch bài bản hứa hẹn mang đến những động lực mới thúc đẩy giao thương phát triển nhộn nhịp, tạo tiền đề bứt phá kinh tế Đà Nẵng. Đặc biệt còn giảm áp lực đến các tuyến đường giao thông quốc lộ, cơ hội cho đô thị cảng hình thành những cụm dân cư sầm uất.
Dự án tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu
Mới đây, dự án xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiều đã được HĐND thành phố thông qua với mức vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án được xếp vào nhóm B, công trình giao thông cấp 1. Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập, thúc đẩy giao thương hàng hóa của thành phố với các vùng, khu vực khác trên cả nước cũng như trong khu vực và thế giới.
Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95km, bao gồm nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700m, mặt cắt ngang 30m, quy mô 6 làn xe.
Dự án có 2 nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm một nút giao đầu tuyến với Quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu; một nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu...
Dự án nâng cấp Quốc lộ 14B
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua thành phố Đà Nẵng. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá việc đầu tư dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 14B. Đồng thời, khi hoàn thiện nâng cấp sẽ tạo hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Tiên Sa với Tây Nguyên và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Với tổng mức đầu tư dự án khoảng 800 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương và địa phương, đoạn Quốc lộ 14B được đề xuất cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến này đạt quy mô đầu tư đường trục chính đô thị, cấp đô thị 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường đạt 34m. Tổng chiều dài dự án nâng cấp khoảng 7,55km. Điểm đầu của dự án tại Km24+633 thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Điểm cuối tại Km32+185.09, thuộc địa phận xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được thực hiện đầu tư trong giai đoạn từ năm 2022-2025.
Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng)
Dự án nạo vét, thoát lũ sông Cổ Cò được bắt đầu từ năm 2003, nhưng đến 2019, Đà Nẵng và Quảng Nam mới chính thức triển khai dự án. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng, thời gian thực hiện 540 ngày kể từ 17/12/2020. Về quy mô, đầu tư xây dựng tuyến kè với chiều dài 3652,5m dọc theo sông Cổ Cò thuộc địa bàn các phường Cẩm An, Cẩm Châu, Cửa Đại, các xã Cẩm Hà và Cẩm Thanh thuộc thành phố Hội An và phường Điện Dương, thuộc thị xã Điện Bàn. Đơn vị thi công là liên danh Công ty Dacinco - Xuân Quang, Cienco5 - Trung Nam.
Theo đánh giá của cấp Thành phố, dự án sẽ góp phần khơi thông, thoát lũ, khắc phục, hạn chế những thiệt hại do thiên tại, bảo vệ và ổn định đời sống nhân. Đồng thời xây dựng cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển tuyến đường du lịch Đà Nẵng - Hội An, thúc đẩy du lịch hai tỉnh. Song song hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hình thành khu đô thị phát triển xung quanh dự án, các dự án bất động sản, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện tại dự án nhận được hỗ trợ đắc lực từ Chính quyền hoàn thành đúng tiến độ hoàn thiện dự án, đảm bảo chất lượng công trình. Nhà thầu đặc biệt quan tâm đầu tư về cảnh quan thiên nhiên sẽ tạo nên cung đường kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam hấp dẫn du khách trải nghiệm.
Dự án trọng điểm cụm nút giao thông phí Tây cầu Trần Thị Lý
Với tổng mức đầu tư hơn 723 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào ngày 29.3.2020, cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý sẽ giảm thiểu gánh nặng ách tắc giao thông cho thành phố khi đi vào hoạt động. Dự án được thực hiện bởi liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Tập đoàn Cienco 4, Công ty CP xây dựng Xuân Quang, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty TNHH xây dựng Thành Phát.
Các hạng mục thi công xây dựng gồm có nút giao thông, cầu vượt, hầm, hệ thống thoát nước trong hầm, trạm bơm, hệ thống thoát nước khu vực, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, hệ thống cảnh quan cây xanh và nhà điều hành.
Dự kiến dự án phải hoàn thiện trước 31/12/2021 song thực trạng đang bị chậm tiến độ do gặp phải những khó khăn khi thi công như lực lượng chỉ huy công trình chưa đủ tầm, thiếu kinh nghiệm, lúng túng khi xử lý. Ban Quản lý dự án đã xin phép Lãnh đạo TP. Đà Nẵng gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu Xây lắp hạng mục giao thông, thoát nước đến ngày 28/2/2022 để thi công hoàn thành công trình.
Điểm sáng là ngày 14/07, cầu vượt thuộc dự án chính thức được thông tuyến, phương tiện giao thông di chuyển trên trục đường 2 Tháng 9 vượt qua đường Duy Tân tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Theo đó, các phương tiện được phân luồng không được lưu thông qua nút giao Duy Tân - 2 tháng 9, Duy Tân - Núi Thành, chỉ lưu thông theo hướng Núi Thành - Tiểu La - 2 Tháng 9 - cầu vượt - 2 Tháng 9 - Phan Thành Tài - Núi Thành. Sau khi thông tuyến cầu vượt đường 2 Tháng 9, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đã tiến hành rào chắn nút giao Duy Tân - 2 Tháng 9 để triển khai thi công các hạng mục hầm chui, vòng xuyến và các hạng mục còn lại của dự án.
