Bình Thuận: Những lực đẩy tạo bước chuyển mình
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch song Bình Thuận được ví như “nàng công chúa ngủ quên trong rừng" khi sở hữu rất ít dự án nghỉ dưỡng, thiếu đi sự đa dạng trong các hoạt động giải trí cũng như trải nghiệm văn hóa. Phần lớn nguồn cung trên thị trường là các khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ do chính chủ đầu tư tự vận hành (chiếm tỷ trọng 92%). Hạt động của các cơ sở lưu trú hiện phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nội địa, chiếm gần 90% lượt khách lưu trú hàng năm. Đặc biệt vấn đề lớn nhất mà Bình Thuận gặp phải đó là không có sân bay nên việc di chuyển rất bất tiện, đây cũng là một trong những lý do khiến du khách ngần ngại khi ghé thăm dù sở hữu nhiều cảnh đẹp.
Ông Louis Walters - Giám đốc điều hành Sailing Club Leisure Group chia sẻ: “Phan Thiết – Mũi Né thu hút một lượng du khách từ TP HCM nhờ vào kết nối giao thông thuận tiện, tình hình kiểm soát dịch bệnh ổn định tại khu vực. Việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng như tuyến cao tốc Phan Thiết - TP HCM và sân bay lân cận được kỳ vọng sẽ giúp Phan Thiết thu hút thêm một lượng lớn khách quốc tế cũng như nội địa, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch tại địa phương”.
Với tỷ trọng khách nội địa lớn, 2020 là năm đầu tiên Bình Thuận vượt qua Khánh Hòa và Đà Nẵng về lượng khách lưu trú, đạt hơn 3 triệu lượt so với 1,3 triệu và 2,7 triệu tại hai địa phương này. Trong những năm gần đây, Phan Thiết thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị quản lý vận hành trong khu vực và quốc tế như Absolute Hotel Services, Accor, Azerai, Centara Hotels & Resorts, Minor Hotels… được kỳ vọng gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường các sản phẩm nghỉ dưỡng cũng như tăng tính nhận diện với du khách quốc tế. Những dự án chất lượng đang được triển khai thi công sẽ bổ sung thêm nguồn cung trong thời gian tới.
Đặc biệt, khi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cũng như những chính sách của tỉnh đã tạo điều kiện thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân. Sự hiện diện của các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng với nhiều tiện ích như sân gôn tiêu chuẩn quốc tế, các hoạt động giải trí và thể thao được kỳ vọng tăng thêm tính đa dạng cho ngành du lịch địa phương, gia tăng thời gian lưu trú của du khách.
Phú Quốc: bước tiến đón sóng phục hồi du lịch
Phú Quốc được xem là Đảo ngọc với nhiều lợi thế về vùng biển đẹp, khí hậu tốt gần như quanh năm. Phú Quốc được xem là điểm đến du lịch hàng đầu thu hút du khách nội địa lẫn quốc tế. Đây cũng là tỉnh được thí điểm về đón khách du lịch quốc tế đầu tiên từ tháng 9/2021. Bắt đầu từ 20/11/2021, Phú Quốc được phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế thông qua "hộ chiếu vaccine".
Thống kê cho thấy kỳ nghỉ lễ năm 2022, Phú Quốc đón hơn 127.200 lượt khách đến tham quan du lịch, tổng thu từ du lịch đạt trên 175 tỉ đồng. Tính từ ngày 30-4 đến ngày 3-5, có hơn 292.500 lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tăng 65,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ du lịch đạt trên 175 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Những con số nổi bật này cho thấy sức hút của Phú Quốc với sự tăng trưởng kinh tế.
Nhờ sở hữu những điều kiện về du lịch trên, Phú Quốc trở thành điểm đến của nhiều ông lớn với hàng loạt dự án nghìn tỷ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sôi động. Điển hình loạt dự án đến từ Vingroup, Sun Group, Tân Á Đại Thành… đa dạng các loại hình từ khách sạn, biệt thự biển truyền thống, nhà phố thương mại, condotel. Có thể điểm qua loạt dự án được xây dựng tại đây như Meyhomes Capital Phú Quốc, Sun Premier Village Kem Beach Resort, Selavia Phú Quốc đầu tư cả về tiện ích, hoạt động trải nghiệm được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, nhận xét: “Trước kia, truyền thông về Phú Quốc chưa mạnh như bây giờ. Việc những tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch xuất hiện đã thay đổi nhiều thứ. Sự có mặt của họ đồng nghĩa với hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ”.
Hồ Tràm: “Nàng thơ” vừa thức giấc
Với khoảng cách thuận tiện chỉ cách TP HCM khoảng 120km cùng loạt dự án hạ tầng đang được triển khai, Hồ Tràm và Long Hải đang có nhiều thuận lợi trong việc khai thác tiềm năng du lịch cũng như thu hút đầu tư.
Hiện tại, Long Hải và Hồ Tràm có 19 dự án thuộc phân khúc 4 và 5 sao đang hoạt động, cung cấp ra thị trường 2.700 phòng. Trong 3 năm tới, một lượng nguồn cung lớn dự kiến sẽ gia nhập thị trường với 9 dự án mới đang được triển khai xây dựng và 5 dự án đang được mở rộng, ước tính cung cấp khoảng 7.600 phòng.
50% nguồn cung tương lai sẽ được quản lý bởi nhà điều hành quốc tế và khu vực trong đó có thể kể đến một số thương hiệu như Intercontinental Grand Hồ Tràm, Holiday Inn Resort Hồ Tràm, Hyatt Regency Hồ Tràm, Grand Mercure,…Loạt dự án mới được mở bán sôi động trong 6 tháng đầu năm như Novaland Hồ Tràm, Hyatt Regency Hồ Tràm, Charm Resort Hồ Tràm, The Maris Vũng Tàu tạo nên sức hút cho thị trường này.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Mặc dù Covid đã tác động nặng nề đến thị trường du lịch toàn cầu, Hồ Tràm và Long Hải là hai trong số ít các điểm đến giữ được công suất và giá phòng ở mức trước đại dịch, và thậm chí đa phần các Resort còn hoạt động tốt hơn trong năm 2021. Ngoài ra, nhu cầu về sencondhome (ngôi nhà thứ hai) tăng lên khi người hiểu rõ những giá trị của một chỗ lưu trú lân cận TP HCM cho kỳ nghỉ cuối tuần hoặc chuyến đi ngắn ngày.