Công việc của đơn vị tư vấn thiết kế là hiện thực hóa ý tưởng trên bản vẽ khô khan bằng những hình ảnh 2D, 3D, thước phim sống động. Các hình ảnh này sẽ giúp người mua hình dung rõ nét hơn về dự án sẽ thành hình trong tương lai với đầy đủ màu sắc, hình thù, đặc điểm, kể cả cuộc sống sẽ diễn ra ở đó.
Để làm được điều này, giữa các bên liên quan tới dự án phải trải qua quá trình tìm hiểu, đánh giá sản phẩm, thị trường, khách hàng bài bản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi nhận đề bài từ chủ đầu tư, nhiều đơn vị làm marketing chỉ đón nhận thông tin thụ động, một chiều, thiếu chọn lọc ngay từ ban đầu.
Một phần lý do là các đơn vị thiết kế hiểu chưa sâu vấn đề, non kinh nghiệm và thiếu kiến thức. Bên cạnh đó, họ không muốn làm phật lòng chủ đầu tư - người đang trả tiền trực tiếp cho họ. Kết quả dẫn đến những sản phẩm không chất lượng, sao chép những mô hình thành công, đưa ra các giải pháp ăn xổi, tạm thời.
Anh Bùi Xuân Hoà, Tổng giám đốc The Agency cho rằng: “Khi làm việc với chủ đầu tư, tôi không biến mình thành cái “máy gật”, đến nhận đề bài từ chủ đầu tư và chỉ biết gật đầu “YES”, dạ vâng ạ. Trong mọi cuộc họp, tôi luôn trong tâm thế của người đi mua hàng, luôn đặt những câu hỏi ngược lại và tìm ra điểm chưa tốt của dự án”.
Anh hiểu rõ chủ đầu tư nào cũng tâm huyết với sản phẩm của họ. Có một số chủ đầu tư hoàn toàn không nhìn thấy điểm yếu của “đứa con” mà họ tạo ra, nhưng số khác lại cố tình không nhìn ra hoặc bị cái tôi của mình điều khiển nên không muốn nghe chê. Tuy nhiên, đó là phản ứng tâm lý chung, khi mình hiểu sản phẩm sẽ có góp ý dưới góc độ xây dựng sản phẩm tốt hơn. Với anh, hầu hết chủ đầu tư sẽ lắng nghe khi thấy đó là những điều cần thiết để giúp hoàn thiện sản phẩm của họ, phục vụ công tác bán hàng.
“Khi nhận đề bài, tôi luôn lắng nghe những chia sẻ, câu chuyện tâm tư nguyện vọng, kể cả “tham vọng" của họ, đồng thời vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để phản biện và nhận xét dưới góc độ xây dựng. Tôi nghĩ không phải ai cũng phản biện được và chủ đầu tư luôn sẵn lòng lắng nghe nếu đó là những phản biện sắc bén”, anh Hoà tâm sự thêm.
Kết quả của tư duy phản biện giúp anh hiểu sâu về sản phẩm, biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu để đồng hành với chủ đầu tư và mang đến những hình ảnh, cảm xúc và câu chuyện tốt nhất.
Có trường hợp trong giấy tờ không có một số hạng mục tiện ích, nhưng chủ đầu tư vẫn yêu cầu thiết kế thì anh sẽ đóng vai trò là đơn vị tư vấn ngược lại cho họ để sản phẩm dễ tiếp cận khách hàng và có câu chuyện để kinh doanh. Phương châm của anh là sẽ không “đổi trắng thay đen” mà chỉ làm cho sản phẩm trở nên hoàn thiện hơn, mang góc nhìn mới mẻ hơn cho khách hàng.
Việc đánh giá sản phẩm hình ảnh mang tính cá nhân rất cao. Tiêu chí để đánh giá sản phẩm sáng tạo về mặt hình ảnh cũng có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm mỹ.
“Không có sản phẩm xấu, không có sản phẩm khó mà quan trọng là mình có tìm đúng đối tượng khách hàng và kể đúng câu chuyện người ta muốn nghe hay không”, anh Bùi Xuân Hoà nhấn mạnh.
Anh cho rằng, không có dự án nào chỉ toàn điểm yếu mà chúng ta phải tiếp cận, truyền thông phải khác biệt.
Sức hút của dự án phụ thuộc vào sự phù hợp với đối tượng khách hàng như lối sống, văn hoá, thu nhập…. Thị trường lớn như bất động sản có trăm ngàn dự án từ căn hộ, biệt thự, khách sạn với mức giá từ vài triệu đến vài tỷ/m2. Với mỗi đối tượng khách hàng chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn về sản phẩm, hình ảnh và cách tiếp cận khác nhau.
Bình luận về quan điểm tiền quyết định đến chất lượng sản phẩm, anh Hoà chia sẻ thẳng thắn: “Thực tế, người làm nghệ thuật, sáng tạo, marketing rất nhạy cảm khi nói vấn đề về tiền. Sản phẩm đưa ra công chúng thường có hai nhận xét tốt hoặc không tốt. Những người làm nghề khi đã nhận việc thì sẽ đặt cái tâm làm nghề, sản phẩm bắt buộc phải đẹp, đẹp trong đối tượng khách hàng, đẹp trong sản phẩm mục tiêu mà chủ đầu tư đang mong muốn.
Chúng ta không thể giải thích vì chỉ có chừng ấy tiền và thời gian nên tôi chỉ làm bằng ấy. Nếu làm như vậy thì những người làm sáng tạo, hình ảnh đang tự trói chân họ, tự họ giết bản thân họ”.
Trong một số trường hợp, định giá sản phẩm sáng tạo giữa các đơn vị đang có sự chênh lệch, do các nguyên nhân:
Thứ nhất, dựa vào chi phí vận hành của doanh nghiệp. Ví dụ như là sản phẩm này làm mất 3 ngày, mỗi ngày chi phí là 1 đồng thì sản phẩm này tương ứng với 3 đồng.
Thứ hai và là quan trọng nhất, việc định giá dựa trên thế mạnh về kỹ thuật, độ am hiểu thị trường, kinh nghiệm thực chiến, kiến thức tổng quan chuyên sâu của đơn vị tư vấn. Việc chênh nhau 15 – 30% không thành vấn đề nếu đơn vị tư vấn hỗ trợ tốt, đúng tiến độ, ít rủi ro về sản phẩm cuối cùng. “Tôi nghĩ rằng chủ đầu tư họ thừa thông minh khi chọn lựa đơn vị đồng hành”, anh Hoà cho hay.
“Cần phải phân biệt rõ ràng giữa một đơn vị creative (sáng tạo) và một supplier (cung cấp). Khi chủ đầu tư làm việc với đơn vị sáng tạo thì sẽ nhận lại những tương tác ngược, các giá trị chất xám bổ sung, các kiến thức giúp cho sản phẩm hoàn thiện hơn. Còn những đơn vị chuyên về sản xuất thì chỉ làm theo đặt hàng, bảo gì làm nấy, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu”.