Công trình trọng điểm Đà Nẵng nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601
Dự án nâng cấp, Đường ĐT601 dài 35km, nối liền các xã ở vùng Tây Bắc Hòa Vang, TP Đà Nẵng gồm Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc và giáp ranh địa phận H. Nam Đông, Thừa Thiên Huế. Từ nhiều năm nay, công trình xuống cấp nặng nề với nhiều ổ gà, rãnh nước vì chịu áp lực của các phương tiện vận chuyển nguyên liệu. Việc đi lại của người dân gặp nhiều trắc trở, ngày mưa xuất hiện nhiều vũng nước lớn, nguy hiểm đến sự an toàn khi lưu thông. Khi có công văn đầu tư dự án thành công trình trọng điểm được nâng cấp, cải tạo được người dân mong chờ hoàn thiện.
Dự án được góp vốn Ngân sách thành phố và ngân sách Trung ương với tổng mức đầu tư 643,52 tỷ. Tuy nhiên dự án gặp nhiều khó khăn khi giải tỏa mặt mặt bằng, nhiều công trình vướng phải sai phạm đã hoàn thiện. Trước đó, khi người dân nghe tin dự án sắp được xây dựng đã tiến hành xây nhà, với mục đích hưởng đền bù. Vướng mắc vào việc giải tỏa làm chậm tiến độ nên trong quá trình thi công, chính quyền buộc phải dỡ bỏ những công trình trái phép, vi phạm.
Đường vành đai phía Tây 2, Đường và cầu qua sông Cổ Cò trọng điểm Đà Nẵng
Đường vành đai phía Tây 2, Đường và cầu qua sông Cổ Cò có mức đầu tư 1.370,44 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10-2018 và dự kiến thông tuyến vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vẫn gặp nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân chậm trễ do chưa thống nhất phương án bổ sung đường gom, chưa bàn giao mốc giới, hồ sơ kỹ thuật thửa đất…
Theo Ban Quản lý, dự án làm tuyến đường và cầu qua sông Cổ Cò thuộc địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Việc làm cầu, đường qua sông Cổ Cò sẻ kết nối giao thông thẳng từ điểm giao Võ Chí Công - Trần Đại Nghĩa đến bãi tắm dễ dàng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện các dự án bất động sản, khu dân cư quy hoạch phát triển ngay bên sông Cổ Cò.
Đường vành đai phía Tây 2 có tổng chiều dài 14,3km. Điểm đầu tuyến giao khác mức với đường Quốc lộ 14B tại Km19+429,5; điểm cuối tuyến giao khác mức với tuyến tránh Hải Vân – Túy Loan tại Km16+006,22. Tuyến đường này đi qua địa bàn 5 xã, gồm Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang. Dự án đường vành đai phía Tây (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Những dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thi công, hoàn thiện và nguồn vốn lớn. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid 19, nhiều dự án vẫn tiến hành xây dựng nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án, đáp ứng những kế hoạch đề ra của tỉnh. Loạt dự án trọng điểm sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng tỉnh Đà Nẵng, tạo sức bật cho bất động sản Đà Nẵng.
Dự án đường hầm vượt sông Hàn
Theo bản đồ quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ làm công trình hầm qua sông Hàn. Phương án làm hầm thẳng vượt sông Hàn do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất. Dự án có kinh phí 4.700 tỷ đồng.
Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC, Bộ Giao thông Vận tải), đơn vị được Thành ủy Đà Nẵng chọn triển khai phương án thiết kế hầm thẳng vượt sông Hàn, cho biết công trình sẽ có tổng chiều dài khoảng 1.405m. Trong đó phần hầm kín dài 1.005m, phần hầm hở mỗi bờ 200m.
Dự án hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay quốc tế Đà Nẵng, kết nối phía đông và phía tây.
Dự án hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.200 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyển khoảng 3,7km với phần hầm khoảng 2,48km với quy mô 6 làn xe cơ giới và xây dựng các nhánh kết nối với khu đô thị phía Tây sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Hình thành 5 trung tâm logistics
Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gồm có: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics đường sắt Đà Nẵng, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu
Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu có vai trò là trung tâm logistics cảng biển cấp vùng, hạng I, quy mô đến năm 2030 là 35ha, đến năm 2045 đạt 69 ha. Hình thức đầu tư là 100% vốn của nhà đầu tư; quy mô vốn đầu tư do nhà đầu tư đề xuất. Vị trí đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu. Hiện Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng đang lập quy hoạch chi tiết mặt bằng khu bến cảng Liên Chiểu.
Trung tâm logistics Hòa Nhơn
Đây là trung tâm logistics đường bộ, quy mô đến năm 2030 là 27ha, đến năm 2045 đạt 54ha. Vị trí đặt gần nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hoàng Văn Thái (phía Nam), có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa Bắc - Nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua Đà Nẵng.
Trung tâm logistics đường sắt Đà Nẵng
Trung tâm logistics đường sắt Đà Nẵng là trung tâm logistics phục vụ đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 5 ha, đến năm 2045 đạt 10 ha. Vị trí tại khu vực Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia với đường bộ quốc gia và đường vành đai của thành phố.
Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng
Đây là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4 ha, đến năm 2045 đạt 8 ha. Vị trí đặt trong hoặc gần khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Đây là trung tâm logistics công nghiệp phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 3 ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20 ha. Vị trí đặt trong Khu công nghệ cao thành phố, có vai trò là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics đường không và đường bộ.